Giá trị của sản phẩm/dịch vụ là một trong những yếu tố then chốt để khách hàng lựa chọn mua và sử dụng sản phẩm/dịch vụ hay của đối thủ cạnh tranh. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng điểm qua các phương pháp tạo giá trị cho sản phẩm/dịch vụ được sử dụng ở các doanh nghiệp trên khắp thế giới.
Khác biệt hóa (Differentiation) là gì?
Khác biệt hóa (differentiation) là một thuật ngữ trong Marketing ám chỉ việc doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tạo ra một hay nhiều giá trị khác biệt cho sản phẩm/dịch vụ, thương hiệu hay mô hình hoạt động, quy trình làm việc... của doanh nghiệp đó. Sự khác biệt ấy không chỉ đơn thuần là sự khác nhau về hình thức, nó còn là biểu tượng cho hình ảnh, thương hiệu hay những nét đặc trưng vốn chỉ có ở doanh nghiệp đó.
Các phương pháp tạo giá trị khác biệt (khác biệt hóa) cho sản phẩm/dịch vụ
1. Phương pháp tạo giá trị khác biệt dựa trên bản thân sản phẩm
Doanh nghiệp áp dụng phương pháp tạo giá trị khác biệt dựa trên bản thân sản phẩm sẽ xây dựng các đặc trưng, nét riêng thông qua các đặc điểm của sản phẩm/dịch vụ như tính năng, hiệu năng, độ ổn định, thiết kế, độ bền, trải nghiệm dịch vụ, quy trình phục vụ...
Ví dụ:
- Apple tạo giá trị khác biệt cho sản phẩm Iphone của mình thông qua: Thiết kế sản phẩm độc đáo, độ bền và độ ổn định cao, hệ điều hành IOS chỉ dành riêng cho Iphone, kho chợ ứng dụng Appstore được chăm chút tỷ mỹ...
- Các cửa tiệm cắt tóc áp dụng quy trình phục vụ với nhiều bước khác nhau nhằm tạo sự khác biệt so với đối thủ.
- Các sản phẩm xe máy Honda đã từ lâu vốn nổi tiếng bởi độ bền và khả năng tiết kiệm xăng tốt.
Đây là một trong những phương đáp được sử dụng ở hầu hết các doanh nghiệp lớn, giúp tạo nên thương hiệu, uy tín cao bởi các sản phẩm/dịch vụ mà các doanh nghiệp này cung cấp mang lại giá trị rất lớn cho cộng đồng, thúc đẩy quá trình phát triển của xã hội.
2. Phương pháp tạo giá trị khác biệt dựa trên dịch vụ đi kèm
Trong một số thị trường khi sản phẩm/dịch vụ đều được cung cấp theo một chuẩn mực chung, rất khó để đem ra so sánh, doanh nghiệp có thể khai thác các dịch vụ đi kèm như bảo hành, bảo dưỡng, hỗ trợ giao hàng, hỗ trợ lắp đặt, phục vụ thức ăn, nước uống miễn phí...
Ví dụ:
- Hiện nay, chất lượng dịch vụ Internet ở các nhà mạng đã gần như là tương đồng nhau, vì thế một số nhà mạng, điển hình là FPT tập trung vào khâu dịch vụ đi kèm, bao gồm tư vấn, lắp đặt, hỗ trợ kỹ thuật... để tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ.
- Một số chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh giao hàng miễn phí trong khu vực.
- Các cửa hàng thiết bị điện tử gia dụng miễn phí vận chuyển và lắp đặt cho người mua hàng.
- Các cửa hàng ô tô miễn phí phục vụ nước cho người đến tham quan & mua hàng.
- Một số khách sạn miễn phí buffet sáng cho khách đặt phòng.
3. Phương pháp tạo giá trị khác biệt dựa trên nghiệp vụ của nhân viên
Trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ sẽ bao gồm những trải nghiệm từ quá trình tìm hiểu, tư vấn, mua hàng, và chăm sóc. Trong suốt quá trình này, sự tham gia tương tác của nhân viên với khách hàng sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với trải nghiệm của khách hàng. Chính vì thế, một số doanh nghiệp áp dụng phương pháp tạo giá trị khác biệt dựa trên nghiệp vụ của nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, thông qua các yếu tố như ngoại hình, giọng nói, thái độ, trình độ chuyên môn...
Ví dụ:
- Các cửa hàng của bán lẻ của Honda chú trọng rất nhiều vào khâu nhân viên phục vụ, khi thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo cho nhân viên bán hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng và nhân viên kỹ thuật.
Như vậy là chúng ta đã điểm qua các phương pháp tạo giá trị khác biệt cho sản phẩm/dịch vụ. Trên thực tế, các doanh nghiệp sẽ kết hợp 2 hoặc cả 3 phương pháp trên để đạt được hiểu quả tốt nhất.