Vụ việc nữ sinh 17 tuổi gặp biến chứng mù mắt
Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao trước thông tin một nữ sinh 17 tuổi đi làm đẹp ở mũi và gặp biến chứng mù một bên mắt.
Cô gái 17 tuổi mù một bên mắt, có nguy cơ liệt nửa mặt sau khi làm mũi: BS lưu ý 2 điều khi làm đẹp - Ảnh 1.
Theo thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, em T (17 tuổi tại Đồng Nai) có đi tiêm filler tại một cơ sở làm đẹp trên địa bàn. Nữ sinh T đã tiêm chất làm đầy để dặm môi, cằm và được tư vấn tiêm thêm vào vùng mũi với lời cam kết của cơ sở làm đẹp là an toàn.
Sau khi tiêm chất làm đầy vào vùng mũi, mắt của nữ sinh T có dấu hiệu đau nhức. Tuy nhiên, cơ sở làm đẹp vẫn chưa đưa nữ sinh đến viện khám. Khi tình trạng của nữ sinh không cải thiện, cơ sở làm đẹp mới thông báo cho gia đình tới đón. Thời điểm gia đình tới đón, mắt của bệnh nhân đã không còn hoạt động. Ngay lập tức gia đình đã đưa nữ sinh tới bệnh viện ở Đồng Nai và được chuyển tuyến lên bệnh viện Chợ Rẫy tại TP.HCM với chẩn đoán mù một bên mắt.
Nguyên nhân và cảnh báo về nguy cơ và biến chứng khi tiêm filler
Với câu hỏi 'Vì sao tiêm filler vào mũi có thể gây ra mù mắt?' - (PV), bác sĩ Mạnh lý giải, vì vùng mũi có rất nhiều mạch máu thông với vùng mắt nên nếu kỹ thuật viên tiêm filler không có chuyên môn có thể gây tắc mạch, hình thành huyết khối, trôi vào động mạch võng mạc gây mù loà.
Trường hợp tiêm filler với số lượng nhiều có thể tạo ra áp lực lớn, thậm chí khiến huyết khối di chuyển qua động mạch mũi - mắt - động mạch cảnh - động mạch não gây tai biến đột quỵ.
Theo bác sĩ Mạnh trào lưu làm đẹp ít xâm lấn bằng tiêm filler đang ngày càng nở rộ. Nguy cơ tiềm ẩn khi tiêm filler tại các cơ sở làm đẹp không có chuyên môn, uy tín cũng ngày càng gia tăng. Với trường hợp của nữ sinh T, ngoài biến chứng mù mắt, bệnh nhân còn có nguy cơ bị liệt nửa mặt do vậy bệnh nhân cần phải theo dõi sát sao.
Biến chứng tiêm filler thường gặp ở vùng nào?
Bác sĩ Mạnh cho hay, biến chứng tắc mạch sau tiêm filler gặp nhiều nhất tại vùng mũi, sau đó là vùng mông.
Ngoài chất làm đầy thì việc hút mỡ diện rộng như: hút mỡ bụng, mỡ đùi tại các cơ sở thẩm mỹ không uy tín cũng có thể vô tình gây tổn thương tĩnh mạch. Quá trình hút mỡ có thể làm văng mỡ vào trong lòng tĩnh mạch, gây huyết khối tĩnh mạch. Bác sĩ Mạnh đã từng gặp trường hợp bệnh nhân sau hút mỡ gặp tình trạng đau ngực, khó thở. Kết quả chụp CT phát hiện huyết khối trong động mạch phổi, bệnh nhân được kịp thời điều trị bằng thuốc chống đông.