Khách hàng mục tiêu là gì? Chiến lược chọn thị trường mục tiêu trong Marketing

(1 Đánh giá)
Khách hàng mục tiêu là gì? Chiến lược chọn thị trường mục tiêu trong Marketing

Khách hàng/thị trường mục tiêu (target customer/target market) là gì? Vai trò của khách hàng/thị trường mục tiêu trong Marketing. Làm thế nào & chiến lược để doanh nghiệp xác định, chọn đúng thị trường mục tiêu?

Khái niệm khách hàng/thị trường mục tiêu (target customer/target market)

Khách hàng mục tiêu, trong một số trường hợp có thể gọi là thị trường mục tiêu, là tập hợp những khách hàng tồn tại trên thị trường, đã được xác định rõ bởi doanh nghiệp thông qua phân khúc thị trường, và là đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp đang hướng đến. Dĩ nhiên, những khách hàng này phải mang trong mình những nhu cầu, mong muốn có thể đáp ứng, thỏa mãn bởi sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp và phải có khả năng chi trả cho sản phẩm/dịch vụ ấy. 

Lưu ý: khi đề cập đến khách hàng mục tiêu trong Marketing, hiển nhiên đó là tập hợp nhiều khách hàng có cùng một hay nhiều đặc điểm đã được doanh nghiệp xác định trước, chứ không phải một cá nhân đơn lẻ như nhiều bạn thường lầm tưởng.

Khách hàng mục tiêu

Ví dụ về khách hàng mục tiêu

Ví dụ:

  • Khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp A là những người có độ tuổi từ 16 - 40, giới tính nam, thường xuyên hoạt động thể thao.
  • Khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp B là những doanh nhân có độ tuổi từ 25 - 50, có nhu cầu vay vốn thường xuyên.
  • Khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp C là các công ty sản xuất giày dép tại khu vực các tỉnh miền Nam Việt Nam.

Vai trò của khách hàng mục tiêu trong Marketing

Khách hàng mục tiêu đóng vai trò trung tâm trong chiến lược marketing, cũng như các hoạt động Marketing của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ dựa trên nhu cầu và mong muốn của khách hàng mục tiêu, định giá dựa trên khả năng chi trả của khách hàng mục tiêu, và xây dựng trên phân phối dựa trên vị trí địa lý của khach hàng mục tiêu.

Mục tiêu cuối cùng của marketing là cung cấp giá trị đến khách hàng mục tiêu thông qua sản phẩm/dịch vụ, từ đó thu lợi nhuận về do doanh nghiệp.

Quy trình sàn lọc và xác định khách hàng mục tiêu

Việc xác định khách hàng/thị trường mục tiêu trong Marketing có vai trò hết sức quan trọng và trải qua các giai đoạn hết sức phức tạp. Bất cứ một sai lầm nào trong quá trình này sẽ khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để có thể điều chỉnh hoạt động Marketing về đúng hướng. Ngược lại, việc chọn đúng khách hàng mục tiêu phù hợp với nguồn lực và tiềm năng của doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả rất cao cho việc kinh doanh sau này.

Nhìn chung, doanh nghiệp có thể xác định được khách hàng thông qua 4 bước:

Nghiên cứu thị trường

Doanh nghiệp thực hiện các cuộc nghiên cứu với mục đích xác định lượng khách hàng hay người tiêu dùng có nhu cầu mà doanh nghiệp có thể đáp ứng, cũng như số lượng và quy mô của những đối thủ cạnh tranh có khả năng đáp ứng những nhu cầu đó.

