Gần đây, ngày càng nhiều người nổi tiếng lựa chọn đính đá vào răng, gây nên trào lưu "răng đính đá" phổ biến trong công chúng.
Những cái tên như Lisa của Blackpink, NingNing của Aespa, Lee Young Ji, Choi Yena... đã trở thành biểu tượng tiêu biểu cho trào lưu này, khiến cho giới trẻ trở nên tò mò và hâm mộ. Tuy nhiên, phương pháp trang trí răng này cũng nhận được nhiều ý kiến tranh cãi.
Trong suy nghĩ của nhiều người, việc răng đính đá có thể gây tổn thương cho răng, làm hủy hoại men răng khỏe mạnh và tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng. Vậy thực tế của trào lưu răng đính đá này là như thế nào? Nó có ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng hay không?...
BS Nguyễn Thị Hải, chuyên gia trong lĩnh vực Răng Hàm Mặt, làm việc tại Hà Nội, sẽ cung cấp đáp án cho những vấn đề sức khỏe liên quan đến trào lưu thẩm mỹ răng này.
Đu trend răng đính đá cần tìm hiểu kỹ trước làm
BS Hải cho biết, đính đá lên răng đang là một xu hướng thẩm mỹ thịnh hành hiện nay. Rất nhiều người đã áp dụng phương pháp này để có một nụ cười tỏa sáng và rạng rỡ hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp này cũng tiềm ẩn một số nguy cơ đối với sức khỏe răng miệng.Trong quá trình đính đá lên răng, bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ trên bề mặt răng bằng cách khoan và sau đó sử dụng keo đặc biệt để gắn đá. Việc này hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và không gây đau đớn cho răng. Tuy nhiên, nếu bạn chọn loại đá không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng không tốt để gắn lên răng, điều này có thể gây mòn men răng theo thời gian dài.
Ngoài ra, nếu đến nha khoa không đáng tin cậy, với bác sĩ chưa đủ trình độ chuyên môn, bạn sẽ dễ gặp những rủi ro không mong muốn.
"Người thực hiện không đảm bảo có thể không kiểm tra kỹ tình trạng răng của khách hàng trước khi gắn. Khi thực hiện không đúng kỹ thuật, vệ sinh bề mặt răng không đạt yêu cầu... có thể làm vi khuẩn xâm nhập vào răng qua lỗ gắn đá. Từ đó, tăng nguy cơ rơi đá ra ngoài và gây sâu răng", BS Hải cho biết.
Chưa kể, nếu sử dụng loại keo kém chất lượng khi gắn đá lên răng cũng có thể gây ăn mòn men răng, đá nhanh bị rơi ra ngoài.
Chăm sóc răng sau khi gắn đá cần đặc biệt cẩn trọng
BS Hải chia sẻ, sau khi gắn đá xong khoảng 2 giờ đầu, bạn nên hạn chế nhai và uống đồ uống quá lạnh. Trong những ngày tiếp theo, bạn nên tuân thủ một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Tránh nhai đồ ăn cứng hoặc quá dai ở vị trí răng có gắn đá. Ngoài ra, hạn chế tối đa thức uống có màu như cà phê, trà các loại, nước ngọt, và nước có ga... bởi chúng không chỉ làm mờ răng mà còn làm mất đi sự sáng bóng của đá.Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh răng miệng sạch sẽ, bạn cần chải răng bằng bàn chải lông mềm để không để thức ăn tạo mảng bám quanh khu vực đã gắn đá.
Có thể dễ dàng gỡ bỏ đá khỏi răng hay không?
Có nhiều người thắc mắc liệu sau một thời gian có thể tự gỡ bỏ đá trên răng mình hay không. Theo BS Hải, bạn hoàn toàn có thể gỡ bỏ đá trên răng, nhưng cần phải đi đến phòng khám nha khoa để thực hiện."Tránh tháo đá trên răng tại nhà vì có thể gây hư răng và ảnh hưởng đến độ đẹp", BS Hải cảnh báo.
Sau khi loại bỏ viên đá, bác sĩ sẽ sử dụng chất hàn đặc biệt để lấp đầy kẽ hở do viên đá gây ra. Nếu không, thức ăn sẽ bám lại, gây khó khăn trong việc vệ sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây hại cho sức khỏe răng miệng của bạn.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng sau khi loại bỏ đá, bạn cần thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe răng miệng của mình. Điều này sẽ giúp bạn giám sát vùng trám bít. Nếu có bất kỳ sự bung ra nào, hãy đến gặp bác sĩ để được trám ngay lập tức và ngăn chặn mọi rủi ro không đáng có.
Ngoài ra, sau khi tháo đá, bạn cũng không nên quên chăm sóc vệ sinh răng miệng đúng cách và sử dụng nước súc miệng chuyên dụng thường xuyên để duy trì sự khỏe mạnh của hàm răng.