Tác động của bụi PM2.5 đến sức khỏe
Bụi mịn PM2.5 có khả năng xâm nhập sâu vào cơ thể thông qua hệ hô hấp, có thể xâm nhập vào phế nang phổi và đi vào máu. Nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng tăng cao trong khoảng thời gian mùa lạnh, thời tiết hanh khô, khi bụi mịn dễ dàng khuếch tán trong không khí. Người lớn tuổi mắc bệnh tim hoặc bệnh phổi mãn tính (COPD, hen suyễn), trẻ em, trẻ sơ sinh là những nhóm có nhiều khả năng bị ảnh hưởng xấu nhất đến sức khỏe khi tiếp xúc với bụi PM2.5.
Biện pháp phòng tránh và bảo vệ sức khỏe
Để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với bụi mịn PM2.5, người dân cần hạn chế ra ngoài vào các khung giờ cao điểm, hạn chế di chuyển vào khu vực có thi công, lưu lượng giao thông đông đúc. Ngoài ra, cần tránh mở cửa sổ, cửa ra vào ở khung giờ cao điểm 7 - 8 giờ và 18 - 19 giờ. Đối với người mắc bệnh lý hô hấp mãn tính, trẻ em và người cao tuổi có sức đề kháng yếu, cần đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Khẩu trang thông thường không lọc được các hạt bụi siêu mịn PM2.5, vì vậy cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng, khẩu trang N95, N99.
Chăm sóc sức khỏe khi tiếp xúc với bụi mịn PM2.5
Người mắc bệnh lý hô hấp mãn tính cần ghi nhớ đeo khẩu trang mỗi khi ra đường và không tự ý dùng thuốc tại nhà. Cần khám bệnh và điều trị theo đúng phác đồ được chỉ định. Ngoài ra, cần chú ý vệ sinh cá nhân, giữ đường hô hấp sạch sẽ, làm sạch mũi mỗi ngày để giảm nguy cơ viêm đường hô hấp. Đồng thời, cần ăn uống đúng giờ, đủ các chất gồm đạm, tinh bột, chất béo và vitamin, chế độ sinh hoạt phải bảo đảm khoa học.