SEO Offpage là gì? Backlink có tác dụng gì trong SEO?

SEO Offpage là gì? Backlink có tác dụng gì trong SEO?

SEO Offpage là gì? SEO Offpage gồm những công đoạn nào? Backlink là gì? Backlink có tác dụng gì trong SEO? Vì sao các doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để xây dựng backlink?

Trong kì trước của series Cẩm nang SEO, chúng ta đã tìm hiểu về SEO Onpage, cũng như các công việc cần thực hiện trong SEO Onpage. Trong bài viết này, chúng ta cùng tiếp tục đi đến chặng đường tiếp theo của SEO: SEO Off-page.

Khái niệm SEO Off-page

SEO Off-page là gì? - FAQ

SEO Off-page (hay còn gọi là Off-page Optimization) là tập hợp các hoạt động tối ưu SEO được thực hiện bên ngoài website mà bạn muốn tối ưu. Giả sử, website của bạn có domain là yourdomain.com, thì SEO off-page là các hoạt động tối ưu được thực hiện bên ngoài website đó.

SEO Offpage là gì?

Trong kinh nghiệm thực tiễn, hoạt động chính của SEO off-page chính là xây dựng backlink và gần như có thể xem SEO off-page chính là xây dựng backlink. Hocmarketing.org sẽ lý giải cho sự so sánh này ở phần dưới của bài viết này.

Quy trình thực hiện SEO Off-page

Quy trình SEO Off-page bao gồm bao nhiêu bước? - FAQ

Quy trình thực hiện SEO Off-page có thể được chia làm 3 bước chính: bao gồm tối ưu tài khoản Google Search Console, Kết nối Google Analytics và Xây dựng backlink.

Quy trình SEO Offpage

Quy trình SEO Offpage cơ bản

1. Tối ưu tài khoản Google Search Console (Tối ưu Google Bots)

Trước khi đi vào công đoạn tối ưu, chúng ta cần biết tài khoản Google Search Console là gì và nó đóng vai trò như thế nào trong SEO. Tiền thân của Google Search Console chính là "Google Webmaster", được chính thức đổi lại tên gọi vào thời điểm đầu năm 2020. Đây là một công cụ được phát triển bởi chính Google, với các chức năng cho phép các nhà quản trị web thông báo với Google về sự thay đổi của nội dung website, từ đó giúp các Crawler của Google có thể dễ dàng cập nhật những sự thay đổi đó. Bên cạnh đó, Google Search Console cũng đưa ra các Guideline, có thể tạm gọi là các đường lối đúng đắn để những người quản trị website tuân theo trong suốt quá trình phát triển website đó, cũng như hiển thị các thông báo quan trọng liên quan đến vấn đề bảo mật, lỗi của website, cũng như các tác vụ thủ công được thực hiện bởi nhân viên của Google, các báo cáo về kết quả hiển thị tự nhiên của website trên công cụ tìm kiếm.

Tóm lại, Google Search Console giống như một kim chỉ nam cho các SEOer trong quá trình tối ưu. Thực chất, các SEOer kinh nghiệm lâu năm có thể thực hiện SEOer mà không cần đến Google Search Console, nhưng với sự trợ giúp của Google Search Console, quá trình tối ưu có thể được đảm bảo đúng hướng, với một tốc độ nhanh và hiệu quả hơn.

Đầu tiên, bạn cần phải xác định website mà bạn đang tối ưu đã được xác nhận liên kết với một tài khoản Google Search Console nào chưa. Công tác xác định này cần được thực hiện thật kỹ càng, bởi vì nếu website của bạn trước đó là liên kết với một tài khoản Google Search Console, thì những dữ liệu báo cáo đều xuất hiện trên tài khoản đó, và công việc bạn cần chỉ là yêu cầu chủ tài khoản đó share quyền truy cập cho tài khoản Google (tức Gmail) của bạn. Sau đó, bạn vào đường dẫn https://search.google.com/search-console, đăng nhập bằng Gmail của bạn là có thể truy cập vào Google Search Console liên kết với website của bạn.

Nếu bạn đã xác định chính xác rằng, chưa có một tài khoản Google Search Console nào liên kết với website của bạn, hoặc chủ tài khoản đó không thể liên hệ được, thì cách duy nhất là liên kết website đó với một tài khoản Google mới.

Xem: Hướng dẫn liên kết tài khoản Google Search Console cho website mới

Khi đăng nhập vào tài khoản Google Search Console, giao diện chính của nó sẽ xuất hiện như hình dưới đây. Lưu ý rằng, đối với các website mới, hoặc các tài khoản vừa mới thực hiện liên kết, các dữ liệu báo cáo sẽ chưa xuất hiện ngay. Bạn cần chờ 1 - 3 ngày để có thể bắt đầu thấy các dữ liệu báo cáo.

