Khi nhắc đến bệnh loãng xương, hầu hết chúng ta nghĩ rằng đó là bệnh của người già. Hơn nữa, ngày nay có rất nhiều loại sữa dành cho mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người già, nên khả năng loãng xương xảy ra rất thấp. Nhưng thực tế, tỷ lệ loãng xương đang là chủ đề nóng hổi của toàn cầu trong khoảng 30 năm trở lại đây. Và loãng xương đang có xu hướng trẻ hóa.
Vậy lý do bệnh loãng xương ngày càng trẻ hóa là gì và có giải pháp nào để chăm sóc sức khỏe xương khớp từ sớm hay không? Xin mời mọi người lắng nghe ThS.BS Trần Quốc Khánh (BS chuyên khoa xương khớp và phẫu thuật cột sống) chia sẻ dưới đây.
Mới 30 tuổi đã bị loãng xương cấp độ nặng vì... gần như không ra ngoài tiếp xúc ánh mặt trời
Đây là trường hợp của một thanh niên nam 30 tuổi mà BS Khánh chia sẻ. Được biết, nam thanh niên này có thói quen ngồi rất nhiều và thường xuyên sống về đêm. Làm việc qua máy tính tại nhà, cộng với thói quen đi ngủ lúc 3 giờ sáng và dậy lúc 1-2 giờ chiều, mọi hoạt động diễn ra chủ yếu trong nhà nên nam thanh niên gần như không ra khỏi nhà, không vận động thể chất hay tiếp xúc với ánh mặt trời.
Kết quả chẩn đoán loãng xương của nam thanh niên 30 tuổi.
Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và đã gây loãng xương cho nam thanh niên. Kết quả của việc kiểm tra đã khiến bác sĩ Khánh cảm thấy ngạc nhiên.
Khi chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng loãng xương ở người trẻ ngày càng nhiều, bác sĩ Khánh cho biết: "Trong tất cả các tình trạng bệnh tật, lối sống và môi trường sống đều là yếu tố quan trọng nhất. Với xã hội hiện đại, các bạn trẻ đang có nhiều thói quen xấu gây loãng xương ngày càng trẻ hóa, như:..."
1. Ngồi nhiều, ít vận động
2. Ở trong môi trường điều hòa nhiều, ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời
3. Sống về đêm: Thức đêm, dậy muộn
4. Chế độ dinh dưỡng không khoa học
Giải pháp cải thiện sức khỏe xương khớp cho người trẻ
Quay trở lại trường hợp của một người đàn ông 30 tuổi phát hiện mình loãng xương cách đây 6 tháng, nhưng hiện tại mật độ xương của anh ấy đã trở về bình thường. Anh ấy đã thay đổi lối sống, từ cách điều chỉnh giấc ngủ đến việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vận động thể chất, tẩy giun và có chế độ ăn uống phù hợp hơn. "Kết quả là điều trị bất ngờ. Nhờ vào sự nỗ lực, kiên nhẫn và quyết tâm, tất cả các chỉ số đã có cải thiện đáng kể", BS Khánh chia sẻ.
Do đó, để cải thiện sức khỏe xương cho người trẻ, BS Khánh khuyên mọi người cần thực hiện những việc sau:
1. Tránh thức khuya, dậy muộn
2. Nên tiếp xúc ánh sáng mặt trời
3. Vận động thể dục thể thao
4. Tẩy giun
5. Uống sữa và ăn sữa chua để cung cấp canxi
6. Bổ sung dưỡng chất và canxi
Lộ trình điều trị loãng xương mất bao lâu?
Theo BS Khánh, thời gian điều trị loãng xương thông thường kéo dài khoảng 3-5 năm. Với trường hợp nam giới 30 tuổi như trên, do tuổi trẻ nên tốc độ hủy xương thấp. Ngoài ra, tốc độ lắng đọng xương và xây dựng cơ thể mạnh mẽ dẫn đến việc điều trị cải thiện nhanh chóng. Trong khi đó, ở người trung niên và phụ nữ, tốc độ hủy xương cao, tốc độ lắng đọng và tổng hợp xương thấp, do đó thời gian điều trị sẽ lâu hơn.
Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe xương và khớp, BS Khánh khuyên mọi người nên "rời xa màn hình điện thoại", vì thói quen này có thể gây ra nhiều vấn đề, bao gồm: hỏng mắt, rối loạn thị giác; căng thẳng, giảm khả năng tập trung và tư duy; tăng nguy cơ tai nạn giao thông; tăng nguy cơ trầm cảm, cảm giác cô đơn; và tăng nguy cơ mắc các bệnh như loãng xương, suy giãn tĩnh mạch, cao huyết áp, tiểu đường, hoặc hen suyễn... Để dễ dàng rời xa điện thoại, BS Khánh khuyên mọi người nên xuống phố nhiều hơn, dành thời gian cho gia đình và thực hiện các hoạt động vận động và thể thao.