Đối với bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào thì yếu tố bền vững luôn là điều mà mọi người hướng đến. Trong marketing, để triển khai chiến lược Marketing bền vững (Sustainable Marketing) không phải là điều dễ dàng. Các marketers cần hiểu rõ bản chất của chiến lược này và lý do vì sao doanh nghiệp nên theo đuổi Marketing bền vững. Hơn hết, các nguyên lý Marketing bền vững nào có thể giúp doanh nghiệp phát triển nhanh chóng và thu hút khách hàng? Trong bài viết sau đây, hocmarketing.org sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Sustainable Marketing (Marketing bền vững) là gì?
Sustainable Marketing (Marketing bền vững) là chiến lược marketing hướng đến việc tạo ra giá trị và lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng và xã hội. Với chiến lược marketing này, doanh nghiệp tạo ra sản phẩm và giá trị thương hiệu gắn liền với trách nhiệm dành cho xã hội và môi trường.
Vì sao Sustainable Marketing (Marketing bền vững) lại quan trọng?
Hiện nay, các thương hiệu đang nỗ lực để trở nên thân thiện hơn với môi trường và góp phần phát triển xã hội nhiều hơn thông qua các hoạt động Marketing bền vững. Sau đây là những lý do khiến Marketing bền vững ngày càng quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp:
1. Khách hàng ngày càng quan tâm đến tính bền vững của sản phẩm
Tính bền vững của một sản phẩm là những giá trị, lợi ích hay tác động tích cực mà sản phẩm mang đến cho khách hàng và cộng đồng trong dài hạn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có 47% người tiêu dùng rời bỏ các thương hiệu không có quan điểm về tính bền vững, trong đó có 17% người tiêu dùng không bao giờ quay trở lại. Và cứ 10 người tiêu dùng thì có đến 8 người quan tâm đến tính bền vững của sản phẩm. Không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới, mọi người đang dần quan tâm đến những ảnh hưởng của lối sống sinh hoạt đối với cộng đồng và môi trường.
Ngoài ra, ý thức bảo vệ môi trường xung quanh đã và đang tác động đến suy nghĩ và hành vi tiêu dùng của khách hàng. Vì vậy, phương thức Marketing bền vững cũng trở nên quan trọng hơn đối với sự thành công của doanh nghiệp và nắm vai trò định hướng phát triển cho thương hiệu.
2. Giúp nâng cao nhận diện thương hiệu
Thông thường, khi chọn lựa một sản phẩm thì đầu tiên khách hàng sẽ liên tưởng đến những thương hiệu mà họ thích. Nếu một thương hiệu gắn liền với chiến lược Marketing bền vững thì thương hiệu ấy sẽ dễ dàng được cộng đồng chú ý và đón nhận. Từ đó, khách hàng cũng có thiện cảm đối với thương hiệu và liên tưởng đến thương hiệu nhiều hơn. Bên cạnh đó, tần suất khách hàng nhắc đến thương hiệu cũng nhiều hơn và những bình luận tích cực có thể giúp thương hiệu được nhiều người biết đến và yêu thích.
3. Góp phần thay đổi cộng đồng tích cực hơn
Thực tế, Sustainable Marketing đòi hỏi doanh nghiệp phải có trách nhiệm như một công dân. Các hoạt động marketing không chỉ quảng bá hình ảnh và truyền thông thương hiệu mà còn phải có ý nghĩa nhân văn, lan tỏa thông điệp tích cực, bảo vệ môi trường lâu dài và giảm thiểu tác hại đến môi trường. Vì lẽ đó, Sustainable Marketing giúp cho mỗi khách hàng hiểu thêm về trách nhiệm đối với xã hội và góp phần bảo vệ môi trường.
4. Tiếp cận thị trường mới
Marketing bền vững giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được thị trường mới - nơi có những khách hàng yêu thích sản phẩm thân thiện với môi trường. Như vậy, nhờ vào lượng khách hàng tăng thêm và lượng khách hàng trung thành vốn có mà doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.
5. Giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài
Thông qua các chiến lược dài hạn, được suy nghĩ kỹ lưỡng, Marketing vững có thể mang lại những sản phẩm có giá trị cao hơn và gia tăng lượng khách hàng trung thành. Một chiến lược Marketing bền vững sẽ cho phép bạn có thời gian để thiết lập doanh nghiệp của mình và duy trì doanh số bán hàng mà không trở thành mốt nhất thời. Đây cũng là điều mà Kevin Roberts, Nguyên Giám đốc điều hành của Saatchi & Saatchi, gọi là 'Lovemarks' - lòng trung thành vượt ra ngoài lý trí. Khái niệm này liên quan đến việc thành công lâu dài được tạo nên dựa trên các nguyên tắc: giá trị thương hiệu kết hợp giá trị của người tiêu dùng.
