Các kênh Marketing Online phổ biến hiện nay

Các kênh Marketing Online phổ biến hiện nay

Hiện nay có bao nhiêu kênh Marketing Online đang được sử dụng phổ biến? Những kênh đó là gì? Đặc điểm ra sao? Phù hợp với những đối tượng nào?

Theo quá trình phát triển của công nghệ, tốc độ phổ biến của Internet, các kênh Marketing Online đã ra đời và dần khẳng định được tầm quan trọng trong các chiến lược Marketing của doanh nghiệp. Trong bài viết này, hocmarketing.org sẽ liệt kê danh sách các kênh Marketing Online phổ biến nhất hiện nay.

Các kênh Marketing Online phổ biến hiện nay

1. SEO

SEO, viết tắt của Search Engine Optimization, tạm dịch là "Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm", là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp, cửa hàng trong quá trình chọn lọc kênh Marketing Online để triển khai. Công việc chủ đạo của SEO là tối ưu website của doanh nghiệp, sao cho thân thiện nhất trong mắt của các công cụ tìm kiếm (search engines), ở Việt Nam chủ yếu là Google, để sao cho website này xuất hiện ở vị trí cao nhất trong danh sách kết quả tìm kiếm ứng với một từ khóa nhất định.

SEO - Kênh marketing online phổ biến

Ví dụ:

Doanh nghiệp A có một website abc.com và kinh doanh mặt hàng "Lều cắm trại". Như vậy nhiệm vụ của người làm SEO cho doanh nghiệp A là tối ưu hóa website abc.com sao cho khi người dùng search các từ khóa liên quan đến "Lều cắm trại", webiste abc.com sẽ xuất hiện ở vị trí cao nhất trong danh sách kết quả tìm kiếm.

SEO bao gồm 2 công đoạn chính: Tối ưu hóa Onpage (Onpage Optimization) và Tối ưu hóa Offpage (Offpage Optimization). Hocmarketing.org sẽ phân tích kỹ các công đoạn của SEO trong 1 bài viết khác. Dĩ nhiên để có thể bắt đầu quá trình SEO, người làm SEO (SEOer) cần có 1 website hoàn chỉnh.

Ưu điểm:

  • Doanh nghiệp nếu tự thực hiện quá trình SEO sẽ không cần trả bất kỳ khoản phí nào.
  • Mang lại hiệu quả cao về mặt lâu dài, nhờ quá trình SEO, website của doanh nghiệp, cửa hàng cũng sẽ trở nên thân thiện hơn với người dùng.

Nhược điểm:

  • Tốn nhiều thời gian và công sức để thực hiện
  • Doanh nghiệp có thể tốn một khoản phí rất lớn nếu nhờ một đơn vị thứ 3 thực hiện

2. Google Ads (Trước đây là Google Adwords)

Trong những năm gần đây, cùm từ "quảng cáo Google Adwords" đã không còn xa lạ đối với doanh nghiệp hoặc những người làm công việc Marketing. Đây là một hình thức dịch vụ quảng cáo được cung cấp bởi ông lớn Google. Để có triển khai quảng cáo Google Ads, nhà quảng cáo cần có một tài khoản Google và được kích hoạt dịch vụ Google Ads. Khi đó nhà quảng cáo có thể sử dụng tài khoản Google để đăng nhập vào trang quản lý Google Ads và bắt đầu tạo các chiến dịch quảng cáo.

Google Ads - Kênh Marketing Online phổ biến

Các chiến dịch quảng cáo Google Ads nhìn chung có thể chia thành 2 loại:

Chiến dịch quảng cáo trên mạng tìm kiếm (Google Search Network, gọi tắt là GSN): Trong các chiến dịch GSN, quảng cáo sẽ được hiển thị dưới dạng kết quả tìm kiếm ứng với một từ khóa nhất định. Hình thức này tương tự như SEO, chỉ khác ở 2 điểm lớn là, thứ nhất nhà quảng cáo phải trả tiền cho Google cho từng lượt hiển thị/nhấp chuột thay vì miễn phí như SEO, thứ hai là kết quả quảng cáo sẽ được hiển thị ở khu vực riêng so với kết quả tìm kiếm tự nhiên của SEO.

Chiến dịch quảng cáo trên mạng hiển thị (Google Display Network, gọi tắt là GDN): Trong các chiến dịch GDN, quảng cáo sẽ được hiển thị dưới dạng hình ảnh (banner) hoặc text ở các khu vực cho phép đặt quảng cáo, trên các website, ứng dụng được liên kết với Google Display Network. Doanh nghiệp sẽ hoặc trả phí cho mỗi lần hiển thị, hoặc cho mỗi lần nhấp chuột, tùy thuộc vào cách nhà quảng cáo thiết lập chiến dịch.

