Theo thông tin từ tờ TechinAsia, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Lazada dự định sẽ đưa ra quyết định sa thải 30% nhân viên tại nhiều thị trường.
Hành động này diễn ra ngay sau khi Lazada nhận được khoản đầu tư bổ sung 634 triệu USD từ công ty mẹ Alibaba, nâng tổng số vốn mà tập đoàn Trung Quốc đầu tư vào nền tảng này trong năm 2023 lên hơn 1,8 tỷ USD.
Thông tin này đã được đăng tải sớm nhất trên tờ The Edge Singapore, thông báo về việc Lazada chi nhánh tại thị trường này sẽ sa thải nhân viên, và nguồn tin của TechinAsia cũng xác nhận Lazada chi nhánh Malaysia sẽ là đơn vị kế tiếp.
Nguồn tin của TechinAsia cũng cho biết rằng nhiều nhân viên của Lazada đang tìm kiếm việc làm mới trước nguy cơ bị sa thải hàng loạt.
Kế hoạch cắt giảm nhân sự này dự kiến sẽ được thông báo đến từng thị trường trong tuần này và sẽ ảnh hưởng đến tất cả nhân viên. Đặc biệt, nhóm lao động mảng chăm sóc khách hàng, tiếp thị và đội ngũ phụ trách TMĐT được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, Lazada chưa có câu trả lời chính thức từ câu hỏi của TechinAsia.
Động thái cắt giảm nhân sự hàng loạt trên diện rộng này của Lazada diễn ra sau khi nhiều nhân viên chi nhánh Singapore ra đi. CEO Loh Wee Lee của Lazada Singapore đã từ chức vào tháng 8/2023.
Theo The Edge Singapore, đội ngũ Lazada Singapore đã hoạt động mà không có bộ phận truyền thông nội bộ kể từ năm ngoái. Trong khi đó tờ Straits Times đưa tin Lazada Singapore đã có đợt sa thải hàng loạt trước đó từ tháng 10/2023.
Lazada được thành lập từ năm 2012 và hiện đang hoạt động ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Năm 2016, Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đã mua lại Lazada để mở rộng kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á.
Hiện tại, Lazada đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Shopee và thách thức lớn hơn khi Tiktok Shop hợp tác với Tokopedia với thương vụ 1,5 tỷ USD.
Theo tờ TechinAsia, "ông chủ" của Lazada thuộc nhóm Alibaba đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đầu tư và rót vốn trước sự bành trướng nhanh chóng của các đối thủ như PDD và Tencent.
Trong báo cáo kinh doanh mới nhất, Alibaba đã thông báo về việc tạm dừng kế hoạch tách mảng điện toán đám mây do thị trường bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm công nghệ từ Phương Tây.
Về mảng TMĐT, Alibaba đã bị vượt mặt bởi công ty PDD mới nổi, khiến họ mất vị trí công ty TMĐT có giá trị nhất Trung Quốc sau hơn 8 năm thống trị của họ trong ngành công nghiệp internet.
PDD Holdings là một công ty nổi tiếng với ứng dụng mua sắm Temu và là người tiên phong trong lĩnh vực mua bán hàng giá rẻ tại Việt Nam với ứng dụng Pinduoduo. Trong phiên giao dịch thứ 5 tuần này, cổ phiếu của công ty đã tăng 4% tại Mỹ, đạt giá trị thị trường gần 196 tỷ USD. Con số này vượt xa khoảng 190 tỷ USD của Alibaba vào thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ở New York.
Điều đáng chú ý là Alibaba từng là ứng cử viên hàng đầu của Trung Quốc để trở thành công ty nghìn tỷ USD. Nhưng hiện nay, cổ phiếu của họ đang giao dịch ở mức thấp nhất trong năm nay, chỉ bằng một phần nhỏ so với mức đỉnh điểm vào năm 2020.
Doanh nghiệp đang đối diện với những biến động nội và ngoại bộ, khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu hơn dự đoán và PDD làm suy yếu hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến thống trị một thời của họ.
Trong khi PDD phát triển thành công ở thị trường quốc tế với Temu, Alibaba lại đang tiến triển chậm chạp. Mặc dù tập đoàn này đã bắt đầu mở rộng ra thị trường quốc tế thông qua AliExpress và sau đó là các công ty con quốc tế như Lazada và Trendyol, nhưng cho đến nay, mảng kinh doanh tại Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất bất chấp nhiều năm nỗ lực mở rộng ra quốc tế.
*Nguồn: TechinAsia