Đến thời điểm hiện tại, năm 2020, cái tên Google Ads (hay Google Adwords) đã dường như không còn xa lạ đối với các doanh nghiệp hay những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực Marketing, đặc biệt là Marketing Online. Tuy rằng, chưa có một thống kê cụ thể về số lượng các nhà quảng cáo trên Google Ads, hay tổng số tiền mà họ đã chi cho các chiến dịch trên Google Ads, nhưng nhìn vào kết quả doanh thu 134.81 tỷ USD của Google Ads trên toàn cầu (trong đó doanh thu tại Việt Nam là 174.9 triệu USD), ta có thể ước tính được số tiền mà các doanh nghiệp đã chi cho nền tảng này.
Sự phổ biến của Google Ads là không thể phủ nhận, tuy nhiên liệu Google Ads có thật sự hiệu quả như lời đồn? Liệu có phải cứ đổ tiền vào các chiến dịch quảng cáo trên Google Ads là doanh nghiệp sẽ có khách hàng hay doanh thu? Các công cụ tạo lập chiến dịch trong Google Ads có dễ sử dụng? Doanh nghiệp của tôi có nên sử dụng Google Ads để tiếp cận khách hàng? Liệu có giải pháp hay nền tảng nào khác để thay thế Google Ads hay không?
Tất cả các câu hỏi trên sẽ được hocmarketing.org trả lời trong nội dung bài viết này. Nếu bạn là người mới bắt đầu tìm hiểu về Google Ads, mình sẽ từng bước dẫn dắt bạn đi từ những khái niệm, vấn đề cơ bản nhất để bạn có cái nhìn đúng đắn nhất về nền tảng quảng cáo này, từ đó giúp bạn xác định được liệu có nên đổ tiền vào Google Ads hay không, và làm thế nào để sử dụng nó một cách hiệu quả nhất.
Chúng ta cùng bắt đầu thôi!
Tổng quan về Google Ads
Google Ads (Google Adwords) là gì?
Google Ads (tên gọi trước đây là Google Adwords) là một nền tảng quảng cáo trực tuyến được phát triển và vận hành bởi Google. Nền tảng này cho phép các nhà quảng cáo có thể xây dựng và vận hành các chiến dịch quảng cáo để tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, thông qua 2 mạng quảng cáo (Ad Network) chính là Google Search Network (GSN) - tạm dịch là mạng quảng cáo tìm kiếm và Google Display Network (GDN) - tạm dịch là mạng quảng cáo hiển thị.
Google Ads có bao nhiêu loại/dạng quảng cáo?
Google Ads có 3 loại chủ đạo: Quảng cáo văn bản trên trang kết quả tìm kiếm của Google (Google Search Network), Quảng cáo văn bản hoặc banner trên các website thuộc Google Display Network và Quảng cáo video trên nền tảng Youtube.
Quảng cáo trên trang kết quả tìm kiếm
Google chính thức giới thiệu hình thức quảng cáo trên trang kết quả tìm kiếm vào 23/10/2020. Đây là dạng quảng cáo mà trong đó, nội dung quảng cáo sẽ xuất hiện khá giống với kết quả tìm kiếm tự nhiên (organic results), bao gồm cả dòng tiêu đề, URL và các dòng mô tả. Điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa quảng cáo và kết quả tìm kiếm tự nhiên là Label (nhãn) "Quảng cáo" hay "Ad" luôn được gắn trên mỗi quảng cáo. Đến nay, Google bổ sung nhiều chế độ hiển thị quảng cáo khác, bao gồm sản phẩm, địa điểm, việc làm...
Quảng cáo văn bản hoặc hình ảnh (banner) trên các website thuộc Google Display Network (GDN)
Quảng cáo của doanh nghiệp sẽ xuất hiện dưới dạng văn bản (text) hay banner (tĩnh/động) ở các website thuộc mạng lưới Google Display Network (GDN), ví dụ như VnExpress, TuoiTre, ZingMP3...
Quảng cáo Video trên nền tảng Youtube
Các quảng cáo sẽ xuất hiện dưới dạng pre-proll Video (tạm dịch là Video được phát trước một video khác), khi người dùng xem các video nội dung được đăng tải trên Youtube.
Về cơ chế hoạt động và cách tính tiền của từng loại quảng cáo, hocmarketing.org sẽ trình bày chi tiết & cụ thể trong các bài viết tiếp theo.