Ví dụ về các hoạt động Marketing bền vững
Marketing bền vững đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo nên các ý tưởng thiết thực hơn so với marketing truyền thống. Song, yếu tố cốt lõi vẫn là tính minh bạch và thực tiễn trong cam kết của doanh nghiệp. Dưới đây là một vài ví dụ về hoạt động Marketing bền vững mà các doanh nghiệp đã áp dụng:
- Thiết lập dây chuyền sản xuất vật liệu tái chế: Các doanh nghiệp vận hành dây chuyền chuyên sản xuất vật liệu tái chế (như giấy, vải,...) để tạo ra các sản phẩm khác. Việc này giúp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu và giảm lượng rác thải ra môi trường.
- Bao bì, vật liệu cấu thành sản phẩm thân thiện với môi trường: Bao bì là thứ trước tiên mà người tiêu dùng nhìn thấy. Do vậy nếu một thương hiệu tuyên bố định hướng Marketing bền vững nhưng bao bì không thể hiện được cam kết ấy thì có thể người dùng sẽ không mua sản phẩm của bạn.
- Sản phẩm có chất liệu tự nhiên và dễ phân hủy: Hệ thống chuỗi các siêu thị Co.op mart, Saigon Co.op, siêu thị Big C, cửa hàng Bách Hóa Xanh, Vinmart+… đã chủ động dùng túi vi sinh phân hủy để đựng hàng hóa, thực phẩm. Ngoài ra, nhiều cửa hàng còn sử dụng sản phẩm tự nhiên (các loại lá tự nhiên có bản to, rộng như lá chuối, lá sen…) để gói, bọc thực phẩm.
- Chính sách đổi trả: Điển hình là Apple với chiến lược Reverse Logistics - nhận lại các sản phẩm, linh kiện cũ để tái chế và tái sử dụng, giảm thiểu tối đa lượng rác thải điện tử khó phân hủy ra ngoài môi trường.
- Sản phẩm sử dụng nguồn năng lượng sạch: Đây có thể là năng lượng điện hoặc năng lượng mặt trời. Ví dụ như Vinfast - thương hiệu xe hơi dùng điện để hoạt động.
-
Sản phẩm/dịch vụ góp phần nâng cao tri thức nhân loại: Thông qua sản phẩm/dịch vụ của công ty, khách hàng có thể nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi tiêu và giảm thiểu chất thải ra môi trường. Ví dụ, sản phẩm Tide Coldwater Clean là loại bột giặt loại bỏ vết bẩn hiệu quả, và chiến dịch marketing của Tide còn chỉ ra cách để người tiêu dùng tiết kiệm hóa đơn điện nước của họ đến 50% vì không cần giặt quần áo bằng nước ấm.
Các nguyên lý Marketing bền vững
Để các hoạt động Marketing bền vững đạt hiệu quả cao nhất và thể hiện đúng thông điệp của thương hiệu, doanh nghiệp cần lưu ý 4 nguyên lý sau đây:
1. Consumer-oriented marketing (Marketing hướng đến người tiêu dùng)
Đây là một chiến lược ưu tiên quan tâm đến nhu cầu của người tiêu dùng và hành vi của họ để doanh nghiệp triển khai hoạt động phù hợp với người tiêu dùng và làm cho họ trung thành với thương hiệu. Nguyên lý này bao gồm các hoạt động:
- Tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng
- Đánh giá phản hồi của họ
- Tập trung vào dịch vụ khách hàng
- Thay đổi hoạt động kinh doanh theo nhu cầu của người tiêu dùng
Một ví dụ điển hình cho nguyên lý Consumer-oriented Marketing là Apple. Thực tế, Apple luôn cho ra mắt những sản phẩm mới thỏa mãn được nhu cầu và mong muốn của khách hàng trước khi họ bộc bạch về nhu cầu của mình. Apple phát triển iPod ngay trước khi khách hàng nhận ra là mình muốn có một thiết bị nhỏ gọn để nghe nhạc, thay vì máy nghe nhạc CD khá cồng kềnh. Không những vậy, Apple còn áp dụng chiến lược thu hồi linh kiện, sản phẩm cũ để tái chế và tái sử dụng. Có thể thấy, đây là doanh nghiệp tiên phong theo đuổi Marketing bền vững trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử.
Như vậy, nguyên lý này đòi hỏi các marketers sẽ chuyển trọng tâm từ việc bán một sản phẩm sang việc tạo ra những gì đó khách hàng cần và mong đợi. Đặc biệt, nguyên lý Consumer-oriented Marketing trong hoạt động Marketing bền vững còn giúp người tiêu dùng cảm nhận rằng mình đang góp phần vào các hoạt động marketing đầy ý nghĩa của doanh nghiệp.
