Theo thông tin từ CNBC, bán hàng trực tiếp qua livestream đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc khi ngành thương mại điện tử truyền thống đang giảm sút, ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái kèm theo, từ công nghệ thực tế ảo đến gói cước Internet điện thoại.
Theo số liệu từ McKinsey, doanh số bán hàng trực tiếp qua livestream đã tăng 19% trong mùa lễ hội độc thân tháng 11/2023, trong khi doanh số bán hàng thương mại điện tử truyền thống lại giảm 1% so với cùng kỳ.
Sự tương phản này cho thấy sự chuyển đổi vị thế đang diễn ra khi bán hàng trực tiếp trên mạng trở thành ưu tiên chính thay vì truyền thống mua bán trực tuyến.
Kể từ sau đại dịch Covid-19, vô số nhà bán lẻ Trung Quốc đã tuyển dụng những nhân viên bán hàng trực tiếp trên mạng để quảng bá hàng hóa thay vì tập trung vào việc bán hàng truyền thống. Nhiều "ngôi sao bán hàng" trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm và thậm chí còn trở thành triệu phú nhờ bán hàng trực tiếp trên mạng.
"Bán hàng trực tuyến qua livestream tại Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới với tốc độ không một quốc gia nào có thể so sánh", chuyên gia Daniel Zipser của chi nhánh McKinsey tại Châu Á nhấn mạnh.
Sự bùng nổ của hình thức livestream bán hàng này đã thúc đẩy hàng loạt chuỗi cung ứng và kinh doanh liên quan, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho hình thức này. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ sử dụng các nhân vật bán hàng ảo do AI thiết kế để tiến hành livestream bán hàng trực tuyến. Công nghệ này có ưu điểm vượt trội về tiết kiệm chi phí nhân lực, cũng như livestream liên tục mà không cần mệt mỏi hay gặp sự cố về sức khỏe.
Tuy nhiên, livestream thực tế ảo vẫn có nhược điểm là tương tác kém với người xem trực tuyến, nhưng đang dần được cải thiện.
"Chất lượng của các buổi livestream thực tế ảo ngày càng được cải thiện khi người dẫn chương trình ảo trông ngày càng thực tế hơn và tương tác tốt hơn," chuyên gia phân tích Xiaofeng Wang của Forrester nhận định.
Theo bà Wang, việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp các doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho việc bán hàng trực tuyến thông qua phát sóng trực tiếp. Điều này còn không kể đến việc nếu những người bán hàng này gặp vấn đề hoặc bị cấm phát sóng, sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến thương hiệu.
Theo báo cáo của CNBC, nguy cơ thất nghiệp của những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao đang tăng lên do nhiều công ty lớn đang sử dụng công nghệ mới. Ví dụ, Tencent vừa ra mắt dịch vụ trực tuyến AI livestream, chỉ cần 3 phút video và 100 câu kịch bản từ người dùng là đã có thể chào hàng liên tục trực tuyến.
Ngoài ra, hãng cũng giới thiệu nền tảng Zen Video mới cho phép người bán tạo ra video sử dụng nhân vật ảo để quảng bá sản phẩm trên Internet.
Để tăng cường sự tương tác, nhiều hãng còn tích hợp ứng dụng như ChatGPT để trả lời tự động trong các buổi trình diễn trực tiếp.
JD đã hợp tác với hãng Yanxi để phát triển nền tảng livestream ảo với hơn 4.000 nhãn hàng trong ngày lễ độc thân vừa qua. Dịch vụ này có thể livestream liên tục trong 28 tiếng mà không cần nghỉ ngơi.
Baidu, công cụ tìm kiếm lớn nhất tại Trung Quốc, cũng đã ra mắt nền tảng "Huiboxing" và "Youxuan" sử dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện khoảng 17.000 đợt bán hàng trực tuyến livestream trong đợt lễ độc thân tháng 11/2023.
Một số doanh nghiệp như hãng điện tử Suning cho biết các buổi livestream bán hàng dùng AI của họ thu về đến hơn 3 triệu Nhân dân tệ tổng giá trị giao dịch (GMV) chỉ trong 1 ngày.
Hãng tin CNBC cho hay sự bùng nổ bán hàng livestream đã tác động cả đến dịch vụ Internet viễn thông. Các tập đoàn như China Unicom hay China Mobile đã tung ra các gói dịch vụ Internet nhắm đến livestream cho người dùng thay vì chỉ mạng xã hội hay chơi game như trước đây.
Với ưu điểm của mạng 5.5G, người dùng ở Trung Quốc lý thuyết có thể tải về nhanh hơn gấp 10 lần so với mạng 5G thông thường, giúp việc xem livestream trở nên thuận lợi hơn.
Trung Quốc bắt CEO nền tảng Livestream 163 triệu người dùng, phanh phui trò "lừa mình dối người"