Những lý do nên hoặc không nên lựa chọn Google Ads
Vì sao tôi nên chọn Google Ads?
Google là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng
Ở thời điểm hiện tại, nhắc đến công cụ tìm kiếm trực tuyến nghĩa là nhắc đến Google, và nhắc đến Google, ta thường nghĩ ngay đến công cụ tìm kiếm trực tuyến. Theo thống kê của trang Statista, số lượng người dùng trên thế giới sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm chiếm 88.14%, trong khi ở Việt Nam là 93.17% (10/2020). Người dùng sử dụng Google để tìm kiếm gần như mọi thứ từ tin tức, sự kiện, sản phẩm, dịch vụ, địa điểm (doanh nghiệp, nhà hàng, quán xá, khách sạn...) đến khoá học, việc làm, kiến thức... Dĩ nhiên, trong số các từ khoá mà người dùng tìm kiếm có những từ khoá liên quan đến sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp bạn đang kinh doanh.
Hầu hết các kết quả hiển thị trên công cụ tìm kiếm Google là kết quả tự nhiên (không trả phí). Tuy nhiên, nếu website của doanh nghiệp bạn không xuất hiện trên danh sách kết quả ứng với từ khoá tìm kiếm sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp, thì ngoài SEO, sử dụng Google Ads là phương án sáng giá nhất để giải quyết vấn đề này một cách nhanh nhất.
"Bạn muốn website của mình xuất hiện trên Google mỗi khi khách hàng tìm kiếm sản phẩm/dịch vụ của bạn? Chỉ có 2 cách duy nhất, là SEO và Google Ads." - Góc nhìn của tác giả.
Google Ads là thương hiệu dẫn đầu trong thị trường Quảng cáo trực tuyến
Theo Statista, Google Ads chiếm 32.3% thị phần quảng cáo trực tuyến của năm 2019 trên toàn cầu. Nếu tính riêng thị phần quảng cáo tìm kiếm (Search Ads), thì Google chiếm đến 80%. Sở dĩ có con số trên chính nhờ Google là một trong những doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh và phát triển mảng quảng cáo trực tuyến, cũng như sự lớn mạnh ngày càng gia tăng của Google trên Internet. Ngoài sở hữu công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, Google còn có vô vàn những website uy tín và phổ biến nằm trong mạng lưới Google Adsense để hiển thị các quảng cáo banner.
Nền tảng Youtube được sở hữu bởi Google
Youtube là nền tảng phát video trực tuyến lớn nhất hiện tại. Theo kết quả thống kê từ Statista, tính đến tháng 11/2020, Youtube có khoảng 2 tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó 79% người dùng Internet sử dụng tài khoản riêng để truy cập. Trong đó, thời lượng xem video trung bình/user/ngày ước tính khoảng 11 phút 24 giây. Bên cạnh đó, Youtube.com là website đứng thứ 2 trên thế giới về lượng traffic (lượng truy cập), sau Google.com.
Quảng cáo trên nền tảng Youtube sẽ xuất hiện dưới 1 trong 2 dạng, Pre-roll Video hoặc Banner. Cả 2 dạng quảng cáo này đều có thể được thiết lập trên Google Ads. Và dĩ nhiên, nếu bạn muốn hiển thị quảng cáo của doanh nghiệp trên Youtube, con đường duy nhất chính là thông qua Google Ads bởi một lý do đơn giản, Youtube là một nền tảng sở hữu, vận hành và phát triển bởi Google.
Google Ads cung cấp số lượng công cụ nhiều nhất để tối ưu chiến dịch quảng cáo
Một trong những lý do khiến người dùng ưu tiên lựa chọn Google Ads, thay vì các nền tảng quảng cáo trực tuyến khác, chính là bởi nền tảng này cung cấp vô số (có thể xem là nhiều nhất) các công cụ giúp nhà quảng cáo có thể tuỳ chỉnh, tối ưu chiến dịch của mình để tiếp cận được các khách hàng mục tiêu vào đúng thời điểm, để cho hiệu quả cao nhất với mức chi phí hợp lý nhất. Bên cạnh các công cụ cơ bản cho phép người dùng tuỳ chỉnh từ khoá tìm kiếm để quảng cáo xuất hiện, giá thầu cho mỗi click/lượt hiển thị, thời điểm chạy quảng cáo, ngân sách chiến dịch... Google Ads còn cung cấp các công cụ nâng cao như tuỳ chỉnh vị trí địa lý, độ tuổi, nghề nghiệp, giới tính, hành vi, sở thích... để quảng cáo tiếp cận đối tượng một cách chính xác hơn, điều mà ít nền tảng quảng cáo nào có thể làm được.