Giao diện chính của Google Search Console

Ảnh chụp giao diện Google Search Console

Bước đầu tiên khi tối ưu tài khoản Google Search Console, là vào mục Index → Sitemaps, để kiểm tra sitemap của website bạn đã được submit chưa. Nếu chưa, hãy tiến hành submit để đẩy nhanh tiến trình quét và index của Google trong thời gian tới.

Bước tiếp theo, bạn cần kiểm tra trong mục Security & Manual Actions (định kỳ hằng ngày hoặc hàng tuần). Nếu có bất kỳ thông báo nào trong mục Manual Actions (tác vụ thủ công), nghĩa là website của bạn đã vi phạm một hoặc nhiều trong những chính sách mà Google đưa ra dành cho các website. Hoặc nếu có bất kỳ thông báo nào trong mục Security, nghĩa là website của bạn đang tồn tại một hoặc nhiều lỗ hỗng, lỗi nghiêm trọng liên quan đến bảo mật. Các thông báo xuất hiện trong 2 mục này luôn cần phải ưu tiên khắc phục và giải quyết 100%, cho đến khi xuất hiện dấu tick màu xanh lá cây.

Cuối cùng, bạn cần kiểm tra các url của các trang quan trọng (thường là các trang landing page) của website đã được index chưa thông qua công cụ URL Inspection. Để sử dụng công cụ này, bạn copy đường dẫn của trang mà bạn cần kiểm tra (ví dụ https://yourdomain.com/your-page) rồi paste vào URL Inpsection (nằm ở trên cùng) → Enter (hoặc click vào biểu tượng kính lúp), kết quả xuất hiện sẽ rơi vào 1 trong các trường hợp sau đây:

  • URL is on Google: Nghĩa là trang của bạn đã được Index (lưu vào database lập chỉ mục) bởi Google.
  • URL is not on Google: Nghĩa là trang của bạn chưa được Index bởi Google. Trong trường hợp này, chúng ta tiếp tục kiểm tra các thông tin bên dưới:
    • Tab Coverage: URL is unknown to Google - Điều này có nghĩa rằng trang của bạn chưa được Crawler của Google quét tới. Hãy kiểm tra rằng, URL của bạn đã xuất hiện trên sitemap của website chưa. Nếu chưa, hãy bổ sung và vào mục Sitemaps để submit lại file sitemap của mình.
    • Tab Coverage: Discovered but currently not indexed - Điều này có nghĩa rằng trang của bạn đã được Crawler của Google quét tới, nhưng chưa được Index bởi Google. Nguyên nhân có thể là: Website của bạn mới đi vào hoạt động không lâu (dưới 3 tháng), nội dung trên trang của bạn nghèo nàn hoặc trùng lập quá nhiều so với các trang khác của website hoặc thậm chí trùng lập với những website khác, hay đơn giản rằng Google chưa thật sự tin tưởng vào nội dung của trang có thể mang đến trải nghiệm tốt cho người xem.

Hãy luôn nhớ rằng, trong trường hợp không có bất kỳ thông báo nào ở mục Manual Actions & Security (Tác vụ thủ công & Bảo mật), việc Google không index tất cả các trang trên website của bạn tại một thời điểm xác định là một điều hết sức bình thường, và đó là một thực tế bạn cần phải chấp nhận và ghi nhớ. Tôn chỉ của Google vẫn là tìm kiếm các trang cho kết quả với nội dung mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Do đó, là một SEOer, bạn cần phải kiên nhẫn, tiếp tục tối ưu và cập nhật những nội dung mới cho trang, cho đến khi trang của bạn được Index bởi Google.

2. Kết nối tài khoản Google Analytics (Tối ưu hành vi người dùng)

Có lẽ đến nay, tên gọi Google Analytics không còn xa lạ gì với cộng đồng SEOer, nhưng có thể mới lạ đối với những người mới tìm hiểu về SEO và Website. Để cho công bằng, trước hết mình sẽ giải thích rõ Google Analytics có những chức năng gì, và vai trò của nó đối với SEO.

Google Analytics là một công cụ (hoặc cũng có thể gọi là dịch vụ) được cung cấp bởi Google để giúp các nhà phát triển, quản trị theo dõi hoạt động của người dùng trên website hoặc ứng dụng di động mà mình đang quản lý. Google Analytics cung cấp cả 2 hình thức: miễn phí và có phí. Hình thức có phí thường sẽ dành cho các doanh nghiệp lớn, cần phân tích chuyên sâu về những dữ liệu traffic, còn đa số những doanh nghiệp nhỏ và cá nhân chúng ta đều sử dụng dưới hình thức miễn phí. Tuy nhiên, đối với hocmarketing.org, các tính năng của Google Analytics miễn phí là quá đủ để chúng ta có thể nắm được rõ hành vi của người dùng trên website mà mình đang quản lý.