Phân khúc thị trường

Doanh nghiệp phân chia thị trường thành nhiều phân khúc (tập hợp những khách hàng có chung một hay nhiều đặc điểm)

Đánh giá phân khúc thị trường

Việc đánh giá phân khúc thị trường giúp doanh nghiệp xác định những phân khúc nào sẽ phù hợp với nguồn lực và mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp thường đánh giá phân khúc thị trường dựa trên các tiêu chí sau:

  • Quy mô thị trường: Số lượng khách hàng trong phân khúc.
  • Mức độ tăng trưởng: Là chỉ số phản ánh sự gia tăng về số lượng khách hàng trong phân khúc theo thời gian. Mức độ tăng trưởng càng cao thì cơ hội thu về doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp khi chọn phân khúc ấy sẽ càng lớn (nếu bỏ qua yếu tố cạnh tranh).
  • Mức độ cạnh tranh: Là chỉ số phản ánh mức độ khó khăn đến từ những đối thủ cạnh tranh đang phục vụ phân khúc đó. Mức độ cạnh tranh càng cao thì cơ hội để doanh nghiệp có thể thành công càng thấp.
  • Số nhà cung cấp phù hợp để phục vụ khách hàng trong phân khúc: Số nhà cung cấp có trong phân khúc càng nhiều thì khả năng doanh nghiệp thành công trang phân khúc càng cao và ngược lại.

Chọn phân khúc làm thị trường mục tiêu

Doanh nghiệp cân đối với nguồn lực, lợi thế cạnh tranh của mình để lựa chọn phân khúc có thể mang lại nhiều giá trị lợi ích cho doanh nghiệp nhất. Thông thường, các doanh nghiệp thường sử dụng một trong các chiến lược chọn thị trường mục tiêu được liệt kê dưới đây.

Các chiến lược lựa chọn phân khúc làm thị trường mục tiêu trong Marketing

tổng cộng 4 chiến lược chọn phân khúc làm thị trường mục tiêu thường được sử dụng phổ biến ở các doanh nghiệp trên thế giới: Chiến lược bao phủ chung, Chiến lược bao phủ phân biệt, Chiến lược thị trường ngách, Chiến lược thị trường vi mô.

Các chiến lược chọn thị trường mục tiêu

1. Chiến lược bao phủ chung (mass marketing)

Chiến lược bao phủ chung (mass marketing) là chiến lược mà trong đó doanh nghiệp sẽ gộp tất cả các phân khúc lại thành một và phục vụ tất cả các khách hàng trong phân khúc lớn theo một cách như nhau. 

Chiến lược bao phủ chung - Mass marketing

Thông thường, chiến lược này được áp dụng ở những thị trường độc quyền, hay thị trường có rất ít đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ:

  • EVN độc quyền cung cấp điện đến các hộ gia đình Việt Nam với dịch vụ như nhau, bất kể vùng miền.
  • Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn gần như độc quyền toàn bộ ngành đường sắt và ít có sự phân hóa, chuyên biệt trong sản phẩm & dịch vụ cho những đối tượng khách hàng khác nhau.

Do sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đến nay chiến lược bao phủ chung dần trở nên rất ít phổ biến, bởi hướng đi của chiến lược này không mang đến khả năng cạnh tranh cao cho doanh nghiệp.

2. Chiến lược bao phủ phân biệt (segmented marketing)

Chiến lược bao phủ phân biệt (segmented marketing) là chiến lược mà trong đó doanh nghiệp sẽ lựa chọn phục vụ tất cả các phân khúc nhưng với sản phẩm/dịch vụ chuyên biệt cho từng phân khúc.

Chiến lược bao phủ phân biệt - Segmented Marketing

Chiến lược này sẽ phù hợp với những doanh nghiệp có nguồn lực về nhân sự và tài chính dồi dào, với mục tiêu nắm phần lớn thị phần trên thị trường.

Ví dụ:

  • P&G nhắm đến thị trường sản phẩm giặt giũ (bột giặt, nước giặt, nước xã vãi trên khắp thế giới), nhưng sản phẩm ở mỗi quốc gia đều được tùy chỉnh, tối ưu khác nhau để phù hợp với khách hàng theo từng phân khúc.

