Quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua các lĩnh vực nghệ thuật có thể được coi là một cách tăng cường uy tín và sức mạnh trên trường quốc tế đối với mỗi quốc gia. Và trong số này, ngành công nghiệp ẩm thực Hàn Quốc - K-Food đang làm một công việc tuyệt vời trong việc này. Được báo Pháp 20 Minutes gọi là quyền lực mềm thứ hai của Hàn Quốc sau ngành giải trí.
Sức nóng của ngành công nghiệp ẩm thực Hàn Quốc – K-Food
Ngành điện ảnh Hàn Quốc được coi là một trong những lĩnh vực điện ảnh sôi động nhất trên toàn cầu và đã trở thành một yếu tố quan trọng của văn hóa Hàn Quốc. Với mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp phim trực tuyến, Netflix đã chính thức thông báo đầu tư một khoản tiền lên đến 2,5 tỷ USD vào dự án phim truyền hình, điện ảnh và chương trình truyền hình của Hàn Quốc trong vòng 4 năm tới.
Số tiền này lên đến gấp đôi số tiền mà Netflix đã đầu tư vào thị trường Hàn Quốc từ năm 2016 đến nay. Chẳng những vậy, chỉ trong năm 2021, các giám đốc điều hành của Netflix còn dự định đầu tư thêm 500 triệu USD cho công ty sản xuất tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, quyền lực mềm của Hàn Quốc không chỉ dừng lại ở lĩnh vực K-Drama và K-Pop, mà hiện nay quốc gia này còn đang phát triển thêm ngành công nghiệp K-Food.
Theo thông tin từ Tổng công ty Thương mại Nông thủy sản & Thực phẩm Hàn Quốc (aT) và Cục Hải quan Hàn Quốc, xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc trong quý I năm nay (từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023) đã vượt qua con số 200 triệu đô la lần đầu tiên. Tổng giá trị xuất khẩu ước tính đạt 208 triệu đô la, tăng 14,3% so với quý I năm trước là 181,93 triệu đô la. Đáng chú ý là xuất khẩu mì ăn liền vẫn đạt được mức tăng trưởng tích cực trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm chăn nuôi trong cùng giai đoạn giảm 2,0%.
Theo Cục Hải quan Hàn Quốc, xuất khẩu mì ăn liền năm ngoái đã đạt mức cao kỷ lục 765,41 triệu đô la, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước và gấp đôi so với con số 381 triệu đô la từ 5 năm trước (năm 2017).
Tại Châu Âu, Paris hiện đang có số lượng quán ăn Hàn Quốc lớn nhất. Trong 5 năm qua, số lượng quán đã từ 120 tăng lên thành 250 cửa hàng và số lượng khách mua đồ mang đi cũng đã tăng 60%. Vì vậy, Hàn Quốc đang tiếp tục quảng bá ẩm thực tại kinh đô sôi động này.
Nếu trước đây, Hàn Quốc chủ yếu xuất khẩu mì ăn liền đến Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, thì gần đây xuất khẩu sang Châu Á, Bắc Mỹ, Trung Đông và Châu Phi đã tăng lên và mở rộng ra khắp thế giới.
Đáng chú ý, tại Philippines, sự quan tâm đến các loại mì xuất hiện trong các chương trình và phim truyện Hàn Quốc ngày càng tăng cao. Tại Hà Lan, việc phân phối sản phẩm mì ăn liền Hàn Quốc đã được mở rộng, các loại mì như "Shin Ramyun" và "Buldak Ramen" (của Samyang) đã được bày bán tại chuỗi siêu thị lớn nhất địa phương.
Với sự gia tăng đáng kể về mặt hàng xuất khẩu, bao gồm cả mỳ ăn liền có chứng nhận halal, mì tươi và mì udon, Hàn Quốc đang dần leo lên vị trí thứ 4 trong danh sách các quốc gia xuất khẩu mì ăn liền.
Không chỉ ở châu Âu, tại Việt Nam, các món ăn như kim chi, mì cay, cơm cuộn, bánh gạo, cơm trộn, mì tương đen xuất hiện ngày càng nhiều trên màn ảnh và trên những con phố, trong những bữa ăn tự nấu tại nhà và thậm chí có những khu phố dành riêng cho ẩm thực Hàn Quốc.
Chiến lược quảng bá ẩm thực Hàn Quốc bằng việc gửi gắm trong các bộ phim
Sự đánh giá cao văn hoá ẩm thực Hàn Quốc trong ngành giải trí không chỉ là ngẫu nhiên. Việc sử dụng ẩm thực Hàn Quốc trong các bộ phim truyền hình và điện ảnh có mục đích quảng bá văn hoá và thúc đẩy du lịch.
Chẳng hạn như bộ phim "Ký sinh trùng", đã giành giải "Phim hay nhất" tại Lễ trao giải Oscar 2020, đã góp phần thúc đẩy ẩm thực Hàn Quốc. Mặc dù chỉ xuất hiện trong một cảnh nhỏ, món mì trộn có tên Chapaguri, được làm từ hai loại mì khác nhau của công ty Nongshim Hàn Quốc, đã làm mưa làm gió trên toàn thế giới.