Ảnh chụp giao diện Google Analytics

Ảnh chụp giao diện Google Analytics

Các tính năng chính của Google Analytics bao gồm:

  • Cung cấp thông tin người dùng đang hoạt động trên website theo thời gian thực (Real-time) - Nghĩa là chúng ta có thể xem ngay tại thời điểm này, có bao nhiều khách đang xem website của chúng ta, ở những trang nào, từ nguồn nào, từ đâu và bằng thiết bị nào.
  • Cung cấp thông tin người dùng đã truy cập trên website (Số lượng user đã truy cập, số lượng phiên truy cập, số lần xem trang, thời gian trung bình của phiên, tỷ lệ thoát...) dưới dạng các báo cáo (Theo giờ, ngày, tháng, năm)
  • Cung cấp thông tin nguồn truy cập của người dùng (tìm kiếm tự nhiên, qua mạng xã hội, email, trực tiếp...) dưới dạng báo cáo.
  • Cung cấp thông tin hành vi của người dùng theo từng trang của cả 1 website (Số lần xem trang, thời gian trung bình trên trang, tỷ lệ thoát...) dưới dạng báo cáo.
  • Thiết lập các báo cáo tỷ lệ chuyển đổi (doanh thu, cơ hội...) theo lượng traffic.

So với Google Search Console, các tính năng của Google Analytics không trực tiếp phục vụ cho công tác SEO, nhưng vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với SEO. Thông qua Google Analytics, nhà quản trị web có thể biết được số lượng người truy cập vào các trang landing page của mình là bao nhiêu, thời gian họ ở lại trên trang đó là bao lâu, từ đó giúp nhà quản trị có cơ sở để tối ưu các landing page của mình (cập nhật, bổ sung thêm nội dung, hình ảnh v.v...).

Cũng giống như việc kết nối tài khoản Google Search Console, bạn phải xác định website của mình trước đây đã từng kết nối với bất kỳ tài khoản Google Analytics nào chưa. Nếu có thì hãy liên hệ chủ tài khoản và đề nghị họ share quyền truy cập cho tài khoản Google (Gmail) của bạn. Sau đó bạn vào đường dẫn analytics.google.com → Đăng nhập bằng Gmail của bạn là hoàn tất quá trình kết nối.

Nếu website của bạn chỉ mới đi vào hoạt động, chưa từng kết nối với một tài khoản Google Analytics nào, hay chủ tài khoản đó không thể liên hệ được, thì giải pháp duy nhất là dùng tài khoản Google của bạn để thực hiện quá trình kết nối (tương tự Google Search Console). 

Xem Hướng dẫn liên kết tài khoản Google Analytics cho website mới

Như đã đề cập ở phần mở đầu, xây dựng backlink được xem là công việc chính của SEO Offpage, với khối lượng công việc chiếm trung bình 70 - 80% của toàn bộ công việc SEO Offpage trong hầu hết các chiến dịch SEO được triển khai. Để lý giải cho vấn đề này, trước hết chúng ta cần hiểu rõ backlink là gì và vì sao nó lại quan trọng.

Backlink là một dạng liên kết tồn tại trên các website trên Internet mà đường dẫn của nó trỏ về website chính (website mà bạn đang tôi ưu). Về mặt kỹ thuật (coding), backlink gồm 3 thành phần chính là URL, Anchor text và các thuộc tính bổ trợ.

Trong các video thuyết giảng về những vấn đề liên quan đến SEO, được trình bày bởi các kỹ sư Google, vai trò của backlink đã được đề cập như sau: Khi một trang bất kỳ trên một website có những liên kết từ website khác (backlink) trỏ về nó, ắt hẳn nội dung trên trang đó được nhắc đến nhiều bởi cộng đồng, và Google sẽ đánh giá cao kết quả tìm kiếm của những trang có nhiều backlink hơn.

Chưa chắc, vì còn tuỳ thuộc vào những website chứa những backlink đó, cũng như cách mà backlink được đặt trên những website. Kể từ khi lý thuyết về backlink được hình thành và lan truyền trên khắp cộng đồng SEO, không ít người lợi dụng cơ chế này để "spam" các backlink, như việc lặp ra hàng trăm, hàng nghìn website có nội dung kém chất lượng với mục đích duy nhất là trỏ link về website chính. Hay một số các SEOer khác sử dụng các tool (phần mềm) để tự động đăng các nội dung có chứa backlink lên các diễn đàn, và dĩ nhiên, cách thức này cũng không mang giá trị gì về nội dung cả. Và dĩ nhiên, Google hiểu rất rõ điều này hơn ai hết, và bổ sung các hình thức kiểm duyệt backlink vào thuật toán xếp hạng của mình để loại bỏ các kết quả có nhiều "backlink bẩn". Thậm chí, nhiều website có tình trạng spam backlink quá đà đã bị Google đưa vào danh sách đen, loại bỏ hoàn toàn khỏi công cụ tìm kiếm Google.