2. Customer value marketing (Marketing giá trị)
Customer value (Giá trị khách hàng) là lợi ích mà khách hàng nhận được từ việc tiêu dùng sản phẩm. Doanh nghiệp có thể xác định được giá trị khách hàng thông qua giá trị thực tế và giá trị cảm nhận.
- Giá trị thực tế là những lợi ích khách có được sau khi tiêu dùng sản phẩm.
- Giá trị cảm nhận là sự so sánh giữa lợi ích hữu hình mà sản phẩm mang lại với chi phí phải trả.
Nếu giá trị thực tế nhiều hơn giá trị cảm nhận thì giá trị của khách hàng rất cao và ngược lại.
Vì vậy, nguyên lý Customer value marketing đòi hỏi doanh nghiệp cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm/dịch vụ, hình ảnh thương hiệu uy tín, chính sách bảo hành, đổi trả, dịch vụ chăm sóc khách hàng,... để tạo nên giá trị thực tế cao dành cho khách hàng. Và đặc biệt, giá cả phải phù hợp với giá trị thực tế. Bởi giá cả là thông số mà khách hàng sử dụng để đánh giá các đối thủ cạnh tranh tương tự. Nếu những sản phẩm tương tự có cùng giá trị cảm nhận thì khách hàng sẽ cân nhắc đến mức chi phí phải trả để xác định giá trị mà mình nhận được. Nói cách khác, giá trị khách hàng có thể khác nhau dựa trên giá bán.
3. Innovative marketing (Marketing đổi mới)
Innovative marketing là một tập hợp các quy trình và hoạt động đổi mới nhằm quảng bá sản phẩm và dịch vụ mới cho một nhóm người tiêu dùng mục tiêu. Đổi mới trong Marketing bền vững là một hoạt động liên quan đến những ý tưởng mới có tác động tích cực đến xã hội và thị trường. Các chiến lược marketing đổi mới cho phép các marketers theo dõi hiệu suất để thay đổi các chiến lược để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Ví dụ như L'Oreal với ứng dụng “L’Oreal Makeup Genius” đã tạo nên trải nghiệm hoàn toàn mới lạ cho khách hàng và giúp họ tiết kiệm thời gian và công sức khi cân nhắc các sản phẩm. Họ có thể sử dụng điện thoại thông minh để trang điểm và thử những sản phẩm khác nhau của L’Oreal ở bất kỳ nơi đâu. Đồng thời, ứng dụng còn giúp khách hàng thử nhiều kiểu trang điểm khác nhau và lưu lại hình ảnh để cân nhắc xem bản thân phù hợp với kiểu nào. Đặc biệt, ứng dụng đột phá này khắc họa chính xác hình ảnh người dùng để khách hàng chọn được sản phẩm trang điểm và phong cách trang điểm phù hợp với bản thân. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và giúp họ chọn được sản phẩm phù hợp một cách thuận tiện nhất.
4. Sense-of-mission marketing (Marketing theo sứ mệnh)
Sense-of-mission marketing về cơ bản là một nguyên tắc đòi hỏi doanh nghiệp phải xác định sứ mệnh của mình đối với xã hội thay vì chỉ đơn thuần là định hướng sản phẩm. Nguyên lý marketing này đã hình thành những chiến dịch marketing có mục tiêu cao cả và mang tinh thần trách nhiệm xã hội như cải thiện môi trường sống, nâng cao vị thế thương hiệu quốc gia, thương hiệu vì cộng đồng.
Ví dụ: Dove với sứ mệnh là khám phá “Vẻ đẹp thực sự” và giúp phụ nữ hạnh phúc với con người thật của họ. Hoạt động marketing của Dove tập trung vào hình ảnh những phụ nữ tự tin và táo bạo thuộc mọi kiểu người ở mọi lứa tuổi chứ không phải hình ảnh những người mẫu. Chính sự thấu hiểu tâm lý khách hàng một cách sâu sắc và sứ mệnh cao cả “Vì sự tự tôn của phụ nữ”, Dove đã mang đến chiến dịch marketing truyền cảm, tạo ảnh hưởng tích cực đến tâm lý khách hàng và lan truyền thông điệp ra toàn cầu.
Tổng kết
Mục tiêu của Sustainable Marketing là tạo ra giá trị thiết thực cho xã hội và nhận được sự yêu mến từ khách hàng. Ngày nay các hoạt động bảo vệ môi trường và lợi ích cộng đồng đang được cả thế giới quan tâm. Do đó, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần xem Marketing bền vững là một giá trị đang theo đuổi, thay vì xem đó là một xu hướng. Chỉ khi doanh nghiệp nghĩ rằng yếu tố bền vững là giá trị và trách nhiệm cần hướng đến, thì mọi hoạt động marketing thể hiện đúng bản sắc riêng và thu hút.