Sau khi bộ phim ra mắt, Nongshim đã ra mắt sản phẩm mới tại 20 quốc gia bằng cách kết hợp hai loại mì Chapagetti và Neoguri thành mì "Chapaguri". Món ăn này đã rất thành công, xuất hiện trên kệ hàng của các siêu thị lớn ở Mỹ như Walmart và Kroger. Tổng doanh số bán hàng của sản phẩm này trên toàn cầu đạt 30 tỷ won (25,5 triệu USD).
Ngoài ra, Nongshim cũng đã đăng hơn 10 video công thức trên YouTube và phát miễn phí gói mì tại các rạp chiếu phim Ký sinh trùng. Tổng doanh số bán mì ăn liền của công ty, bao gồm cả thương hiệu nổi tiếng Shin Ramyun, đã đạt 291 triệu USD ở Bắc Mỹ và 314 triệu USD ở Trung Quốc vào năm 2020.
Trong khi đó, chuỗi nhà hàng gà rán BBQ Chicken đã quan tâm đến sự phổ biến của các bộ phim truyền hình dài tập Hàn Quốc trên toàn cầu thông qua các nền tảng phát video trực tuyến. Họ đã bắt đầu tiếp thị sản phẩm của mình qua việc liên kết với những bộ phim này.
Sự phổ biến của bộ phim Hàn Quốc "Crash Landing on You" đã thúc đẩy việc mở rộng chuỗi nhà hàng Genesis BBQ tại Nhật Bản. Bộ phim này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản. Câu chuyện trong phim kể về người lính Triều Tiên yêu thích hương vị của món Gà Ô liu Vàng. Trong một tập phim, các nhân vật đã ăn món gà này tại một nhà hàng trong khi xem trận đấu bóng đá giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Genesis BBQ hiện có tổng cộng 193 chi nhánh tại 17 quốc gia bên ngoài Hàn Quốc. Người phát ngôn của công ty cho biết: "Khách hàng đến nhà hàng của chúng tôi để thưởng thức món Gà Ô liu Vàng xuất hiện trong phim "Crash Landing on You". Dù đã trôi qua hơn một năm kể từ khi phim được phát sóng, chúng tôi vẫn cảm nhận được tác động tích cực từ bộ phim này".
Nổi bật gần đây là bộ phim "Business Proposal" (Hẹn hò chốn công sở) với nội dung xoay quanh ẩm thực Hàn Quốc. Bộ phim kể về khát vọng toàn cầu hóa món kim chi và bánh mandu, món bánh gối của người Triều Tiên, tương tự với món gyoza của người Nhật Bản của một chủ công ty nông thực phẩm. Suốt cốt truyện, các nhân vật chính thường giới thiệu các sản phẩm của công ty Bibigo. Phát hành trực tuyến trên mạng Netflix, bộ phim hài này đã đóng góp vào tăng doanh thu của công ty trong năm 2022.
Bởi vì Hàn Quốc chỉ cho phép quảng cáo 1 phút trong mỗi 30 phút sóng truyền hình, các đài phát sóng địa phương đã lâu nay sử dụng quảng cáo sản phẩm như một nguồn thu nhập thay thế. Hiện nay, họ đã đưa kỹ thuật này ra thị trường quốc tế.
Người phát ngôn của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc, thuộc chính phủ (KOTRA), cho biết: "Khi nội dung giải trí Hàn Quốc tiếp cận được đông đảo khán giả hơn, sự phổ biến của các sản phẩm tiêu dùng Hàn Quốc cũng tăng lên. Các bộ phim truyền hình đã thúc đẩy sự quan tâm của mọi người đối với ẩm thực, mỹ phẩm và thời trang của đất nước chúng tôi".
Nhờ văn hoá giải trí Hàn Quốc nổi tiếng, đất nước xứ hoa anh đào đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng toàn cầu đối với văn hoá và ẩm thực của mình. Năm 2023 được cho là sẽ là một năm mà hương vị Hàn Quốc trở nên phổ biến hơn, và bạn sẽ dễ dàng thấy những sản phẩm này xuất hiện nhiều hơn trong các nhà hàng và kệ hàng tạp hóa.
Hơn nữa, chúng ta có thể nhận thấy rằng Hàn Quốc đã đầu tư đáng kể vào văn hóa của họ. Việc quảng bá ẩm thực Hàn Quốc (K-Food) cũng đã đạt được thành quả nhờ vào sự cố gắng của chính phủ. Từ năm 2008, thủ tướng Hàn Quốc - ông Han Seung-soo đã thiết lập chính sách "toàn cầu hóa ẩm thực Hàn Quốc". Một năm sau đó, Seoul đã khởi động chiến dịch "Ẩm thực Hàn Quốc vươn ra thế giới", với mục tiêu quảng bá rộng rãi các món ăn Hàn Quốc, hy vọng rằng ẩm thực Hàn sớm được thế giới công nhận.
Sự thành công của kim chi và mì Hàn Quốc đã chứng minh rằng văn hóa có thể là một công cụ quan trọng trong kinh tế. Tuy nhiên, các quốc gia khác muốn đạt được thành công như vậy cần phải có chiến lược, dành thời gian, công sức và tiền bạc lớn.
Thanh Thanh – MarketingAI
Tổng hợp