Ưu điểm:

  • Quá trình thiết lập các chiến dịch quảng cáo nhanh chóng, không tốn nhiều thời gian và công sức so với SEO.
  • Các chiến dịch GSN cho khả năng tiếp cận được đúng đối tượng vào đúng thời điểm mà họ có nhu cầu.
  • Các chiến dịch GDN cho khả năng sàn lọc đối tượng tốt, doanh nghiệp có thể hoàn toàn tiếp cận được đúng các đối tượng mục tiêu.
  • Doanh nghiệp hoàn toàn có thể kiếm soát được quy mô của các chiến dịch quảng cáo, từ đó kiểm soát được chi phí mà mình phải bỏ ra.

Nhược điểm:

  • So với SEO, bạn phải trả phí cho Google.
  • Quá trình thiết lập chiến dịch quảng cáo tương đối phức tạp, nhiều doanh nghiệp hay cửa hàng phải thuê ngoài và trả tiền dịch vụ cho công đoạn này
  • Cần có kiến thức chuyên sâu về marketing, hành vi người dùng trên website để sử dụng hiệu quả
  • Dễ bị đối thủ chơi xấu (Đối thủ thuê người click vào quảng cáo của doanh nghiệp bạn nhằm rút cạn ngân sách của các chiến dịch)

3. Mạng xã hội (Social Network)

Mạng xã hội (Social Networks) - Kênh Marketing Online phổ biến

Đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội đã trở nên "phổ biến đến mức độ phổ thông" trong đời sống xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tính đến tháng 06/2020. Tại Việt Nam đã có hơn 69 triệu tài khoản Facebook, chiếm khoảng 2/3 dân số Việt Nam (96,2 triệu người – số liệu năm 2019, Theo gso.gov.vn). Rõ ràng có thể thấy, mạng xã hội là phương tiện giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận đến đối tượng khách hàng mục tiêu của mình.

Có rất nhiều mạng xã hội đã ra đời và đang hoạt động trên thế giới, nhưng ở Việt Nam chỉ có Facebook (bao gồm Instagram) và Zalo là được sử dụng phổ biến. Do Zalo ra đời sau, chưa thực sự phát triển mạnh và không có nhiều công cụ cho người làm Marketing tùy chỉnh & khai thác, nên trong bài viết này, hocmarketing.org chỉ đề cập đến Facebook

Mô hình hoạt động Marketing trên Facebook gồm các chủ thể sau:

Fanpage: Trang dành cho doanh nghiệp, cửa hàng, là nơi doanh nghiệp có thể đăng tải các thông tin giới thiệu về mình, cũng như các sản phẩm & dịch vụ mà mình đang kinh doanh. Có thể xem Fanpge chính là đại diện cho doanh nghiệp của bạn trên Facebook, nơi các cá nhân có thể tìm đến hỏi thông tin, mua sản phẩm hay dịch vụ.

  • Cá nhân: Là những người dùng cá nhân sử dụng mạng xã hội. Đây là chủ thể mà doanh nghiệp muốn hướng đến
  • Group: Là nơi tập hợp những cá nhân (giống như cộng đồng trong xã hội thực tế) có chung một mối quan tâm, sở thích, mục tiêu... Doanh nghiệp có thể cử các cá nhân tham gia vào các group được đánh giá là có khách hàng mục tiêu để quan sát hành vi, PR hoặc thậm chí là bán được hàng. Hoặc thậm chí doanh nghiệp có thể lập ra các group để thuận tiện cho việc chăm sóc khách hàng, xây dựng một cộng đồng khách hàng trung thành.

Hoạt động Marketing trên Facebook diễn ra dưới 2 dạng hình thức: Không trả phíCó trả phí

  • Không trả phí: Bao gồm hoạt động đăng các bài viết trên Fanpage, Nhắn tin với các cá nhân.
  • Có trả phí: Doanh nghiệp trả tiền cho chính Facebook để bài đăng trên Fanpage, hay thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm & dịch vụ của mình có thể tiếp cận được nhiều đối tượng cá nhân hơn. Hoặc doanh nghiệp có thể thuê các cá nhân có tầm ảnh hưởng (những người nổi tiếng) để đăng tải các thông tin nhằm mục đích quảng bá cho chính doanh nghiệp đó.