Đầu tiên, website chứa backlink của bạn nên là domain có tuổi đời trên 6 tháng, có nội dung tự nhiên, có giá trị cho người dùng và có những chủ đề liên quan đến nội dung của website chính (website mà bạn đang tối ưu).

Các backlink phải được thể hiện một cách tự nhiên (Không lặp đi lặp lại nhiều lần trên một trang, không bị ẩn, lồng ghép với những nội dung có liên quan và có giá trị cho người dùng)

  • Các diễn đàn (forum), nơi người dùng có thể tạo các bài viết, nội dung và có thể chèn liên kết. Tuỳ thuộc vào quy định của mỗi diễn đàn mà việc đặt backlink của bạn sẽ bị hạn chế theo nhiều cách khác nhau. Hãy cố gắng tuân thủ các quy tắc của những diễn đàn để những nội dung của bạn đăng không bị xoá bởi những thành viên kiểm duyệt.
  • Các trang blog, nơi người dùng có thể tham gia thảo luận qua các công cụ bình luận. Thông thường, các chủ trang blog cũng không "chào đón" các bình luận có chứa backlink, do đó hãy cố gắng lồng ghép vào những nội dung "có giá trị" cho website của họ để bình luận của bạn có thể tồn tại (không bị xoá) bởi Admin của các blog đó.
  • Trả tiền cho các chủ website để backlink của bạn có thể được đặt trên website của họ. Điều này Google không hề cấm, miễn rằng các website mà bạn đặt backlink có chất lượng nội dung tốt, và cách thể hiện backlink tự nhiên, mang nhiều giá trị cho người dùng.

Bạn có thể xem các thống kê, báo cáo về backlink của website mình thông qua:

  • [Chính chủ] Google Search Console → Links: Đây là công cụ thống kê miễn phí của Google, với khả năng thống kê chính xác 100%, tuy nhiên lại có nhược điểm là số liệu thống kê, báo cáo được cập nhật không thường xuyên (1 - 2 tuần/lần cập nhật)
  • Các công cụ, phần mềm thứ 3: Nổi tiếng là Ahrefs, Alexa... với khả năng thống kê chính xác cũng rất cao, và khả năng cập nhật số liệu định kỳ rất nhanh. Tuy nhiên, bạn sẽ phải trả tiền cho những nhà phát triển các công cụ này để có thể sử dụng được hết các chức năng của nó.

Như vậy, chúng ta đã hiểu vì sao backlink lại vô cùng quan trọng trong SEO offpage và nhiều công ty phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian lẫn tiền bạc để xây dựng các backlink. SEO là một chặng đường lâu dài, kết quả của nó có thể đến sau một khoảng thời gian rất lâu, có thể tính bằng tháng hay năm. Chính vì thế, kiên nhẫn là một đức tính rất cần đối với 1 SEOer. Hãy cung cấp những giá trị thiết thực cho cộng đồng người dùng Internet trước khi bạn muốn Internet mang về giá trị cho bạn. Chúc bạn thành công!

Trong những bài viết sau, hocmarketing.org sẽ đi sâu vào các phương pháp và mô hình xây dựng backlink, thường được áp dụng bởi các SEOer.

Câu hỏi thường gặp (FAQ)

SEO Offpage là các hoạt động tối ưu hóa trang web bên ngoài website nhằm tăng độ uy tín và độ tin cậy của website trong mắt của các công cụ tìm kiếm.
Backlink là một trong những yếu tố quan trọng trong SEO Offpage, giúp tăng độ uy tín và độ tin cậy của website trong mắt của các công cụ tìm kiếm.
Có nhiều cách để tạo backlink cho website, bao gồm viết bài guest post, bình luận trên các blog và diễn đàn có liên quan, chia sẻ trên các mạng xã hội, v.v.
Nếu không được thực hiện đúng cách, backlink có thể làm tổn thương website bằng cách gây ra các hình phạt từ các công cụ tìm kiếm hoặc làm giảm độ uy tín và độ tin cậy của website.
Không nên mua backlink cho website vì điều này có thể gây ra các hình phạt từ các công cụ tìm kiếm và làm giảm độ uy tín và độ tin cậy của website.