SEO Onpage là gì? Hướng dẫn tối ưu SEO Onpage - Cẩm nang SEO | Phần 1

SEO Onpage là gì? Hướng dẫn tối ưu SEO Onpage - Cẩm nang SEO | Phần 1

Khái niệm SEO Onpage. Hướng dẫn và phân tích chi tiết các công đoạn tối ưu hóa Onpage (SEO Onpage) trong quy trình làm SEO. Vai trò và ý nghĩa của từng công đoạn - Cẩm nang tối ưu SEO - Phần 1

Tổng quan về SEO Onpage

SEO Onpage có vai trò quan trọng ra sao?

SEO là một quá trình dài hạn, trong đó bao gồm 2 giai đoạn chính là tối ưu hóa Onpage (Tối ưu hóa trên trang) và tối ưu hóa Offpage (Tối ưu hóa ngoài trang). Xét về mặt lý thuyết, cả 2 giai đoạn này đều đóng vai trò quan trọng như nhau trong cả quá trình SEO. Nhưng xét về thực tế tối ưu hóa Onpage ngày càng đóng vai trò chính và mang nhiều ý nghĩa hơn. Ngoài mục đích chính là giúp website hiển thị ở vị trí cao trên danh sách kết quả tìm kiếm, tối ưu hóa Onpage còn giúp mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. SEOer chú trọng đến tối ưu hóa Onpage là những người chú trọng đến chất lượng nội dung (content), trải nghiệm của người dùng khi xem trang, cũng như là cung cấp những giá trị tốt đẹp cho khách hàng và cộng đồng.

Tối ưu hóa Onpage trong SEO

Là một lập trình viên, cũng là một SEOer lâu năm kể từ lúc khái niệm SEO bắt đầu xuất hiện, nên trong bài viết này mình sẽ tổng hợp một cách đầy đủ, cũng như chắc lọc những thông tin hữu ích, thiết thực, dễ hiểu nhất, cho những bạn SEOer am hiểu về code, cũng như những bạn không biết gì về code.

SEO Onpage là gì?

SEO Onpage, hay tối ưu hóa Onpage (Onpage Optimization), là tập hợp các công việc tối ưu được thực hiện trực tiếp trên website mà người SEOer muốn tối ưu, giúp website đó trở nên thân thiện với các cổ máy tìm kiếm, cũng như giúp người dùng có thể dễ dàng tìm thấy được website khi họ tìm kiếm một hay nhiều từ khóa nhất định trên các cổ máy tìm kiếm.

SEO Onpage bao gồm những công việc gì?

Tính đến thời điểm hiện tại, quá trình SEO Onpage (Onpage Optimization) bao gồm các công việc chính sau đây: Tối ưu hóa nội dung HTML (Title, Meta Description, URL, Heading...), Tối ưu hóa trải nghiệm (Tốc độ load, Responsive), Tối ưu hóa Google Bot (Robots.txt, Sitemap.xml, Canonical).

A. Tối ưu hóa nội dung HTML

Đối với những bạn vừa là SEOer, vừa là lập trình viên thì HTML là một khái niệm đã rất quen thuộc. Tuy nhiên, đối với những bạn chưa thông thạo về code thì các bạn có thể hiểu rằng tối ưu hóa nội dung HTML cũng đồng nghĩa với việc tối ưu hóa nội dung trang. Một văn bản HTML hoàn chỉnh cũng giống như một văn bản thường ngày, với bố cục gồm tiêu đề, mô tả, các heading, đoạn văn, hình ảnh... chỉ khác biệt ở chỗ HTML được thể hiện dưới dạng các thẻ và cặp thẻ.

Ngày nay, hầu hết các hệ thống quản trị (CMS/Admin Panel) của các website thuộc các nền tảng nổi tiếng như Wordpress, Joomla, Shopify, Sapo, Haravan, WebExpress... đều cung cấp các công cụ tối ưu hóa nội dung HTML bằng giao diện đồ họa trực quan, giúp người quản trị website có thể tối ưu một cách dễ dàng mà không cần biết gì về code.

Tối ưu hóa cặp thẻ title (<title>...</title>)

Cặp thẻ title là phần tử quan trọng đầu tiên cần được tối ưu. Đúng theo nghĩa đen của nó, title chính là tiêu đề của trang (page). Tiêu đề của một trang sẽ cho biết một cách khái quát và ngắn gọn nhất về nội dung chi tiết của trang đó. Khi người dùng truy cập vào trang, nội dung trong cặp thẻ title sẽ xuất hiện ở ngay trên thanh tab của trình duyệt website. Ngoài ra, nội dung của cặp thẻ title cũng hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm của một Search Engine (ví dụ Google).

