Sản phẩm/dịch vụ là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ý nghĩa là vật mang ra trao đổi trên thị trường, sản phẩm/dịch vụ còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược marketing của các doanh nghiệp. Để có thể cung cấp ra thị trường những sản phẩm/dịch vụ có khả năng cạnh tranh tốt, doanh nghiệp cần phải nắm rõ cấu trúc của nó. Trong bài viết này, hocmarketing.org sẽ phân tích về cấu trúc của một sản phẩm/dịch vụ dưới góc độ Marketing.
Cấu trúc của sản phẩm/dịch vụ trong Marketing
Sơ đồ mô tả cấu trúc của sản phẩm/dịch vụ
1. Lớp lõi
Lớp lõi, hay còn gọi là lớp giá trị cốt lõi, chứa đựng những giá trị cơ bản, những lợi ích thuần túy mà mỗi sản phẩm/dịch vụ mang lại nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào đó của khách hàng.
Ví dụ:
- Giá trị côt lõi của một căn nhà mang lại là nơi mà con người có thể trú ngụ qua từng ngày.
- Giá trị cốt lõi của một chiếc ô tô mang lại là khả năng vận chuyển người và đồ đạc từ địa điểm này đến một địa điểm khác.
- Giá trị cốt lõi của một chiếc điện thoại là giúp người sử dụng có thể kết nối đến một người khác thông qua sóng điện thoại.
2. Lớp thành phẩm
Một sản phẩm/dịch vụ nếu chỉ có giá trị cốt lõi thì vẫn chưa có thể mang ra thị trường. Chính vì thế, lớp thành phẩm bao gồm các yếu tố cơ bản kết hợp với giá trị cốt lõi để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh có thể thương mại hóa. Những yếu tố ấy bao gồm:
- Chất lượng: Chất lượng là yếu tố chính thể hiện giá trị của sản phẩm khi đem so sánh với sản phẩm cùng loại của đối thủ cạnh tranh. Một số sản phẩm để có thể được đưa lên thị trường cần phải có chất lượng đạt mức tiêu chuẩn nhất định. Chất lượng đối với sản phẩm có thể là: độ bền, độ ổn định, độ an toàn, hiệu năng, trải nghiệm khi sử dụng...
- Tính năng: Tính năng là yếu tố quan trọng bên cạnh chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ. Ví dụ: tính năng kháng khuẩn ở khẩu trang, tính năng camera nhận diện khuôn mặt ở điện thoại thông minh, tính năng chống thấm nước của sơn tường...
- Nhãn hiệu: Nhãn hiệu là một trong những đặc điểm nhận dạng cơ bản của một sản phẩm/dịch vụ trên thị trường. Các yếu tố cấu thành nên nhãn hiệu bao gồm: Tên gọi, logo và slogan.
- Thiết kế & bao bì: Đối với sản phẩm, thiết kế sẽ bao gồm chất liệu cấu thành, hình dáng, màu sắc, trọng lượng, thể tích, bao bì... Còn đối với dịch vụ, thiết kế mang ý nghĩa về quy trình thực hiện dịch vụ, cách thức doanh nghiệp mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng trong quá trình dịch vụ được diễn ra.
3. Lớp giá trị cộng thêm
Để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm dịch vụ, các doanh nghiệp có thể thêm những giá trị khác cho sản phẩm/dịch vụ (gọi là giá trị cộng thêm), bao gồm:
- Giá trị thương hiệu: Bao gồm tất cả những ý kiến đánh giá, cảm nhận của những khách hàng đã từng trải nghiệm, hay biết về sản phẩm/dịch vụ/doanh nghiệp. Ví dụ: giá trị thương hiệu của Apple là sự sang trọng, đẳng cấp, chuyên nghiệp...
- Dịch vụ hỗ trợ: Tư vấn, giao hàng & lắp đặt, bảo trì và sửa chữa, hậu mãi...
Tổng kết
Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu về cấu trúc của sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực marketing, gồm ba lớp: lớp lõi, lớp thành phẩm và lớp giá trị cộng thêm. Các lớp này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra giá trị cho sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, giúp thu hút khách hàng và đạt được lợi nhuận. Việc hiểu rõ về cấu trúc này sẽ giúp cho các doanh nghiệp đưa ra được các chiến lược marketing hiệu quả, từ đó tối ưu hóa sản phẩm/dịch vụ của mình và tăng cường cạnh tranh trên thị trường. Hy vọng bài viết đã giúp các bạn có được kiến thức cần thiết trong lĩnh vực này. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này!