Trong vài phút vinh quang ngắn ngủi ngày 18/11, tên lửa khổng lồ Starship của SpaceX đã bay lên bầu trời, nhưng đáng tiếc là phát nổ chỉ sau 8 phút. Tuy nhiên, đối với SpaceX, đây không phải là một thất bại đáng xấu hổ.
Lần phóng thử đầu tiên cùng lúc tên lửa đẩy và tàu vũ trụ đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược của SpaceX để đưa con người trở lại Mặt Trăng và thậm chí là lên Sao Hỏa. Đây cũng đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh Artemis của NASA - chương trình tàu không gian có người lái mới.
Theo kế hoạch, hệ thống phóng Starship có sức mạnh gần gấp đôi so với hệ thống phóng vũ trụ (SLS) của NASA. Lần thử nghiệm này đã giúp các kỹ sư SpaceX tích luỹ thêm kinh nghiệm để tiếp tục nghiên cứu và phát triển Starship trong tương lai.
Ở một thời điểm nào đó, Starship có thể trở thành tên lửa tiềm năng hàng đầu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Điều này giải thích tại sao phần còn lại của ngành này luôn phải đứng sau hãng sản xuất tên lửa của một tỷ phú nổi tiếng.
SpaceX có thể làm thay đổi thị trường tên lửa với quy mô của Starship. Công ty cho biết rằng loại tên lửa này, được thiết kế để chuyển nhiều hàng hóa lên quỹ đạo hơn bất kỳ phát minh nào trước đây, có khả năng chở hàng lên tới 150.000 kg. Các tàu đối thủ hiện chỉ vận chuyển được một phần nhỏ so với Starship.
Ngoài ra, vì được thiết kế để có thể tái sử dụng, Starship có thể phóng nhiều lần mỗi ngày. Mức giá cực kỳ thấp 10 triệu USD/chuyến được cho là sẽ 'đóng cửa' cơ hội vốn đã rất nhỏ của các đối thủ khác.
Được biết, SpaceX đã bắt đầu các cuộc thảo luận về việc bán cổ phiếu nội bộ với mức định giá 175 tỷ USD trở lên. Động thái này sẽ đưa SpaceX trở thành một trong 75 công ty lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường, ngang bằng với T-Mobile USA (179 tỷ USD) và Nike (177 tỷ USD).
Cùng lúc đó, ngành công nghiệp bệ phóng đang chứng kiến một sự đổi mới to lớn. Trong hai thập kỷ qua, vô số các công ty khởi nghiệp như Rocket Lab, Relativity, Firefly Aerospace… đã chi hàng trăm triệu USD phát triển các loại tên lửa nhỏ, nhưng trong vài năm trở lại đây, tất cả bỗng chuyển mục tiêu sang những phương tiện mang tầm cỡ lớn hơn để bắt kịp Falcon 9.
Sứ mệnh của các đối thủ cạnh tranh là phát triển loại tên lửa hạng trung, có khả năng mang theo hàng hóa từ 2.000 kg đến 50.000 kg vào quỹ đạo. Tuy nhiên, việc phát triển một tên lửa hoàn chỉnh thành công cần phải mất rất nhiều năm cho những công ty đó.
Theo giám đốc điều hành Tim Ellis của startup Relativity Space, Starship tương tự như chiếc máy bay phản lực khổng lồ A380 của Airbus - loại máy bay không thể so sánh được với những loại máy bay nhỏ gọn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Ellis nói rằng "Do Starship quá lớn, có thể không phải là lựa chọn lý tưởng so với các tên lửa thương mại."
Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu vũ trụ BryceTech, Carissa Christensen, cũng nêu ra thắc mắc rằng liệu Starship thực sự có thể đáng giá như vậy trong giai đoạn ban đầu không. CEO Tim Ellis không phải là người duy nhất có nghi ngờ về tương lai của tên lửa mới của Musk.
Năm 2050, Elon Musk dự định xây dựng một thành phố với dân số 1 triệu người trên sao Hỏa. Ông không thể dự đoán được đầy đủ những vật liệu cần thiết phải chuyển từ Trái đất đến sao Hỏa, nhưng ông cho biết rằng sẽ cần rất nhiều thực phẩm, nước, vật liệu xây dựng, công cụ và hệ thống hỗ trợ sự sống.
Để thực hiện dự án này, không gì có thể thiếu được Starship - loại tàu vũ trụ mà Elon Musk nhắm tới mục tiêu phóng khoảng 3 chiếc mỗi ngày, nhằm phục vụ mọi người có nhu cầu đến sao Hỏa.
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ lần cuối cùng con người đặt chân lên mặt trăng, quãng thời gian quá dài, và tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần quay lại đây và thiết lập một căn cứ lâu dài. Chúng ta cũng cần xây dựng một thành phố trên sao Hỏa để trở thành một nền văn minh không gian”, theo lời Elon Musk trích dẫn từ tờ Sputnik.
Theo trang tin Business Insider, nếu Starship thực sự thành công, nó sẽ trở thành hệ thống phóng tên lửa mạnh nhất từng được tạo ra. Mỗi lần phóng, nó có thể mang theo 100 người lên quỹ đạo cùng một lúc.
"Muốn đi cũng được. Chúng tôi hỗ trợ vay vốn cho những người không có tiền. Có rất nhiều việc cần làm trên sao Hỏa", Musk viết trên Twitter.
Theo SpaceX, Starship là một tên lửa mạnh mẽ và duy nhất từ trước đến nay vì có thể tái sử dụng. Điều này có nghĩa là chi phí để đưa vật liệu vào quỹ đạo sẽ giảm đáng kể, khoảng 10 triệu USD cho mỗi 100 tấn vật liệu. Musk tin rằng điều này sẽ khả thi trong vài năm tới.
Suốt nhiều năm qua, SpaceX đã tiến hành loạt chuyến bay thử nghiệm đưa Starship lên quỹ đạo, sau đó hạ cánh mô phỏng đường đi của tên lửa. Chuyến bay vào tháng 5 năm 2021 đã kết thúc suôn sẻ, nhưng hầu hết các chuyến bay khác đều kết thúc trong vụ nổ.
Tuy vậy, Elon Musk vẫn rất lạc quan và tin rằng trong vòng chưa đầy 30 năm, chính mình có thể giúp 1 triệu người định cư trên sao Hỏa. Giấc mơ này đã khiến nhiều người hoài nghi. Họ nhớ lại lời cam kết trước đây của Musk, rằng chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tới sao Hỏa sẽ diễn ra vào năm 2022 và những người đặt chân lên hành tinh này sẽ trở về Trái đất sau 2 năm. Nhưng thực tế, đã là năm 2022 và Musk vẫn chưa thể thực hiện những gì ông từng nói.
Theo: Bloomberg, BI