Hiện nay, mối quan hệ giao thương giữa các quốc gia ngày càng trở nên khăng khít khiến cho hoạt động kinh doanh cũng chuyển đổi theo hướng toàn cầu. Định hướng phát triển toàn cầu hóa đã xuất hiện trong lĩnh vực Marketing, tạo nên một khái niệm "Môi trường Marketing toàn cầu". Vậy môi trường Marketing toàn cầu là gì và bao gồm những thành tố nào? Vì sao ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu môi trường này đến thế? Trong bài viết sau đây, hocmarketing.org sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Môi trường Marketing toàn cầu là gì?
Môi trường Marketing toàn cầu là tập hợp tất cả các yếu tố và lực lượng bên trong và bên ngoài tổ chức mà các yếu tố này có ảnh hưởng (tích cực hay tiêu cực) đến chiến lược marketing xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng mục tiêu trong phạm vi toàn cầu.
Vì sao các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế cần quan tâm đến môi trường Marketing toàn cầu?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ở mọi lĩnh vực, để đảm bảo sự phát triển liên tục theo kịp thời đại, các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế cần đặc biệt quan tâm đến môi trường Marketing toàn cầu. Dưới đây là một vài lợi ích mà môi trường Marketing toàn cầu mang đến cho doanh nghiệp thời nay:
1. Giúp doanh nghiệp dễ thích nghi với môi trường kinh doanh ở các quốc gia sở tại
Do sự khác nhau về văn hóa, chính trị, pháp luật, điều kiện địa lý, tốc độ phát triển kinh tế và phong tục tập quán nên mỗi quốc gia đều có một môi trường kinh doanh khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến mọi hoạt động của các công ty đang kinh doanh ở nước sở tại. Mặt khác, nếu doanh nghiệp đầu tư công sức vào việc nghiên cứu môi trường Marketing toàn cầu, thì họ sẽ tìm hiểu về các yếu tố kinh tế ở quốc gia khác như: chính sách thuế, tiền tệ, lãi suất, tốc độ tăng trưởng kinh tế, mô hình kinh tế, tầm ảnh hưởng của các khối liên kết thương mại,... để hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh tại các quốc gia và có đủ kiến thức về đặc điểm của từng môi trường kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp cũng dễ dàng thích nghi với môi trường kinh doanh ở quốc gia sở tại.
2. Nâng cao khả năng mở rộng thị phần ở các quốc gia mới
Các doanh nghiệp quan tâm đến môi trường Marketing sẽ không bỏ lỡ cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận thị trường mới ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Bởi trong quá trình tìm hiểu về môi trường Marketing toàn cầu, các doanh nghiệp sẽ thu thập được những thông tin về kinh tế, chính trị, xã hội và sự biến đổi trong nhu cầu tiêu dùng ở các quốc gia khác và từ đó, doanh nghiệp có thể chọn lựa thị trường phù hợp để mở rộng thị phần của mình và mang thương hiệu ra thị trường toàn cầu. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ và những đổi mới kỹ thuật số ngày nay còn giúp doanh nghiệp có thể thực hiện các chiến lược kinh doanh nhanh hơn, tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
3. Tối ưu lợi nhuận theo từng quốc gia thị phần
Lợi nhuận của doanh nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố về chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, vật tư hàng hóa, tình hình tài chính khu vực và tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia. Vì vậy, hiểu rõ sự khác biệt của từng quốc gia thị phần, doanh nghiệp sẽ có phương hướng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp, xây dựng được kế hoạch tài chính hiệu quả để đạt được mục tiêu của mình. Từ đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi hơn và lợi nhuận ngày càng tăng cao.
3. Đa dạng hóa thị trường, ít phụ thuộc vào một thị trường duy nhất
Việc phát triển chiến lược Marketing toàn cầu sẽ giúp doanh nghiệp ổn định tổng doanh thu, trong trường hợp thị trường nội địa hoặc một thị trường bất kỳ có phát sinh biến động. Khi nghiên cứu về Marketing toàn cầu, doanh nghiệp có thể hiểu rõ đặc điểm của các thị trường khác và lựa chọn được những thị trường phù hợp. Từ đó, thị trường kinh doanh được đa dạng hóa và tổng doanh thu cũng trở nên ổn định hơn.
Ví dụ: Khi thời tiết trở lạnh, nhu cầu mua nước giải khát có gas bị sụt giảm. Tuy nhiên, không phải mùa đông tại mọi quốc gia đều vào cùng một thời điểm và trên thế giới có rất nhiều quốc gia có thời tiết ấm nóng quanh năm. Do đó, doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có thể duy trì mức tổng doanh thu ổn định nhờ vào doanh thu của các thị trường nước ngoài.