Nội dung cặp thẻ title trên trang

Nội dung thẻ title trên kết quả tìm kiếm

Nội dung cặp thẻ title trên kết quả tìm kiếm

Để có được một tiêu đề tối ưu, nội dung trong cặp thẻ title phải đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Có nghĩa và khái quát được nội dung của trang (page) mà bạn đang tối ưu
  • Đúng ngữ pháp và chính tả
  • Không quá dài, số lượng ký tự tối ưu nên dưới 60.
  • Có chứa từ khóa mà người dùng sử dụng để tìm kiếm nội dung trang của bạn
  • Có chứa yếu tố thu hút người dùng (chuyên nghiệp, uy tín, mới nhất, đầy đủ nhất...)

Tối ưu hóa thẻ meta description (<meta name="description" content="..."/>)

Nội dung của thẻ meta description tuy không xuất hiện trên giao diện của trình duyệt khi người dùng xem trang, nhưng lại mang ý nghĩa quan trọng không kém so với với title. Khi các crawler (con bọ của các trình duyệt) quét trang của bạn, meta description sẽ cho biết trang của bạn đề cập đến những vấn đề, khía cạnh gì, một cách chi tiết hơn so với title. Ngoài ra, nội dung của meta description cũng xuất hiện trên kết quả tìm kiếm của các search engine, ở vị trí phía dưới title.

Nội dung Meta description trên kết quả tìm kiếm

Nội dung meta description trên kết quả tìm kiếm của Google

Một meta description tối ưu nên thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Mô tả ngắn gọn các nội dung chính được đề cập đến trong trang
  • Đúng chính tả và ngữ pháp
  • Có độ dài dưới 300 ký tự
  • Có chứa từ khóa và những yếu tố liên quan mà người dùng sử dụng để tìm kiếm nội dung trang của bạn

Tối ưu hóa URL

Nói một cách nôm na, URL chính là địa chỉ truy cập đến trang mà bạn đang tối ưu. Một URL sẽ bao gồm 3 thành phần sau đây:

Cấu trúc URL

Ví dụ về cấu trúc 1 URL hoàn chỉnh

  • Phương thức truy cập: Đường dẫn của 1 trang web sẽ thông qua 1 trong 2 phương thức gồm http:// hoặc https://, trong đó https:// được các công cụ tìm kiếm đánh giá cao hơn bởi nó mang đến cho người dùng độ bảo mật tốt hơn so với http://. Để biết website mình có đang dùng phương thức https:// hay chưa, hãy truy cập vào trang và kiểm tra thông tin bên cạnh (trái) địa chỉ trên trình duyệt. Thông thường, một website dùng https:// sẽ có biểu tượng ổ khóa   kèm các thông tin như Conection is secured. Để có thể sử dụng phương thức https://, người dùng cần có một chứng chỉ SSL và cài đặt chứng chỉ này vào hosting của website. Nếu bạn là một người chưa am hiểu về lập trình và server, hãy liên hệ lập trình viên của website đó, hoặc đội ngũ kỹ thuật của nhà cung cấp hosting để được hỗ trợ.
  • Domain (tên miền): Là địa chỉ mà bạn đăng ký với nhà cung cấp tên miền. Trong hầu hết các trường hợp, tên miền của một website sẽ trỏ về trang chủ của website đó.
  • Absolute path (đường dẫn tuyệt đối): Là đường dẫn từ trang chủ đến trang đích (landing page) mà bạn đang tối ưu. Mỗi trang (page) trong một website sẽ có 1 absolute path riêng biệt.

Tiêu chí cho một URL tối ưu bao gồm:

  • Absoulute Path của URL xuất hiện dưới dạng slug - dạng chuỗi ký tự không dấu, với các từ cách nhau bởi dấu gạch nối. Ví dụ /url-cua-ban
  • Tổng độ dài Absolute Path không nên vượt quá 60 ký tự
  • Có chứa từ khóa tìm kiếm ở dạng slug

Tối ưu hóa các cặp thẻ heading

Các cặp thẻ heading (gọi tắt là heading) đóng vai trò như các tiêu đề phụ hiển thị trên nội dung của trang. Crawler của các công cụ tìm kiếm cũng dựa vào các thẻ heading để đánh giá về nội dung chính và trang của bạn đề cập. Có tổng cộng 6 loại heading mà SEOer có thể sử dụng, bao gồm <h1>...</h1>,<h2>...</h2>, <h3>...</h3>, <h4>...</h4>, <h5>...</h5>, <h6>...</h6>, với thứ tự giảm dần theo mức độ quan trọng đối với SEO. Thông thường, các SEOer chỉ sử dụng h1, h2 và h3, trong khi h4h5 thường không xuất hiện trong văn bản HTML hoặc sử dụng cho những mục đích khác.

