Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng muốn vươn lên vị trí hàng đầu trong thị trường và dẫn đầu trong việc giới thiệu sản phẩm mới, thay đổi giá, thiết lập phạm vi phân phối và khuyến mãi. Các doanh nghiệp này có phải Market leader không? Một market leader cần có các “tố chất” gì? Và bằng chiến lược gì mà một doanh nghiệp có thể duy trì vị thế dẫn đầu của mình? Bài viết sau đây sẽ lần lượt trả lời các câu hỏi trên và cung cấp một số thông tin hữu ích về market leader.
Market leader là gì?
Market leader (tạm dịch là Doanh nghiệp dẫn đầu thị trường) là thuật ngữ nói về công ty có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh và có quyền lực tác động đến định hướng thị trường và vị trí cạnh tranh trong thị trường đó.
Ví dụ về Market leader
Thực tế, có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng dẫn đầu thị trường qua nhiều năm liền và ngày càng gắn bó sâu sắc với đời sống của người tiêu dùng. Ví dụ như:
- Vinamilk vẫn giữ vững vị trí market leader trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống (đặc biệt là sữa tươi) dù có sự tấn công từ nhiều đối thủ cạnh tranh và market challenger.
- Apple là ông lớn công nghệ toàn cầu, thống trị thị trường thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính,...).
- Masan Meatlife là doanh nghiệp đi đầu trong thị trường sản phẩm nông nghiệp.
- Google thống trị thị trường công cụ tìm kiếm trực tuyến toàn cầu.
Các yếu tố làm nên một market leader
Tiêu chuẩn của một market leader là gì? Và làm thế nào để nhận biết một doanh nghiệp có đang nắm giữ vị trí market leader hay không? Dưới đây là 4 yếu tố cơ bản mà bạn cần lưu ý:
1. Là một trong các doanh nghiệp tham gia vào thị trường sớm nhất
Đây là yếu tố cơ bản nhất có thể giúp một doanh nghiệp trở thành người dẫn đầu thị trường. Nếu một công ty tiên phong cung cấp sản phẩm/dịch vụ hoàn toàn mới cho thị trường, thì chắc chắn đó là một market leader. Tuy nhiên, sản phẩm/dịch vụ phải đảm bảo tính mới lạ để thu hút số lượng lớn khách hàng và duy trì sự thống trị của mình trên thị trường. Ví dụ như Red Bull là doanh nghiệp đầu tiên khai thác thị trường sản xuất “nước uống tăng lực” và phát triển thị trường đến ngày nay.
2. Đi đầu về công nghệ sản xuất và phát triển sản phẩm
Market leader không chỉ là người dẫn đầu xu hướng sử dụng sản phẩm/dịch vụ mới mà còn là doanh nghiệp đầu tư mạnh cho việc nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm và ứng dụng công nghệ sản xuất hàng đầu. Đây cũng là cách để công ty khẳng định vị thế dẫn đầu về mọi mặt để thuyết phục khách hàng về tính ưu việt của thương hiệu.
3. Thương hiệu mạnh mẽ, được nhiều người biết đến
Thương hiệu mạnh mẽ là cái tên luôn xuất hiện đầu tiên trong tâm trí khách hàng. Đây là minh chứng cho thành công của doanh nghiệp khi nhận được phản ứng tích cực từ đông đảo khách hàng và cộng đồng. Khi một thương hiệu trở thành market leader có nghĩa là thương hiệu ấy đã tạo được bản sắc riêng và tỏa sáng giữa thị trường nhờ vào những giá trị ưu việt mà mình mang đến. Do đó, thương hiệu càng lớn mạnh thì vị thế dẫn đầu của doanh nghiệp càng vững chắc.
4. Sở hữu thị phần cao nhất thị trường.
Thị phần cũng là một yếu tố quyết định quyền thống trị thị trường của một doanh nghiệp. Nếu công ty tích lũy được thị phần cao nhất thì vị trí market leader sẽ thuộc về công ty ấy. Có thể đó là một doanh nghiệp gia nhập thị trường sớm nhất, có thời gian khai thác thị trường và tích lũy được thị phần cao nhất. Nhưng cũng có thể, đó là một market leader xuất thân từ market challenger (Doanh nghiệp thách thức thị trường).
Chiến lược Marketing dành cho Market leader
Một doanh nghiệp dẫn đầu thị trường không có nghĩa là doanh nghiệp ấy mãi mãi dẫn đầu thị trường. Trong kinh doanh, hàng ngày đều có nhiều biến động xảy ra và đối thủ cạnh tranh thì không ngừng tìm cách nâng cao vị thế và giành lấy vai trò dẫn đầu thị trường. Vì vậy, để bảo vệ được thành công và quyền thống trị thị trường, market leader cần vận dụng chiến lược Marketing thích hợp.
