Thương mại điện tử - một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong việc mua sắm và kinh doanh. Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong năm 2022, thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt giá trị ước lượng là 16,4 tỷ USD. Con số này tương đương với 7,5% tổng doanh thu từ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên toàn quốc. Đặc biệt, với mức tăng trưởng ấn tượng là 20% hàng năm, Việt Nam đã được eMarketer đánh giá là một trong 5 quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Với sức hấp dẫn như vậy, thị trường Việt Nam trở thành "miếng bánh" hấp dẫn và "chiến trường" khốc liệt cho các tay chơi lớn như Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki,... Mặc dù vậy, trong nhiều năm qua, Shopee đã nắm giữ thị phần áp đảo và duy trì vị trí dẫn đầu trong thị trường.
Theo báo cáo được công bố bởi công ty dữ liệu YouNet ECI cho đến ngày 25/12/2023, trong tháng 11/2023, 4 sàn thương mại điện tử đã đạt tổng cộng 31.195 tỷ đồng giá trị giao dịch (GMV) từ 405 nghìn nhà bán. Doanh thu tháng 11/2023 tăng 9,3% so với tháng 10.
Trong bảng xếp hạng, sàn Shopee tiếp tục giữ vững vị trí số 1 với 72,7% thị phần doanh thu (tương đương 22,674 nghìn tỷ đồng). TikTok Shop đứng thứ hai với 17,2% thị trường và Lazada với 9% thị trường.
Shopee là một nền tảng thương mại điện tử do tập đoàn SEA thành lập từ năm 2015, có trụ sở tại Singapore và hoạt động chủ yếu tại Đông Nam Á và Đài Loan. Ngoài việc cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến, Shopee còn tạo ra môi trường kết nối giữa người mua và người bán, hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số. Shopee cung cấp đa dạng các loại sản phẩm như thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện thoại, tivi, xe máy,...
Khi mới bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam, không chỉ Shopee mà cả các trang thương mại điện tử khác đã phải tham gia vào "trò chơi đốt tiền" để cạnh tranh giành thị phần và thay đổi thói quen mua sắm của người dùng từ mua tại cửa hàng truyền thống hoặc chợ sang mua hàng trực tuyến.
Không chỉ cần đốt tiền để thay đổi thói quen mua sắm của người dùng, các doanh nghiệp thương mại điện tử hiện nay vẫn đang gặp một trở ngại không nhỏ với chi phí logistics cao. Trong một buổi hội thảo được tổ chức bởi Shark Tank, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã phân tích về khoản chi phí này giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử truyền thống như Thế giới di động so với Tiki, Shopee, Lazada.
Doanh nhân này cho biết tỷ lệ chi phí thuê cửa hàng trên doanh thu của Thegioididong.com dưới 2%. Ông Tài cho biết con số này thấp hơn chi phí logistics của các doanh nghiệp thương mại điện tử hiện nay. Chủ tịch MWG cung cấp ví dụ, ngay cả Bách Hoá Xanh cũng làm thương mại điện tử và chi phí logistics để giao một túi hàng đến khách hàng chiếm đâu đó khoảng 10% trên doanh thu.
"Với mức chi phí thuê mặt bằng dưới 2% và chi phí logistics, quảng cáo này thì cuộc chơi không có hồi kết. Chỉ khi có ai đó rút máu từ các doanh nghiệp thương mại điện tử thì mới khiến họ chết bất đắc kỳ tử. Và có nhiều doanh nghiệp bị vậy.