Khi nào không nên chọn Google Ads?
Khi bạn muốn quảng cáo trên những nơi mà Google Ads không thể đặt chân đến
Tuy là nền tảng quảng cáo trực tuyến lớn nhất, nhưng Google Ads vẫn có những giới hạn nhất định. Một trong số đó chính là nền tảng này không thể dùng để phát quảng cáo trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Twitter, bởi một điều đơn giản, đó là vùng đất của những ông lớn khác. Nếu kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp bạn cho thấy đối tượng khách hàng mục tiêu của mình chủ yếu hoạt động trên các mạng xã hội trên, cũng như các từ khoá tìm kiếm của họ không nhằm mục đích để mua sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp đang kinh doanh, thì Google Ads rõ ràng không phải là lựa chọn sáng giá hay duy nhất.
Một số các website lớn tại Việt Nam như VnExpress, Tuoitre, ThanhNien, Zing, Kenh14... tuy rằng có liên kết và phát những quảng cáo của Google Ads nhưng hầu hết vị trí xuất hiện có nó dường như không được nổi bật. Thay vào đó, những vị trí nổi bật được sử dụng để hiển thị các quảng cáo từ các nền tảng của Việt Nam như AdMicro, eClick... Nếu doanh nghiệp bạn đang muốn thương hiệu của mình xuất hiện trên các trang lớn trên thì Google Ads cũng không phải lựa chọn tốt nhất.
Là một doanh nghiệp lớn trong ngành Quảng cáo trực tuyến, các tiêu chuẩn về nội dung quảng cáo cũng sẽ rất khắc khe, đặc biệt là những nội dung liên quan đến rượu bia, cờ bạc, hay 18+. Nếu doanh nghiệp của bạn đang kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến các yếu tố trên, có thể rằng Google Ads không phải là lựa chọn tốt nhất.
Website của doanh nghiệp đang cho kết quả SEO rất tốt
Nếu website của doanh nghiệp đã xuất hiện ở vị trí cao ứng với hầu hết các từ khoá tìm kiếm liên quan đến sản phẩm/dịch vụ trên Google, thì việc chạy các chiến dịch quảng cáo tìm kiếm có thể là một sự lãng phí cho ngân sách Marketing của doanh nghiệp. Mặc dù các quảng cáo trên trang tìm kiếm Google được hiển thị ngày càng nổi bật hơn, nhưng các tổ chức thống kê lớn vẫn ghi nhận có 70-80% người dùng bỏ qua kết quả quảng cáo, tức là chỉ click vào kết quả tìm kiếm tự nhiên (Organic results) khi họ tìm kiếm một thứ gì đó trên Internet bởi họ tin tưởng rằng, những kết quả tìm kiếm tự nhiên đó sẽ cho trải nghiệm về nội dung tốt hơn những kết quả hiển thị nhờ trả tiền (Paid results). Chính vì thế, trong trường hợp này, doanh nghiệp nên đầu tư ngân sách của mình để tối ưu website và nội dung nhằm duy trì và cải thiện hiệu quả SEO, nâng cao tỷ lệ chuyển đổi bán hàng trên website thay vì đổ tiền vào Google Ads.
Tìm hiểu và sử dụng Google Ads
Google Ads có dễ sử dụng?
Đây là câu hỏi thường xuyên được đặt ra bởi những người mới tiếp xúc hay tìm hiểu về Google Ads. Sẽ rất phiến diện nếu kết luận chung rằng Google Ads rất dễ hay rất khó để sử dụng. Mức độ dễ hay khó sẽ tùy thuộc vào những yếu tố sau:
- Mức độ hiệu quả kỳ vọng: Mức độ hiệu quả kỳ vọng ở đây có thể cụ thể hóa bằng mức chi phí trung bình trên mỗi lược hiển thị, lượt click hay tương tác, khách hàng, doanh thu mang về... Mức độ hiệu quả kỳ vòng càng cao thì độ khó sẽ càng cao.