4. Hạn chế rủi ro do sự khác biệt về pháp lý ở từng quốc gia
Các yếu tố về pháp lý ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động của công ty. Khi tham gia vào một thị trường mới, doanh nghiệp thường nghiên cứu kỹ lưỡng hệ thống pháp lý và chính sách của quốc gia sở tại để có kế hoạch kinh doanh tuân thủ đúng luật pháp và hạn chế rủi ro liên quan đến pháp lý.
Do đó, khi hiểu rõ về môi trường Marketing toàn cầu, doanh nghiệp có thể nắm bắt được những khác biệt về pháp lý để điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh và chiến lược marketing sao cho thích hợp. Mặt khác, hiểu rõ sự khác biệt về pháp lý của quốc gia khác sẽ giúp doanh nghiệp chọn được thị trường phù hợp với đặc điểm kinh doanh và định hướng phát triển của công ty.
5. Hạn chế rủi ro do sự khác biệt về văn hóa, nhận thức ở từng quốc gia
Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài mà các doanh nghiệp nội địa cũng có thể gặp phải vấn đề phát sinh do hoạt động marketing không phù hợp với văn hóa và nhận thức của khách hàng. Các sản phẩm/dịch vụ được quảng bá trong nước cũng có thể vấp phải những bất đồng do sự hội nhập và toàn cầu hóa ngay tại đất nước đó.
Vì vậy, khi doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu về môi trường Marketing toàn cầu, họ sẽ nắm bắt được các thông tin về văn hóa, tôn giáo, chính trị và hành vi của đối tượng khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp có thể giảm tối đa nguy cơ xảy ra xung đột không mong muốn hoặc nhận phản ứng trái chiều từ khách hàng.
6. Hạn chế rủi ro do ảnh hưởng của các tổ chức kinh tế lớn
Vì sự hợp tác và phát triển bền vững của các doanh nghiệp trên thế giới, các tổ chức kinh tế lớn như FED, World Bank, WTO, ASEAN,... đã hình thành. Tuy nhiên, các tổ chức này có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu hay tiếp cận nguồn đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế. Nếu một doanh nghiệp hiểu rõ các yếu tố liên quan đến môi trường Marketing toàn cầu, doanh nghiệp ấy sẽ dễ dàng linh hoạt thích ứng với những biến đổi trong các hiệp định thương mại của các tổ chức này.
7. Nâng cao vị thế cạnh tranh tại nước ngoài
Nếu hiểu rõ về môi trường Marketing toàn cầu, doanh nghiệp có thể nâng cao vị thế cạnh tranh ngay tại thị trường nước ngoài nhờ vào sự hiểu biết của mình về thị trường ấy.
Cụ thể, sau khi tìm hiểu về đặc điểm của thị trường ở quốc gia sở tại, doanh nghiệp có thể thiết lập chiến lược cạnh tranh hiệu quả, phù hợp với điều kiện của thị trường ấy. Khi thu thập đầy đủ thông tin về nhu cầu và hành vi tiêu dùng của khách hàng và hoạt động kinh doanh của đối thủ trên thị trường nước ngoài, doanh nghiệp có thể phát triển sản phẩm/dịch vụ phục vụ những nhu cầu của khách hàng mà đối thủ chưa đáp ứng được. Từ đó, doanh nghiệp có thể mở rộng phân khúc khách hàng trên thị trường quốc tế và nâng cao vị thế cạnh tranh của mình.
8. Biết cách tối ưu nguồn lực và năng lực cung ứng
Việc hiểu rõ về môi trường Marketing toàn cầu có thể giúp doanh nghiệp biết cách chuẩn bị những nguồn lực cần thiết và tối ưu năng lực cung ứng để phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu tại thị trường nước ngoài.
Ví dụ: Khi doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường Hoa Kỳ - một thị trường rất lớn và vị trí địa lý rất xa Việt Nam, doanh nghiệp cần dự trù được chi phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại, giao dịch kinh doanh và khả năng cung ứng của mình để đáp ứng đủ nhu cầu tại thị trường và phát triển lâu dài.