Cách sử dụng heading tối ưu trên một trang (page) như sau:

  • Chỉ duy nhất một h1 và một h2 xuất hiện trên một trang, và nội dung trong cặp thẻ h1h2 nên chứa từ khóa mà bạn muốn tối ưu
  •  Nên có ít nhất (nghĩa là nhiều hơn) 3 h3 xuất hiện trên một trang, trong đó nội dung của mỗi cặp thẻ h3 là các tiêu đề phụ đại diện cho những ý chính trong của nội dung trang.

Các công cụ soạn thảo của các CMS phổ thông đều cho phép người soạn nội dung có thể định dạng và chỉnh sửa các heading dễ dàng. Để kiểm tra các heading xuất hiện trên trang, các bạn có thể xem source HTML của trang đó, hoặc dùng plugin SEO Quake của Chrome.

Tối ưa hóa thuộc tính alt (mô tả) của thẻ img (<img alt="..."/>)

Tuy chỉ là một yếu tố nhỏ nhưng việc tối ưu thuộc tính alt của các thẻ img (ảnh) nằm trên trang sẽ giúp cho trang của bạn đẹp hơn trong mắt của các search engine, từ đó giúp trang tăng hạng trên kết quả tìm kiếm. Nói một cách nôm na, mỗi ảnh xuất hiện trong văn bản chính là một 1 thẻ img, bên trong thẻ 1 img sẽ chứa 1 thuộc tính alt, đóng vai trò báo cho các Search Engine biết bức ảnh đó nói về nội dung gì. Ngoài ra, việc tối ưu thuộc tính alt còn giúp hình ảnh của trang xuất hiện trên kết quả tìm kiếm của Google Image Search (Công cụ tìm ảnh của Google).

Thuộc tính alt trong thẻ img

Ảnh minh họa ý nghĩa của thuộc tính alt trong thẻ img (ảnh)

Tối ưu hóa nội dung chi tiết

Kể từ thời điểm SEO bắt đầu xuất hiện, việc tối ưu hóa nội dung chi tiết ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Các Search Engine luôn tìm cách tối ưu các thuật toán để cho ra các kết quả có nội dung không chỉ liên quan đến từ khóa tìm kiếm, mà còn là kết quả có nội dung hay, hữu ích, đầy đủ, không trùng lập hay vi phạm bản quyền với những website khác. Nội dung chi tiết của trang thường là các đoạn văn mang ý nghĩa xoay quanh tiêu đề của trang.

Một trang có nội dung chi tiết tối ưu cần:

  • Có ít nhất 500 từ không trùng lập với các trang khác hay website khác
  • Có chứa từ khóa tìm kiếm nhưng phải được lồng ghép một cách tự nhiên trong những câu văn. Tránh trường hợp spam từ khóa trong nội dung.
  • Có nghĩa, được biên soạn theo văn phong tự nhiên (không nên dùng các tool/phần mềm tự soạn nội dung)
  • Trình bày theo bố cục hợp lý sao cho người dùng có thể dễ dàng nắm bắt được các nội dung chính, kích thích người dùng đưa ra hành động (mua ngay, đăng ký ngay, gọi ngay, để lại bình luận...)

B. Tối ưu hóa trải nghiệm trang

Bên cạnh nội dung HTML, các thuật toán của các Search Engine ngày nay còn đưa yếu tố trải nghiệm trang, hay còn gọi là trải nghiệm người dùng trên trang vào việc tính điểm để xếp hạng các kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta coi nhẹ trải nghiệm người dùng. Một website hay trang có trải nghiệm người dùng tốt sẽ giữ chân người dùng ở lại trang được lâu, cũng như khả năng người dùng đó truy cập lại trang sẽ cao hơn. Ngược lại, người dùng sẽ có xu hướng thoát ra nhanh khỏi những trang có trải nghiệm không tốt.

Tối ưu hóa tốc độ load (tải) trang

Tốc độ load trang là yếu tố ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm người dùng. Nếu trang hay website của bạn có tốc độ load quá chậm thì xu hướng bỏ sang 1 trang khác là rất cao, và nhỉ nhiên đó là một điểm trừ trong mắt của các Search Engine như Google.

