Vì sao chỉ có cô Phong thấy được đò chở vong?
Truyện Tết Ở Làng Địa Ngục kể về cái chết của Tứ Cháo Lòng (NSƯT Minh Tuấn) và con đò chở vong. Tam Quỷ (Võ Tấn Phát) cho biết chỉ những người mang mệnh thuần âm mới thấy được bà van. Tuy nhiên, cả Tam Quỷ lẫn vợ Thị Tam (Trần Thiên Tú) đều nhìn thấy cảnh Tứ Cháo Lòng lên đò chở vong. Thậm chí lúc Thị Tam qua đời, ông Thập (Quang Tuấn) cũng có khả năng nhìn thấy điều tương tự.
Tuy nhiên, ở Làng Kẻ Ăn Hồn, Phong (Hoàng Hà) lại là người duy nhất nhìn thấy con đò chở vong. Vì vậy, khi Phong kể về ma quỷ, cả Sang (Võ Điền Gia Huy) và người dân đều không tin. Liệu có phải cả ông Thập, Thị Tam và Tam Quỷ đều có bí mật tăm tối? Hay có lý do khác mà chỉ có Phong thấy được con đò chở vong trong làng?
Đám đom đóm câu hồn từ đâu mà ra?
Sau khi quân binh tiêu diệt băng cướp Truông Nhà Hồ, tàn dư của chúng đã trốn lên núi và thành lập làng Địa Ngục. Theo cụ Khảm (NSƯT Văn Báu) trong Tết Ở Làng Địa Ngục, chính Phong đã dẫn dân làng đến đây. Từ đó, họ bị nguyền rủa không thể ra khỏi làng vào ban đêm vì sợ bị đám đom đóm câu hồn.
Nhưng nguồn gốc của những con đom đóm đó là từ đâu? Nếu chúng đã xuất hiện từ lâu ở vùng rừng núi này, thì tại sao người dân có thể đến đây mà không bị bắt hồn? Nhưng nếu đó là do lời nguyền của Thập Nương (Lan Phương) tạo ra, thì tại sao chính ả cũng bị bắt hồn vào phút cuối phim?
Công thức luyện rượu sọ người lại là bài vè trẻ em?
Công thức chính để luyện ra rượu sọ người là một bí ẩn mà đến cuối Tết Ở Làng Địa Ngục mới được hé lộ. Lão ăn mày (NSƯT Phú Đôn) hay Tứ Cháo Lòng vì luyện sai mà gặp hậu quả thảm khốc. Trong Kẻ Ăn Hồn, từng người dân làng lần lượt bỏ mạng để Thập Nương thu thập đủ nguyên liệu luyện rượu.
Những tưởng công thức bí ẩn ra sao, hóa ra tất cả nằm trong bài vè mà bất kỳ đứa trẻ nào trong làng cũng biết. Những cái chết cũng được dàn dựng giống hệt trong bài vè. Vậy ai là người đã dùng công thức ghê rợn này chế thành bài vè? Phải chăng Thập Nương nghĩ rằng mọi thứ quá phức tạp nên "thả gợi ý" để Phong tìm ra thủ phạm?
Vì sao cụ Khảm không hề biết gì về rượu sọ người và Thập Nương?
Khi những thảm họa xảy ra ở làng Địa Ngục, cụ Khảm không hề biết hay đưa ra suy đoán gì về những nguyên nhân phía sau. Thậm chí, cụ chỉ biết gia tộc thương nhân còn một người sống sót mà cũng không biết gì về rượu sọ người hay chuyện Thập Nương đã vào làng từ hàng chục năm trước. Chi tiết tỏ ra vô lý khi ở Kẻ Ăn Hồn, chính Khảm (Huỳnh Thanh Trực) lúc trẻ có liên quan trực tiếp đến thảm họa do Sang gây ra. Không chỉ có cha bị sát hại mà anh còn giữ cuốn sách về công thức luyện rượu sọ người do mẹ của Phong để lại.
Không những thế, khi về già, Khảm lại nói giọng Bắc trong khi thời trẻ lại có giọng miền Nam. Hai phiên bản của anh ta tỏ ra khập khiễng và tưởng như hai người khác biệt chứ không phải một nhân vật ở hai mốc thời gian.
Vì sao lời nguyền được hóa giải?
Cuối phim Kẻ Ăn Hồn, Phong dập tắt ngọn đuốc khiến đom đóm câu tán hồn phách của Thập Nương. Khảm dẫn truyện sau đó nói rằng lời nguyền bị hóa giải sau cái chết của ả, dân làng có thể thoải mái xuống núi và đã có nhiều người chọn ra đi, số ít vẫn ở lại sinh con đẻ cái. Nhưng đến Tết Ở Làng Địa Ngục, ta thấy rõ lời nguyền vẫn còn đó. Ông Thập vẫn là người duy nhất được ra khỏi làng do mang dòng máu của Phong. Bản thân Thập Nương cuối cùng cũng giết được 192 mạng của làng Địa Ngục. Vậy những người xuống núi phải chăng đã thoát nạn? Lời nguyền vì sao bỗng nhiên trở lại?
Với kịch bản do Thảo Trang viết, Kẻ Ăn Hồn có phần lớp lang và dễ hiểu hơn Tết Ở Làng Địa Ngục. Tuy nhiên, những chi tiết chưa được giải đáp có thể khiến khán giả cảm thấy chưa hài lòng. Hy vọng nếu có phần 2, phim sẽ giải đáp rõ hơn những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian mấy chục năm giữa Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn.