Thế giới hiện nay đang có xu hướng xem các nội dung giải trí như phim ảnh, video, chương trình truyền hình dưới dạng trực tuyến (stream) nhiều hơn so với dạng đĩa DVD, CD... như những năm trước đây. Với thư viện hơn 3781 tựa đề phim điện ảnh, 1940 phim dài tập và chương trình truyền hình, Netflix hiện đang dẫn đầu thị trường cung cấp nội dung số trực tuyến. Tính riêng tại Mỹ năm 2016, có hơn 51% dân số của quốc gia này xem các nội dung giải trí thông qua Netflix. Một thống kê khác cho biết tổng người dùng Netflix trả phí trong quý 3 năm 2020 đạt 195 triệu người trên toàn thế giới, vượt mặt các đối thủ cạnh tranh tiềm năng khác như Amazon (150 triệu), Disney+ (60.5 triệu), Hulu (35.3 triệu). Trong một báo cáo tài chính gần nhất của Netflix, tổng doanh thu quý này đạt 6.44 tỷ USD, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê số lượng người dùng trả phí Netflix quý 3 năm 2020
Như vậy, chìa khoá thành công của Netflix nằm ở đâu? Có phải nằm ở kho nội dung đồ sộ hay vì Netflix nắm bắt xu thế công nghệ sớm hơn các đối thủ khác?
Netflix tập trung vào chất lượng video thay vì số lượng. Kho nội dung của Netflix tuy nhiều nhưng vẫn ít hơn nhiều đối thủ khác. Như đã đề cập ở đoạn mở đầu, kho nội dung của Netflix có tổng cộng 3781 tựa đề phim điển ảnh, 1940 phim dài tập và chương trình truyền hình (theo thống kê quý 3/2020). Con số này vẫn thấp hơn nhiều đối thủ khác, tiêu biểu là Amazon Prime Video với 184.000 phim điện ảnh và 2220 show truyền hình.
Nắm bắt xu thế công nghệ chỉ là bước đà cho sự phát triển sau này. Vào thuở ban đầu khi mới được thành lập, Netflix cũng chỉ là một công ty cho thuê băng đĩa nhỏ, kém hơn rất nhiều về quy mô so với những cái tên lớn thời bấy giờ như Blockbuster. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, Netflix đã nhận thấy được những thay đổi trong môi trường vi mô và vĩ mô, cụ thể là môi trường công nghệ và xu hướng hành vi của người tiêu dùng. Bằng việc tận dụng sự phát triển và phổ biến ngày càng gia tăng của Internet và những công nghệ liên quan, Netflix đã đưa ra quyết định chuyển mô hình kinh doanh dần dần sang hình thức cung cấp nội dung theo hình thức stream (trực tuyến). Đây chính là bước đà cho những thành công vang dội sau này của Netflix.
Blockbuster - đối thủ cạnh tranh lớn với Netflix đã từng tồn tại
Nghiên cứu và phân tích chuyên sâu về môi trường kinh doanh và hành vi của khách hàng mới là chìa khoá chính cho cánh cửa dẫn đến thành công của Netflix.
Để Netflix có thể cung cấp được những video có nội dung được người dùng quan tâm đông đảo, cũng như thực hiện bước ngoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh chính là nhờ vào việc Netflix thực hiện tốt công việc quan sát, nghiên cứu, phân tích hành vi của người tiêu dùng và môi trường kinh doanh. Có thể ít ai trong chúng ta ngờ rằng, khi người dùng xem các video trên Netflix, cũng là lúc Netflix theo dõi, quan sát hành vi, thói quen sử dụng của chúng ta để từ đó có được dữ liệu đáng tin cậy (các từ khoá tìm kiếm, các video được phát, thời gian xem trên mỗi video, số lần và thang điểm đánh giá...) phục vụ cho công tác Marketing. Nhờ kho dữ liệu được tổng hợp thường xuyên ấy, Netflix có thể biết được cá nhân mỗi người dùng muốn xem những nội dung gì, từ đó hiển thị các video được đề xuất được cá nhân hoá trên giao diện tương tác, góp phần giữ chân người dùng cũng như là thu hút thêm người dùng mới.
Dựa vào kết quả nghiên cứu, Netflix xây dựng hệ thống video được đề xuất và hiển thị tối ưu theo từng người dùng
Không chỉ dừng lại ở vai trò trung gian cung cấp và sàn lọc video cho người dùng, Netflix còn tận dụng nguồn dữ liệu thu thập được vào việc sản xuất và cung cấp các nội dung độc quyền. Hầu hết các tác phẩm được thực hiện bởi Netflix đều mang lại thành công vang dội, tiêu biểu là Stranger Things (2016) và The Witcher (2019). Chỉ trong năm 2018, Netflix đã được đề cử tới 112 giải Emmy, phá vỡ thế độc tôn của HBO trong suốt 17 năm. Bên cạnh đó, trong lễ trao giải Oscar của năm qua (2019), tổng đề cử cho phim của Netflix là 24.
2 trong số những tựa phim nổi bật nhất được sản xuất bởi Netflix: The Witcher và Stranger Things
Giai đoạn mở rộng thị trường từ Mỹ sang các quốc gia khác của Netflix cũng được thực hiện rất bài bản dựa trên kết quả của những cuộc nghiên cứu. Quasi Experiment - Thử nghiệm không hoàn toàn - là phương thức nghiên cứu được áp dụng chủ yếu trong hoạt động mở rộng của Netflix, khi doanh nghiệp này sẽ thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm trên một thị trường quốc gia mới, trước khi đưa ra quyết định quốc gia đó có phải là mảnh đất màu mở để làm ăn hay không.
Biểu đồ các quốc gia có sự xuất hiện của Netflix - Theo trang statista
Netflix cũng thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát nhằm tối ưu giao diện người dùng. Bằng cách cho phép một lượng người dùng truy cập bằng giao diện mới, trong khi số lượng còn lại sử dụng bằng giao diện cũ (Thử nghiệm A/B), Netflix có được cơ sở sát đáng để đánh giá có nên chuyển sang sử dụng giao diện mới, hay có nên thực hiện bất cứ điều chỉnh, tối ưu nào hay không.
Phương pháp quản lý nhân viên thông minh cũng góp phần không nhỏ trong sự thành công của Netflix, tuy nhiên hocmarketing.org sẽ đề cập đến khía cạnh này một cách chi tiết hơn trong những bài viết sau này.
Trong một buổi phỏng vấn, đại diện của Netflix đã phát biểu rằng: "Chúng tôi cam kết sẽ là dịch vụ ưu tứu của khách hàng, là đối tác uy tín của những nhà cung cấp, là nguồn lợi ổn định của các nhà đầu tư, và là sức ảnh hưởng mê hoặc với các nhân viên". Với tất cả những gì Netflix đang có, những cam kết trên là hoàn toàn khả thi.