Tốc độ load (tải) trang

Nếu người dùng truy cập bằng một đường truyền Internet tốt thì website của bạn nên có tốc độ tối ưu như sau:

  • Tốc độ phản hồi: <300ms (<0.3s) → Cách để tăng tốc độ (giảm thời gian) phản hồi: Tối ưu quá trình xử lý code phía server (PHP, ASP, NodeJS...) hoặc nâng cấp server (máy chủ) hay hosting.
  • Thời gian trình duyệt tải về các tài nguyên (ảnh, css, js...) và render (dựng) nội dung hoàn chỉnh: <300ms (<3s) → Cách để tăng tốc độ (giảm thời gian) xử lý: Nén các file ảnh sao cho chúng có dung lượng nhẹ nhất có thể trước khi upload lên website, giảm thiểu các file css và js không cần thiết... và cài đặt cache để trình duyệt lưu lại các tài nguyên cho những lần load tiếp theo.

Tối ưu hóa hiển thị (responsive)

Tối ưu responsive

Ngày nay, xu hướng truy cập website bằng thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone) hay máy tính bảng (tablet) ngày càng nhiều. Tính đến thời điểm hiện nay, trên những trang thống kê về truy cập của các trình duyệt, có 50 - 70% người dùng truy cập bằng thiết bị di động, và xu hướng này vẫn còn đang tiếp tục tăng qua những năm. Nếu website của bạn không được trang bị khả năng responsive (tối ưu hiển thị trên smartphone và tablet), nghĩa là bạn đã bỏ qua một lượng người dùng lớn, cũng như các Search Engine sẽ không ưu tiên hiển thị kết quả của bạn nếu người dùng tìm kiếm trên di động.

C. Tối ưu hóa cho Crawler/Google Bot

Robots.txt

Robots.txt là file giúp các crawler (con bọ) của các Cỗ máy tìm kiếm biết được những đường dẫn (trang) nào mà nó nên quét và đưa vào cơ sở dữ liệu index, những đường dẫn (trang) nào mà nó không nên (bị chặn). Thông thường, các website sẽ đưa các đường dẫn truy cập đến hệ thống quản trị (CMS) như /admin, /wp-admin, /my-webexpress... vào danh sách chặn trong robots.txt. Thông thường đường dẫn đến robots.txt của một trang như sau: domain.com/robots.txt. Ví dụ: hocmarketing.org/robots.txt

Sitemap.xml

Sitemap.xml là file giúp các crawler (con bọ) của các Cỗ máy tìm kiếm có thể dễ dàng tìm và quét được tất cả các trang của website để đưa vào cơ sỡ dữ liệu index. Nếu website của bạn không có chức năng tạo sitemap tự động, bạn có thể sử dụng các công cụ của bên thứ 3 như www.xml-sitemaps.com sau đó tải về máy và upload lên hosting của website.

Mục đích của Canonical là thông báo cho các Cỗ máy tìm kiếm biết rằng không nên index (lập chỉ mục) trang này vì đã có một trang khác mang nội dung trùng lập tồn tại, từ đó tránh rủi ro các công cụ tìm kiếm đánh giá website của bạn có nhiều trang trùng lập tiêu đề, mô tả hay nội dung. Thông thường, canonical được áp dụng vào các phân trang (pagination).

Structured Data (dữ liệu có cấu trúc)

Google đã giới thiệu về Structured Data (dữ liệu có cấu trúc) trong nhiều năm nay. Mục đích của Strucured Data là tối ưu hiển thị nội dung trên kết quả tìm kiếm, ứng với từng mục đích cụ thể.  Ví dụ Review Snippet: Product giúp người dùng có thể xem các thông tin liên quan đến sản phẩm tìm kiếm như ảnh, giá bán, đánh giá...

Đường link để tra cứu tất cả các dữ liệu có cấu trúc trên website của Google: https://developers.google.com/search/docs/data-types/article

Câu hỏi thường gặp (FAQ)

SEO Onpage là một phương pháp tối ưu hóa website để tăng cường khả năng hiển thị trên kết quả tìm kiếm của các công cụ tìm kiếm.
SEO Onpage giúp tăng cường tính tương tác của website với công cụ tìm kiếm, tăng khả năng hiển thị trên kết quả tìm kiếm và thu hút lượng khách truy cập từ các từ khóa liên quan.
Các yếu tố cần tối ưu trong SEO Onpage bao gồm: tiêu đề trang, thẻ meta, URL, bố cục nội dung, từ khóa, hình ảnh, đường dẫn nội bộ và tốc độ tải trang.
Để tối ưu SEO Onpage, bạn cần thực hiện các hoạt động như: phân tích từ khóa, tối ưu tiêu đề trang, thẻ meta, bố cục nội dung, tối ưu hình ảnh, đường dẫn nội bộ và tối ưu tốc độ tải trang.
SEO Onpage tập trung vào tối ưu hóa nội dung và các yếu tố trên trang web, trong khi SEO Offpage tập trung vào các hoạt động bên ngoài trang web để tăng cường khả năng hiển thị trên kết quả tìm kiếm.