Theo thông tin từ tờ The Edge Singapore, Lazada đang tiến hành sa thải một số giám đốc cấp cao tại khu vực Đông Nam Á (ĐNA), trong đó có Giám đốc kinh doanh chi nhánh Singapore Brigitte Daubry cùng hàng loạt giám đốc marketing tại các thị trường khác.
Ở Malaysia, giám đốc điều hành và giám đốc logistic sẽ bị sa thải, cũng như có 1/5 nhân sự tại đây.
Theo tờ The Edge, Lazada sẽ đóng cửa LazMall tại Việt Nam dù thương hiệu này được ra mắt từ năm 2018 và được đánh giá là một nhãn hàng mang tầm quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).
Có tin đồn rằng, nhân viên Lazada tại Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ đợt sa thải hàng loạt diễn ra tại thị trường ĐNA.
Trái lại, Luca Suino, giám đốc thương mại của Momentum Commerce và cựu phó chủ tịch của Lazada cho đến tháng 2/2021, đã đăng tải thông báo mời nhân viên Lazada sắp bị sa thải chia sẻ hồ sơ tuyển dụng nếu họ đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Đến thời điểm 4h chiều ngày 5/1/2024, đã có khoảng 47 nhân viên từ 5 thị trường của Lazada (bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines) điền thông tin vào bài đăng của ông Suino. Các vị trí ứng tuyển của họ đa dạng, từ quản lý nhóm cho đến phó chủ tịch.
Tình hình trở nên nặng nề đến mức Arun Kumar và Gerald Young, hai cựu nhân viên Lazada đã rời công ty vào năm 2022 và 2023 đã tạo một nhóm chat riêng trên WhatsApp để hỗ trợ những người lao động sắp bị sa thải trong tương lai gần.
Vào ngày 4/1/2024, Kumar, người từng là giám đốc mảng nghiên cứu của Lazada, đã kêu gọi nhân viên sắp bị sa thải điền hồ sơ để giúp họ sớm tìm được việc làm mới.
Theo Tech In Asia, Lazada đang kế hoạch cắt giảm 30% nhân lực ở khu vực Đông Nam Á. Trước đó, họ đã tuyển dụng 10.000 nhân viên mới tại 6 thị trường bao gồm Việt Nam, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Do đó, việc cắt giảm nhân sự mạnh mẽ của Lazada được cho là sẽ gây ra một cú sốc trên thị trường lao động.
Hành động này diễn ra ngay sau khi Lazada nhận được thêm 634 triệu USD từ công ty mẹ Alibaba, nâng tổng số tiền mà tập đoàn Trung Quốc đầu tư cho nền tảng này trong năm 2023 lên hơn 1,8 tỷ USD.
Công đoàn quốc gia Singapore (NTUC) đã phát ngôn vào ngày 5/1/2024 cho biết họ rất thất vọng với việc Lazada tiến hành cắt giảm nhân sự mà không tham khảo ý kiến của công đoàn trước.
NTUC đang xem xét việc sa thải nhân sự hàng loạt của Lazada là không chấp nhận được và đã đưa vấn đề lên Bộ nhân lực Singapore (MOM) để giải quyết.
"NTUC đứng về phía những người lao động bị ảnh hưởng. Lazada đã khiến chúng tôi vô cùng thất vọng với hành động này. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cần phối hợp với công đoàn để đảm bảo quy trình công bằng, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là tại Singapore", NTUC cho biết.
NTUC cũng khẳng định rằng sa thải lao động có thể là "không thể tránh khỏi", nhưng nên xem xét như một phương án cuối cùng. NTUC kêu gọi các công ty nên sử dụng tất cả các biện pháp khác trước khi đưa ra quyết định này.
NTUC cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên xem xét thời điểm sa thải để tránh diễn ra gần dịp Tết Nguyên Đán như hiện tại. Tờ The Edge đã cố gắng liên hệ với Lazada để đưa ra bình luận nhưng không thành công vì chi nhánh Singapore của hãng này đã sa thải toàn bộ phòng truyền thông từ năm 2023.
Cựu Giám đốc điều hành Loh Wee Lee của Lazada Singapore rời chức vụ vào tháng 8/2023, và đợt cắt giảm của công ty tại thị trường này kéo dài liên tục đến ngày 5/1/2024.
Được thành lập từ năm 2012, Lazada là một nền tảng thương mại điện tử có mặt ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên, Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đã mua lại nền tảng này vào năm 2016 để mở rộng kinh doanh tại Đông Nam Á.
Lazada đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ Shopee ở khu vực Đông Nam Á. Điều này còn trở nên khó khăn hơn khi Tiktok Shop hợp tác với Tokopedia trong một thương vụ trị giá 1,5 tỷ USD.
Theo Tờ Tech in Asia, ông chủ của Lazada, một công ty con thuộc sở hữu của Alibaba, đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, đầu tư và rót vốn trước sự bành trướng nhanh chóng của các đối thủ như PDD và Tencent.
Trên báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, Alibaba đã thông báo rằng họ tạm dừng kế hoạch tách rời mảng điện toán đám mây do thị trường này đang chịu ảnh hưởng bởi các lệnh cấm công nghệ từ Phương Tây.
Trong lĩnh vực TMĐT, Alibaba đã bị vượt mặt bởi công ty mới nổi PDD 8 năm tuổi, trở thành công ty TMĐT có giá trị nhất Trung Quốc. Điều này đánh dấu một bước ngoặt đáng chú ý đối với ngành công nghiệp internet, nơi mà Alibaba của Jack Ma đã kiểm soát suốt hơn một thập kỷ.
PDD Holdings nổi tiếng với ứng dụng mua sắm Temu và là pionner trong lĩnh vực mua bán hàng giá rẻ tại Trung Quốc với ứng dụng Pinduoduo. Trên thị trường Mỹ, cổ phiếu của công ty đã tăng 4% vào ngày giao dịch thứ 5 tuần này, đưa giá trị thị trường lên gần 196 tỷ USD. Số này vượt quá khoảng 190 tỷ USD của Alibaba tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch tại New York.
Alibaba từng là ứng cử viên sáng giá nhất của Trung Quốc để trở thành công ty nghìn tỷ USD. Nhưng hiện tại, cổ phiếu của họ đang giao dịch ở mức thấp nhất trong năm nay, chỉ bằng một phần nhỏ so với mức đỉnh điểm vào năm 2020.
Công ty đang phải đối mặt với những biến động cả bên trong lẫn bên ngoài, khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu hơn dự đoán và PDD làm suy yếu hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến thống trị một thời của họ.
Trong khi PDD đang thành công ở thị trường quốc tế với Temu, thì Alibaba đang gặp khó khăn. Mặc dù Alibaba đã mở rộng ra nước ngoài thông qua AliExpress và các công ty con quốc tế như Lazada và Trendyol, nhưng đến nay, mảng kinh doanh ở Trung Quốc vẫn đóng góp lớn nhất cho doanh thu của họ.
Băng Băng