Ưu điểm:

  • Khả năng tiếp cận đối tượng mục tiêu cao, tính tương tác tốt
  • Fanpage đóng vai trò như một website thứ 2 của doanh nghiệp, là nơi người dùng mạng xã hội có thể tìm kiếm, tham khảo thông tin về doanh nghiệp sản phẩm của bạn, giúp bạn trao đổi trực tiếp với người dùng.

Nhược điểm:

  • Chỉ phù hợp với thị trường tiêu dùng, chưa phù hợp với thị trường doanh nghiệp

4. Mạng xã hội Video Youtube

Youtube - Kênh Marketing Online phổ biến

Do sự khác biệt về tính năng, cách thức hoạt động nên Hocmarketing.org quyết định tách mạng xã hội Video thành một loại hình kênh Marketing riêng biệt. Dĩ nhiên cái tên nổi bật nhất trong loại hình này không ai khác ngoài Youtube. Tốc độ tăng trưởng về số lượng người dùng của Youtube đang cực kỳ mạnh mẽ. Theo thống kê năm 2020 được thực hiện bởi Graphic Rhythm và Elite Content Marketer, youtube.com là website đứng thứ 2 trên thế giới về số lượng người truy cập, với hơn 2 tỷ người dùng đăng ký mỗi tháng (chiếm hơn 1/3 số lượng người dùng Internet). Chính nhờ đặc tính là mạng xã hội Video, các doanh nghiệp có thể truyền tải thông điệp marketing của mình đến khách hàng mục tiêu một cách thu hút và ấn tượng hơn.

Tương tự như các mạng xã hội khác, hoạt động Marketing trên Youtube có thể phân thành 2 hình thức:

  • Không trả phí: Tồn tại dưới dạng channel riêng của doanh nghiệp, các vlog preview về hoạt động doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, sản phẩm & dịch vụ
  • Có trả phí: Doanh nghiệp trả tiền cho Youtube để các đoạn quảng cáo của doanh nghiệp xuất hiện trong các video của các người dùng Youtube khác đăng tải lên.

Ưu điểm:

  • Thông điệp của doanh nghiệp được trình bày một cách thu hút và ấn tượng

Nhược điểm:

  • Chi phí cho các chiến dịch quảng cáo trả phí trên Youtube cao hơn rất nhiều so với các kênh Marketing Online khác. Doanh nghiệp cũng phải đầu tư vào nội dung video để có được hiệu quả cao

5. Email Marketing

Email Marketing - Kênh Marketing Online phổ biến

Đây là kênh Marketing đã xuất hiện từ lâu khi Internet mới bắt đầu phổ biến. Đây là hình thức Marketing mà doanh nghiệp, cửa hàng thực hiện các chương trình chăm sóc khách hàng, quảng cáo thông qua việc gửi email. Mặc dù Email Marketing không còn được xem trọng so với lúc mới xuất hiện nữa, nhưng kênh Marketing này vẫn chứng tỏ mức độ hiệu quả đối với thị trường doanh nghiệp, nơi các đối tượng mục tiêu Marketing là các thành viên chủ chốt của doanh nghiệp.

Thông qua việc kết hợp với các hệ thống quản lý khách hàng, doanh nghiệp như CRM, ERP... công việc Email Marketing ngày nay được thực hiện một cách dễ dàng hơn trước rất nhiều khi việc gửi email được thực hiện tự động thay vì thủ công như trước đây. Công việc chủ yếu của doanh nghiệp là soạn nội dung phù hợp, sàn lọc đối tượng và lên lịch gửi.

Ưu điểm:

Chi phí thấp

  • Nhờ có sự hỗ trợ của các phần mềm hệ thống, việc triển khai Email Marketing trở nên dễ dàng

Nhược điểm:

  • Chỉ phù hợp với một số thị trường, chủ yếu là thị trường doanh nghiệp

Câu hỏi thường gặp (FAQ)

Google Ads, Facebook Ads và Zalo Ads là các kênh Marketing Online phổ biến nhất hiện nay.
Marketing Online giúp tăng doanh số bán hàng, tăng nhận diện thương hiệu và tiết kiệm chi phí quảng cáo.
Không nên sử dụng quá nhiều kênh Marketing Online cùng lúc vì sẽ gây lãng phí ngân sách quảng cáo và chất lượng hiệu quả không được tốt.
Tối ưu chi phí quảng cáo trên Google Ads bằng cách chọn từ khóa chính xác, tối ưu trang đích và tối ưu hình ảnh quảng cáo.
Facebook Ads cho phép người dùng tùy chỉnh đối tượng nhận quảng cáo và có thể tối ưu hóa quảng cáo theo mục tiêu như tăng lượt truy cập, tăng tương tác và tăng doanh số bán hàng.