1. Xơ cam
Là một bác sĩ Y học cổ truyền lâu năm, Chu Tông Hàn chia sẻ rằng những sợi xơ cam trắng bên ngoài cùi cam và múi cam còn được gọi là tài cam. Nó có chức năng thông tắc, giải đờm, làm thông khí và kích thích tuần hoàn máu. Thậm chí còn là một liệu pháp ăn kiêng cho bệnh nhân viêm phế quản mãn tính, bệnh tim mạch vành và các bệnh mãn tính khác. Cũng có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị phụ trợ cho chứng đau ngực và hạ sườn do ho mãn tính.
Đồng thời, những hoạt chất có trong xơ cam cũng giúp duy trì độ đàn hồi và mật độ bình thường của mạch máu. Điều này giúp giảm tính dễ vỡ và tính thấm của mạch máu, ngừa xuất huyết não và đột quỵ ở bệnh nhân tăng huyết áp, cũng như ngăn ngừa xuất huyết võng mạc ở bệnh nhân tiểu đường. Khi kết hợp với cùi cam, xơ cam cũng tăng hiệu quả thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và đại tiện.
Tuy nhiên, chỉ ăn mỗi xơ cam thì sẽ nhạt nhẽo hoặc khó ăn. Vì vậy, khi ăn quả cam, bạn nên ăn cả phần xơ trắng để tận dụng tối đa các lợi ích của loại trái cây này!
2. Hạt cam
Hạt cam - Vị thuốc quý trong Y học cổ truyền
Bác sĩ Chu Tông Hàn chia sẻ, hạt cam có tác dụng điều khí, tán ứ, giảm đau, cải thiện các triệu chứng thoát vị, sưng tinh hoàn, viêm vú, đau thắt lưng và nhiều bệnh khác khi kết hợp với các vị thuốc khác trong Y học cổ truyền. Nhất là bệnh liên quan tới u xơ vú, viêm vú và các bệnh suy giảm chức năng ở người già.
Tuy nhiên, không thể ăn trực tiếp hạt cam, đặc biệt là khi chúng còn tươi vì chúng có mùi đắng và làm mất hương vị thơm ngon của thịt cam. Thay vào đó, hãy sơ chế bằng cách rửa sạch, phơi khô, ngâm nước muối, xào trên lửa nhỏ cho đến khi hơi vàng và có mùi thơm, sau đó phơi khô dưới nắng và nghiền nhuyễn trước khi sử dụng.
Về cách sử dụng, thường là dùng làm đồ uống hoặc đắp lên da. Ví dụ như phụ nữ sau sinh có thể trộn bột hạt cam với nước hoặc cồn nhẹ thành hỗn hợp sệt sau đó thoa đều lên gạc, bôi ngoài, đắp lên vùng bị viêm có thể làm giảm các triệu chứng đau và viêm của bệnh viêm vú cấp tính. Hoặc khi bị phù nề, đau khớp, thoát vị có thể trộn bột hạt cam với gừng để ủ.
Chị em khỏe mạnh cũng có thể trộn một chút bột hạt cam với vỏ quýt và táo gai, pha thành trà uống mỗi ngày 1 cốc. Từ đó có tác dụng đẹp da, thải độc, làm mịn ngực và ngăn ngừa u xơ vú rất tốt cho sức khỏe.
3. Vỏ Cam
Vỏ cam là vị thuốc quen thuộc trong Y học cổ truyền từ bao đời nay. Vì vậy, bác sĩ Chu Tông Hàn nhắc nhở chúng ta không nên vứt bỏ vỏ cam sau mỗi lần ăn.
Y học cổ truyền sử dụng vỏ cam sấy khô hoặc phơi khô như một loại thuốc quý để điều trị khí tràng, nhuận tràng, và tiêu đờm. Vỏ cam chứa nhiều vitamin C, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống cảm lạnh, ho và cảm cúm. Ngoài ra, vỏ cam còn hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả với chất xơ polysacarit, tannin, hemi-cellulose và pectin. Hợp chất limonene có trong vỏ cam cũng giúp kiềm ợ nóng, giảm khó tiêu, cải thiện viêm dạ dày, buồn nôn, chán ăn và táo bón.
Vỏ cam cũng có tác dụng chống viêm tương tự như indomethacin - một chất thường được dùng để hạ sốt, giảm đau và chống viêm. Ngoài ra, một số hợp chất trong vỏ cam cũng có thể ngăn chặn sự giải phóng histamine - loại hóa chất gây dị ứng. Để hạn chế nguy cơ dị ứng, có thể sử dụng vỏ cam phơi khô để ăn hoặc pha trà.
Sử dụng vỏ cam để uống trà, nấu ăn sẽ giúp cơ thể giảm mức cholesterol xấu vì nó chứa sắc tố thực vật hesperidin. Trong vỏ cam, quýt cũng chứa các flavon polymethoxylated giúp hỗ trợ tim mạch khỏe mạnh. Uống trà vỏ cam hoặc xông hơi bằng vỏ cam giúp giảm căng thẳng, chữa đau đầu, giúp ngủ ngon.
Ngoài ra, bác sĩ Chu Tông Hàn bật mí rằng vỏ cam cũng rất hữu ích với làm đẹp da và giảm mỡ bụng. Vỏ cam tươi còn có thể đuổi muỗi, chống say xe và làm sạch răng miệng.
Nguồn và ảnh: ETtoday, QQ, Health People