Các yếu tố cốt lõi cấu thành môi trường Marketing toàn cầu
1. International trade system (Hệ thống các tổ chức thương mại quốc tế)
Ngày nay, nhờ sự thành lập và phát triển của các tổ chức như WTO, EU, NAFTA, ASEAN, World Bank,... hoạt động giao thương giữa các nước được mở rộng và phát triển thuận lợi. Đầu tiên, các tổ chức này đóng vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp của những quốc gia thành viên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kinh doanh. Nhờ sự giao lưu trong tổ chức, các nước sẽ tìm thấy được cơ hội hợp tác và phát triển ở thị trường mới. Mặt khác, những quy định và luật lệ của các tổ chức này giúp quá trình mở rộng kinh doanh giữa các quốc gia diễn ra một cách có trật tự, hiệu quả và tránh xảy ra mâu thuẫn. Ngoài ra, nếu có bất kỳ sự thay đổi nào trong phạm vi hoạt động và mối quan hệ giữa các nước trong tổ chức giao thương, thì môi trường Marketing toàn cầu cũng có những thay đổi tương tự.
2. Economic environment (Môi trường kinh tế)
Môi trường kinh tế bao gồm các yếu tố về kinh tế như lãi suất, thu nhập bình quân, khủng hoảng kinh tế, cung - cầu,... Những yếu tố này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của tổ chức cũng như mức độ sẵn sàng và khả năng mua sản phẩm/dịch vụ của khách hàng. Đặc điểm của nền kinh tế là luôn luôn thay đổi, chẳng hạn như lãi suất có lúc tăng và lúc giảm, và lạm phát cũng vậy. Trong cuộc sống hàng ngày, nhu cầu và sức mua của khách hàng cũng có thể thay đổi theo thời gian. Chính những thay đổi kinh tế ấy sẽ ảnh hưởng đến mức cung và cầu của thị trường. Điều này đòi hỏi marketers phải luôn quan tâm đến môi trường kinh tế chung, tận dụng thông tin thu thập được để đưa ra các dự đoán và phản ứng thích hợp với tình hình kinh tế.
3. Political-Legal Environment (Môi trường chính trị - pháp luật)
Môi trường chính trị - pháp luật là một trong những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của môi trường Marketing toàn cầu. Cụ thể là:
- Chính phủ quyết định tất cả các chính sách tiền tệ, đối ngoại, quy định về thuế và mối quan hệ ngoại giao, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp trong và ngoài nước cần tuân theo những chính sách của chính phủ nước sở tại và thiết lập chiến lược kinh doanh sao cho phù hợp.
- Hệ thống pháp lý góp phần điều phối hoạt động giao thương trên toàn cầu một cách minh bạch và có trật tự. Nếu quốc gia có một hệ thống pháp luật lành mạnh và thực hiện nghiêm túc các luật bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất một cách bình đẳng sẽ ổn định được lòng tin của khách hàng và tạo điều kiện để mở rộng hoạt động kinh doanh nói chung. Ngoài ra, luật về quyền sở hữu trí tuệ, luật kinh doanh cũng giúp đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
- Chính trị ổn định sẽ giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Trong môi trường chính trị ổn định, doanh nghiệp sẽ dễ dàng triển khai hoạt động marketing và mở rộng quy mô kinh doanh hơn. Đất nước sở tại cũng dễ dàng thu hút nguồn đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài hơn.
4. Cultural environment (Môi trường văn hóa)
Văn hóa cũng là một yếu tố quan trọng trong môi trường marketing toàn cầu. Một marketer cần phải nghiên cứu sâu về môi trường văn hóa địa phương trước khi cung cấp một sản phẩm cho khách hàng ở đó, chẳng hạn như:
- Tôn giáo và mức độ ảnh hưởng của tôn giáo đối với cộng đồng
- Quan điểm về thẩm mỹ và lối sống
- Phong tục tập quán, thói quen mua hàng
- Ngôn ngữ,...
Bởi vì mỗi đối tượng khách hàng đều có những đặc điểm riêng ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng và hành vi của họ, nên một khi doanh nghiệp hiểu rõ về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo và đặc điểm của khách hàng thì các chiến dịch marketing mới tiếp cận đúng đối tượng, truyền đạt đúng điều khách hàng quan tâm và đạt được hiệu quả mong muốn. Nói cách khác, một marketer muốn hội nhập vào môi trường toàn cầu phải đặt bản thân vào vị trí của khách hàng tại thị trường mục tiêu và bám sát các yếu tố văn hóa của địa phương để sáng tạo nên kế hoạch marketing thu hút.
Tổng kết
Tóm lại, môi trường Marketing toàn cầu mang đến nhiều lợi ích và cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để thành công theo đuổi môi trường Marketing toàn cầu, mỗi một tổ chức cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường và những yếu tố cốt lõi kể trên để nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao khả năng thích nghi với bất kỳ biến động nào phát sinh trong môi trường toàn cầu. Hocmarketing.org hy vọng bài viết trên đã giúp cung cấp những kiến thức & thông tin hữu ích đến bạn.