Ảnh: Đại học Công nghệ Sydney
Theo thông tin từ Daily Mail (Anh), thuật toán trí tuệ nhân tạo này hoạt động bằng cách sử dụng một chiếc mũ bảo hiểm gắn cảm biến để phân tích hoạt động điện cụ thể trong não của con người khi suy nghĩ, sau đó chuyển những suy nghĩ đó thành văn bản.
Công nghệ cách mạng này do nhóm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Sydney chứ đạo. Các nhà khoa học tin rằng việc phát minh mới có thể thực sự cách mạng hóa việc chăm sóc bệnh nhân bị câm do đột quỵ hoặc liệt.
Nhóm nghiên cứu cũng tin rằng thiết bị mới sẽ cho phép công tác điều khiển một cách liền mạch các thiết bị khác nhau, chẳng hạn như chân tay sinh học và robot, giúp con người chi phối chúng chỉ bằng cách suy nghĩ.
Giáo sư trưởng nhóm nghiên cứu CT Lin cho biết: "Nghiên cứu này đánh dấu bước đột phá quan trọng trong việc chuyển đổi sóng EEG thô trực tiếp thành ngôn ngữ, là sự kết hợp sáng tạo của các kỹ thuật mã hóa rời rạc và mô hình ngôn ngữ trong việc đọc tín hiệu não. Điều này mở ra những triển vọng mới trong lĩnh vực thần kinh và AI".
Trước đây, công nghệ giải mã tín hiệu não sang ngôn ngữ yêu cầu phải tiến hành phẫu thuật để cấy các điện cực vào não hoặc sử dụng máy MRI quét não, phương pháp phức tạp, đắt tiền và không thực tế trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, công nghệ mới chỉ cần sử dụng một chiếc mũ bảo hiểm đơn giản để đọc suy nghĩ của người sử dụng.
Để đảm bảo tính chính xác của công nghệ này, Giáo sư Lin và nhóm nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm trên 29 người tham gia. Những người này sẽ đọc một đoạn văn bản hiển thị trên màn hình và suy nghĩ về nội dung của văn bản đó. Mô hình trí tuệ nhân tạo sau đó sẽ phân tích và hiển thị dữ liệu đọc được từ sóng não của đối tượng thành văn bản. Kết quả cho thấy nội dung được giải mã bởi trí tuệ nhân tạo gần như trùng khớp hoàn hảo với suy nghĩ của con người.
Đối tượng tham gia thử nghiệm đang suy nghĩ về văn bản hiển thị trên màn hình. Ảnh: Daily Mail
Sau đó, màn hình chuyển sang hiển thị nội dung được giải mã bởi mô hình Trí tuệ nhân tạo - và kết quả gần như khớp hoàn hảo. Ảnh: Daily Mail
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng độ chính xác của việc giải mã văn bản hiện đang ở mức khoảng 40%. Các nhà khoa học đang nỗ lực để nâng cao con số đó lên 90%.