3. Chiến lược thị trường ngách (niche marketing)

Chiến lược thị trường ngách (niche marketing) là chiến lược mà trong đó doanh nghiệp sẽ chọn những phân khúc có mức độ cạnh tranh thấp, quy mô nhỏ nhưng có khả năng mang lại lợi nhuận cao. Doanh nghiệp áp dụng chiến lược này thường cung cấp các sản phẩm/dịch vụ mang tính chuyên biệt để phục vụ nhu cầu của những khách hàng trong phân khúc một cách tốt nhất.

Không phải lúc nào việc bao phủ thị trường cũng là tốt. Việc xác định được thị trường ngách phù hợp sẽ giúp gia tăng mức độ hiệu quả trong kinh doanh của doanh nghiệp lên rất nhiều lần mà không phải tốn quá nhiều chi phí để cạnh tranh với những đối thủ lớn.

Chiến lược thị trường ngách - Niche Marketing

Đây là chiến lược thường được áp dụng ở các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có quy mô, nguồn lực nhỏ.

Ví dụ:

  • Thay vì lựa chọn phục vụ nhu cầu di chuyển bằng xe máy cho tất cả các đối tượng khách hàng như Honda, Yamaha... hãng Kawasaki lựa chọn chỉ phục vụ riêng cho những khách hàng có nhu cầu tham gia các cuộc đua xe, "phượt" bằng các mẫu xe phân phối lớn, được thiết kế chuyên biệt.

4. Chiến lược thị trường vi mô (Micromarketing/local marketing)

Chiến lược thị trường vi mô (Micromarketing/local marketing) là chiến lược mà trong đó doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm/dịch vụ theo nhu cầu của từng khách hàng khác nhau, hay một nhóm nhỏ khách hàng khác nhau trong một phân khúc thị trường. Đây là đặc điểm của chiến lược vi mô. 

Chiến lược thị trường vi mô - Micro marketing

Ví dụ:

  • Marriott's Renaissance được biết đến rộng rãi là một khách sạn chuyên phục vụ các khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu với những cách phục vụ khác nhau, từ phòng ốc đến dịch vụ ăn uống, giải trí.... tùy theo nhu cầu, yêu cầu, sở thích, đặc điểm... của từng khách hàng khi đến với khách sạn này

     Tham khảo Case study liên quan:

Câu hỏi thường gặp (FAQ)

Khách hàng mục tiêu (target customer), trong một số trường hợp có thể gọi là thị trường mục tiêu (target market), là tập hợp những khách hàng tồn tại trên thị trường, đã được xác định rõ bởi doanh nghiệp thông qua phân khúc thị trường, và là đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp đang hướng đến. Dĩ nhiên, những khách hàng này phải mang trong mình những nhu cầu, mong muốn có thể đáp ứng, thỏa mãn bởi sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp và phải có khả năng chi trả cho sản phẩm/dịch vụ ấy.
  • Khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp A là những người có độ tuổi từ 16 - 40, giới tính nam, thường xuyên hoạt động thể thao.
  • Khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp B là những doanh nhân có độ tuổi từ 25 - 50, có nhu cầu vay vốn thường xuyên.
  • Khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp C là các công ty sản xuất giày dép tại khu vực các tỉnh miền Nam Việt Nam.
Khách hàng mục tiêu đóng vai trò trung tâm trong chiến lược marketing, cũng như các hoạt động Marketing của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ dựa trên nhu cầu và mong muốn của khách hàng mục tiêu, định giá dựa trên khả năng chi trả của khách hàng mục tiêu, và xây dựng trên phân phối dựa trên vị trí địa lý của khach hàng mục tiêu.
Doanh nghiệp có thể xác định được khách hàng thông 4 bước: Nghiên cứu thị trường, Phân khúc thị trường, Chọn phân khúc làm thị trường mục tiêu, Xây dựng danh sách khách hàng mục tiêu