- Mức độ cạnh tranh: Dĩ nhiên, không phải chỉ doanh nghiệp bạn biết và sử dụng Google Ads. Các đối thủ cạnh tranh cũng thế, và họ cũng sẽ học cách để tối ưu các chiến dịch quảng cáo của họ sao cho đạt được hiệu quả tốt nhất. Tương tự như mức độ hiệu quả kỳ vọng, độ khó trong việc sử dụng Google Ads cũng sẽ tỷ lệ thuận với mức độ cạnh tranh trên thị trường.
Như vậy, việc sử dụng Google Ads sẽ dễ dàng nếu như bạn không đặt nặng về mức độ hiệu quả hay chi phí bỏ ra, cũng như sự cạnh tranh trên Google Ads của ngành nghề mà bạn đang kinh doanh là không cao. Bạn chỉ cần học cách để tạo chiến dịch trên Google Ads, xác định quy mô chiến dịch, ngân sách, giá thầu và thế là xong. Ngược lại, nếu doanh nghiệp yêu cầu cao về kết quả thu được so với chi phí bỏ ra, hay có hàng trăm doanh nghiệp khác đang nhắm đến cùng một thị trường với doanh nghiệp trên Google Ads, thì lúc này việc sử dụng Google Ads sẽ rất khó khăn, bởi bạn cần phải thực hiện rất nhiều công đoạn tối ưu, từ nội dung quảng cáo, giá thầu, đến cả website của doanh nghiệp để có thể cạnh tranh với các chiến dịch quảng cáo của những đối thủ khác.
Làm thế nào để có thể học cách sử dụng Google Ads?
Học trực tiếp trên các trang Tài liệu Hướng dẫn sử dụng của Google (Documentation)
Đây là phương pháp học luôn được khuyến khích bởi chính Google, khi mà thông tin mà bạn tiếp cận luôn chính xác và được cập nhật mới nhất, và hơn thế nữa là nó hoàn toàn miễn phí. Ngoài thông tin được hiển thị dưới dạng văn bản và hình ảnh, tài liệu chính chủ của Google còn có các Video để giúp bạn dễ dàng làm quen hơn với Google Ads.
Đây là link Tài liệu dưới dạng Tiếng Việt: https://support.google.com/google-ads/answer/6146252?hl=vi
Tìm hiểu thông qua các giáo trình của các bên thứ ba
Ngoài ra những tài liệu chính thống của Google, có rất nhiều các series bài giảng Online về "hướng dẫn sử dụng Google Ads" dưới dạng văn bản hay video trên Internet, trong đó có cả Youtube được biên soạn bởi các cá nhân, tổ chức bên ngoài Google (tạm gọi là bên thứ 3). Ưu điểm của dạng tài liệu này là ngoài các thông tin liên quan đến cách thức thiết lập và vận hành chiến dịch, bạn còn được chia sẻ thêm những kinh nghiệm quý giá để có thể tối ưu chiến dịch sao cho đạt hiệu quả nhất. Dĩ nhiên, chính vì là bên thứ 3 nên có thể một hay nhiều thông tin mà họ chia sẻ không chính xác, hay đã lỗi thời (outdate). Theo mình đánh giá, 70% những tài liệu của các bên thứ 3 là miễn phí, số còn lại sẽ có phí, nghĩa là bạn cần trả tiền cho những tác giả để có thể sở hữu chúng.
Tham gia các khóa học Online hoặc Offline về Google Ads
Có rất nhiều khóa học Google Ads được tổ chức Online hoặc Offline. Khi tham gia khóa học, bạn sẽ được hướng dẫn bởi các giảng viên, cũng như có thể tương tác (đặt ra các câu hỏi, thắc mắc) trong suốt hay thậm chí sau khi kết thúc khóa học. Hầu hết, các khóa học đều có phí (học phí), một số khác có thể miễn phí nhưng thời lượng rất ngắn, thường được tổ chức dưới dạng hội thảo.
Doanh nghiệp nên tự học cách sử dụng Google Ads hay thuê một đơn vị trung gian để thực hiện?
Chắn chắn rằng, lựa chọn tự học cách sử dụng Google Ads luôn là lựa chọn tốt nhất bởi:
- Tối ưu hiệu quả: Chỉ có chính doanh nghiệp mới hiểu rõ bản chất sản phẩm/dịch vụ và khách hàng mục tiêu của mình, từ đó có những cơ sở đúng đắn để tối ưu các chiến dịch quảng cáo.