1. Bảo vệ thị phần
Việc đạt được thị phần cao nhất trong thị trường và trở thành market leader là một thành công đáng trân trọng. Vì vậy, khi dẫn đầu thị trường, doanh nghiệp cần tiếp tục bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình trước sự tấn công của đối thủ. Sau đây là 6 cách bảo vệ thị phần mà doanh nghiệp có thể áp dụng:
- Bảo vệ vị trí: Doanh nghiệp phân bổ nguồn lực tối đa vào việc phát huy thế mạnh và giữ vững vị thế thành công của mình.
- Bảo vệ mạn sườn: Doanh nghiệp vừa bảo vệ thành công hiện tại, vừa phát triển một số ngách thị trường để đề phòng đối thủ tấn công vào điểm yếu của mình.
- Phòng thủ phủ đầu: Đây là chiến lược tấn công đối thủ trước khi họ tấn công mình. Market leader tận dụng lợi thế lớn mạnh đang có và tấn công phủ đầu đối thủ để hạn chế tối đa rủi ro bị đối thủ tấn công.
- Phòng thủ phản công: Market leader sẽ xác định điểm yếu của kẻ tấn công và quyết liệt theo đuổi thị trường ngách đó, nhằm khiến đối thủ phải chuyển hướng quay về bảo vệ thị trường của chính mình.
- Phòng thủ linh hoạt: Doanh nghiệp dẫn đầu sẽ trải rộng hoạt động kinh doanh sang thị trường mới bằng phương pháp đa dạng hóa các lĩnh vực liên quan. Những thị trường mới này còn có tiềm năng trở thành lợi thế phòng thủ và tấn công của market leader trong tương lai.
- Bảo vệ co cụm: Đây là chiến lược rút lui, chỉ tập trung vào các lĩnh vực là thế mạnh của market leader. Chiến lược này thường được sử dụng khi công ty bị tấn công đáng kể hoặc trong các giai đoạn sau của vòng đời sản phẩm.
2. Mở rộng thị phần
Đây là chiến lược thu hút thêm khách hàng từ đối thủ cạnh tranh. Vì thị phần là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nắm quyền thống trị thị trường, nên một market leader cần liên tục tích lũy và mở rộng thị phần của mình để các market challengers không có cơ hội vượt mặt. Tuy nhiên, để tăng thị phần, doanh nghiệp sẽ phải chi trả cao hơn cho hoạt động marketing và hoạt động hỗ trợ khác. Do đó, khi thị phần tăng lên không có nghĩa là lợi nhuận cũng tăng.
Ngoài ra, trước khi mở rộng thị phần, doanh nghiệp cần xem xét các yếu tố:
- Khả năng gây nên hành động chống độc quyền
- Hiệu quả kinh tế (vì nếu thị phần vượt quá mức độ nào đó thì lợi nhuận có thể bị giảm sút)
3. Bước sang thị trường mới
Market leader có thể củng cố được vị thế của mình khi thị trường được mở rộng thêm. Việc doanh nghiệp lựa chọn thời điểm bước chân vào một thị trường mới còn phụ thuộc vào vị trí của sản phẩm trong chu kỳ sống của nó. Thông thường, chiến lược này được sử dụng khi sản phẩm đang trong giai đoạn chín muồi.
Doanh nghiệp có thể tìm kiếm thị trường mới thông qua 3 nhóm:
- Nhóm khách hàng mới: Doanh nghiệp bước chân vào một thị trường hoàn toàn mới, tiếp cận đối tượng khách hàng mới và đa dạng hóa sản phẩm của mình để phục vụ cho nhóm khách hàng này.
- Nhóm người đang sử dụng sản phẩm: Doanh nghiệp có thể cải thiện chất lượng sản phẩm bằng cách cung cấp thêm dịch vụ, nâng cấp sản phẩm, đưa ra chương trình khuyến mãi,...
- Nhóm khu vực địa lý: Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho khách hàng ở khu vực khác, thậm chí là xuất khẩu. Sản phẩm của doanh nghiệp càng tiếp cận được nhiều người tiêu dùng thì thị trường càng rộng lớn và độ nhận diện của thương hiệu cũng tăng theo.
Tổng kết
Trở thành Market leader là điều mà mọi doanh nghiệp đều mong muốn. Market leader có thể là người đầu tiên khai thác thị trường, cũng có thể là người mang đến sự đổi mới và đột phá để nắm giữ vị trí dẫn đầu thị trường. Song, market leader luôn phải cảnh giác và không ngừng cải tiến để củng cố sức mạnh chống lại đối thủ cạnh tranh và bảo vệ vị thế của mình. Hy vọng những thông tin về Market leader và chiến lược Marketing dành cho Market leader có thể giúp bạn hiểu được phần nào về cách mà thương hiệu thống trị thị trường.