PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: Trong mùa đông, đặc biệt là những ngày lạnh giá thì lẩu là món ăn ưa thích bậc nhất của các gia đình Việt Nam. Thực chất, lẩu là món canh có xuất xứ từ Trung Quốc. Xưa kia, người dân nước này thường chuẩn bị bếp lò để hâm nóng nồi canh trong bữa ăn. Sau nay mới "biến tấu" bằng cách bổ sung thêm các loại rau, thịt để nhúng thêm vào nồi nước dùng.
Lẩu là món ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng và hơn hết là rất ngon miệng. Thế nhưng các chuyên gia sức khỏe cảnh báo có một số hình thức ăn lẩu rất nguy hiểm mà các gia đình Việt đang mắc phải.
4 kiểu ăn lẩu "độc khủng khiếp" khiến thực quản và dạ dày bị hủy hoại
1. Nguy cơ bỏng khi ăn lẩu quá nóng
Rất nhiều người thường thích thưởng thức phần nước lẩu nóng hổi, hoặc gắp phần thức ăn từ nồi lẩu vừa sôi rồi cho vào miệng... Thói quen này rất nguy hiểm vì dễ làm bỏng khoang miệng, dạ dày, thực quản. Các loại rau, thịt vừa được gắp ra từ nồi lẩu đun sôi 100 độ C thì vẫn còn nóng ở mức 50-60 độ C.
Theo WHO, việc ăn uống đồ quá nóng đã được liệt vào danh sách tác nhân gây ung thư từ lâu. Cơ quan này cảnh báo rằng thói quen tiêu thụ thực phẩm quá nóng có thể tăng nguy cơ mắc ung thư ở thực quản, khoang miệng và vòm họng. Ngoài ra, việc ăn đồ quá nóng cũng có thể gây tổn thương nặng nề cho hệ thống tiêu hóa.
2. Ăn nấm, rau, thịt chưa chín kỹ
Rau củ quả, thịt bò, thịt heo, cá và hải sản là các nguyên liệu không thể thiếu khi nấu lẩu hoàn hảo. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo rằng quy tắc quan trọng nhất khi ăn lẩu là nên chọn những nguyên liệu chín và nước lẩu phải luôn sôi.
Nhiều người cho rằng việc ăn thịt bò hoặc hải sản tái không là vấn đề, nhưng cách ăn này không thể tiêu diệt hết ký sinh trùng trên thực phẩm. Điều này rất dễ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là ngộ độc và nhiễm khuẩn.
Mối nguy hiểm hơn còn nằm ở việc nhiều gia đình có thói quen ăn nấm và rau chưa chín kỹ vì cho rằng chỉ cần mềm là ăn được. Trong khi đó, hiện nay trên thị trường có một số loại rau được phun thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng... nếu không được rửa kỹ, nấu chín kỹ thì sẽ gây hại cho sức khỏe người ăn. Một số loại rau khi chưa được làm chín kỹ còn gây dị ứng, gây ngứa như dọc mùng...
Còn về nấm, đây là thực phẩm cần được đun sôi trong khoảng từ 5-10 phút để đảm bảo rằng nấm đã chín hoàn toàn và không gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên khi ăn lẩu, nấm thường chỉ được làm chín trong vòng 1-2 phút, điều đó khiến vi khuẩn trên nấm chưa bị tiêu diệt hết, các chất trong nấm có thể khiến bạn khó tiêu.
3. Tiêu thụ các loại viên nhúng lẩu như tôm viên, bò viên, cá viên mà không biết nguồn gốc
Ngày nay, món lẩu trong các gia đình Việt ngày càng phong phú hơn về nguyên liệu khi xuất hiện thêm cả các loại viên nhúng lẩu.
Có những nơi sử dụng các loại viên nấu lẩu không rõ nguồn gốc hoặc thịt viên được làm từ nhiều loại thịt vụn trộn lẫn nhau, khó đảm bảo vệ sinh ở khâu chế biến. Những thực phẩm này mặc dù có hương vị thơm ngon nhưng cũng khó đảm bảo về độ an toàn khi tiêu thụ.
Tốt nhất mọi người chỉ nên ăn thịt tươi sống, được mua từ những cửa hàng uy tín.
4. Ăn quá nhiều lẩu chua cay
Trong mùa lạnh, thưởng thức một nồi lẩu vị chua cay có thể kích thích vị giác. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều lẩu chua cay có thể gây hại cho dạ dày và cơ quan tiêu hóa, gây đau dạ dày, nặng thì gây phù nề, xung huyết, và viêm loét dạ dày.
Việc ăn lẩu quá lâu và quá nhiều đang trở thành thói quen phổ biến của người Việt. Thông thường, mỗi gia đình sẽ dành 2-3 tiếng để thưởng thức một nồi lẩu. PGS.TS Phạm Văn Hoan (Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam) đã cảnh báo rằng thói quen này có thể gây quá tải cho dạ dày, dẫn đến đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Chuyên gia khuyên rằng việc thưởng thức một bữa lẩu nên khoảng 2 tiếng và không nên ăn quá 1 lần/tuần.