- Tiết kiệm chi phí: Xuyên suốt quá trình chạy quảng cáo, bạn sẽ không phải trả phí cho bất kỳ một trung gian nào khác.
- Chi phí minh bạch: Thông tin về chi phí luôn được hiển thị rõ ràng trên giao diện quản lý chiến dịch Google Ads, và doanh nghiệp bạn nắm hoàn toàn quyền kiểm soát các thông tin trên.
Khó khăn duy nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt chính là mất thời gian và công sức để thành thạo cách sử dụng Google Ads, cũng như quỹ thời gian để theo dõi báo cáo và tối ưu các chiến dịch.
Nếu doanh nghiệp bạn không thể tự giải quyết khó khăn trên, lúc đó mới cần đến đơn vị trung gian vì những đơn vị này sẽ:
- Thay bạn xây dựng, theo dõi và tối ưu các chiến dịch quảng cáo
- Thay bạn thanh toán tiền quảng cáo cho Google (Tùy trường hợp)
Dĩ nhiên, so với việc tự thực hiện, việc thuê một đơn vị trung gian sẽ khiến bạn tốn thêm một khoảng chi phí khác (gọi là phí trung gian) cho những đơn vị này. Tùy theo mỗi đơn vị mà cách tính phí trung gian sẽ khác nhau, có đơn vị tách biệt, đơn vị khác lại gộp chung với chi phí của các chiến dịch quảng cáo. Tuy nhiên, để tránh hao tổn ngân sách, doanh nghiệp nên chọn nhứng đơn vị đạt các yêu cầu sau:
- Khách hàng (tức là doanh nghiệp bạn) phải được truy cập vào báo cáo chiến dịch (Quyền hạn Xem và phân tích). Nội dung này phải được ghi rõ trong hợp đồng dịch vụ giữa doanh nghiệp bạn và đơn vị trung gian đó.
- Có uy tín trên thị trường, hoặc bạn biết rõ về đơn vị đó, để tránh tình trạng họ tự thuê người click vào quảng cáo, khiến ngân sách bị lãng phí vô ích.
Các giải pháp thay thế Google Ads
Có giải pháp hay nền tảng nào có thể thay thế Google Ads không?
Dĩ nhiên là có, và nhìn chung có thể gộp thành 3 nhóm chính, bao gồm SEO, quảng cáo trên Mạng xã hội và các nền tảng quảng cáo khác.
SEO, hay Search Engine Optimization - Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, là giải pháp hoàn hảo để thay thế quảng cáo Google Ads trên trang kết quả tìm kiếm. Có 2 điểm khác biệt lớn giữa SEO so với quảng cáo trên Google là doanh nghiệp không phải trả phí cho Google khi triển khai SEO như Google Ads, bù lại quá trình SEO sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức để cho ra kết quả, thay tức thời như Google Ads.
Quảng cáo trên mạng xã hội: Như đã đề cập ở trên, Google Ads có những giới hạn, trong đó có các mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, Twitter, Zalo... Nếu như số lượng khách hàng mục tiêu của bạn đã có mặt trên các nền tảng này thì bạn có thể sử dụng công cụ quảng cáo riêng của những mạng xã hội đó và có thể không cần đến Google Ads để phủ sóng ở những nơi khác.
Các nền tảng quảng cáo khác: Ngày nay, có khá nhiều công ty kinh doanh mô hình Mạng quảng cáo (Ad Network), trong đó có nhiều cái tên nổi trội ở Việt Nam như AdMicro (thuộc VCCorp), eClick (thuộc FPT), Adtima (Zing)... khi những mạng quảng cáo này đều liên kết chặt chẽ với những website lớn như VnExpress, Dantri, Baomoi, Tuoitre, Kenh14, GenK... Nếu bạn muốn quảng cáo của doanh nghiệp mình hiển thị trên các website trên thì có thể cân nhắc sử dụng các mạng quảng cáo này để thay thế Google Ads.
Tổng kết
Như vậy, chúng ta đã có một cái nhìn tương đối tổng quan & toàn diện về Google Ads. Hocmarketing.org sẽ tiếp tục chia sẽ các kiến thức chuyên sâu hơn về Google Ads trong những bài viết tiếp theo. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý nào, đừng ngần ngại để lại comment hoặc đánh giá dưới đây nhé! Chúc bạn có một ngày làm việc & học tập vui vẻ