Công ty Meta - chủ sở hữu của hai nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới là Facebook và Instagram - vừa bị cơ quan quản lý quyền riêng tư hàng đầu của Liên minh châu Âu phạt số tiền lên tới 1,2 tỷ euro (tương đương 1,3 tỷ USD) vì đã âm thầm tiết lộ và chuyển thông tin cá nhân của người dùng đến Mỹ. Các nhà lập pháp Châu Âu đã cáo buộc Meta về hành vi vi phạm quyền riêng tư của người dùng trên nền tảng của họ.
Công ty của tỷ phú Mark Zuckerberg sẽ có thời hạn 5 tháng để kháng cáo. Nếu không thành công, đây sẽ là mức phạt lớn nhất mà một công ty công nghệ từng nhận được trong lịch sử, vượt qua kỷ lục trước đó của Amazon với số tiền phạt 746 triệu EUR vào năm 2021.
Meta đã bị phạt sau khi Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland tiến hành cuộc điều tra và kết luận rằng công ty này đã không đảm bảo đầy đủ các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư khi chuyển dữ liệu từ châu Âu sang Hoa Kỳ, điều này đã vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu chung của Châu Âu (GDPR). Với án phạt này, Meta phải tạm dừng quá trình chuyển dữ liệu của mình trước ngày 12 tháng 10 năm 2023.
Tuy nhiên, Meta đang lên kế hoạch kháng cáo và cho rằng án phạt này sẽ đặt tiền lệ nguy hiểm cho nhiều công ty khác. Công ty cũng hy vọng sẽ có một thỏa thuận mới với Châu Âu để đảm bảo việc chuyển dữ liệu cá nhân của công dân EU sang Mỹ được an toàn và thuận lợi hơn.
Meta đã bị án phạt ngay cả khi Hoa Kỳ và EU đã đàm phán và đạt được một thỏa thuận mới về chuyển dữ liệu hợp pháp. Trong báo cáo tài chính giữa năm 2022, Meta cho biết họ có thể không cung cấp được một số sản phẩm và dịch vụ quan trọng nhất của mình, bao gồm cả Facebook và Instagram, tại Châu Âu nếu không có thỏa thuận chuyển giao dữ liệu mới được đạt được giữa Hoa Kỳ và EU. Tuy nhiên, sau đó, Meta đã đính chính rằng họ không đe dọa rời khỏi châu Âu.
Không chỉ riêng Facebook, nhiều công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ cũng thường chuyển dữ liệu về công ty mẹ. Điều này là một bước quan trọng trong quy trình vận hành dữ liệu để cung cấp dịch vụ. Châu Âu hiện có đến 255 triệu người dùng, chiếm khoảng một phần tư doanh thu toàn cầu của Meta.
Các nền tảng YouTube, Facebook có trách nhiệm trong việc bảo vệ bản quyền