Lịch sử ghi nhận hình xăm (hay đúng hơn là dạng thức nguyên thủy của hình xăm) xuất hiện vào thời điểm 5000 năm trước Công Nguyên tại Nhật Bản khi người Nhật vẽ lên mặt các bức tượng đất nung của họ những hình thù giống như hình xăm. Một khảo cứu khác tại Trung Hoa lại cho thấy, hình xăm xuất hiện tại Đại Lục từ thế kỷ thứ 3 sau Công Nguyên. Ở thời điểm đó, đàn ông già trẻ nam phụ lão ấu đều xăm mặt và cơ thể của mình. Ngay cả trong lịch sử Việt Nam, hình xăm cũng được ghi nhận là xuất hiện từ xa xưa (sách Lĩnh Nam chích quái - phần Hồng Bàng thị truyện) như một tập tục chính thống, rồi kéo dài tới thế kỷ thứ XIII - đầu thế kỷ XIV mới chấm dứt.
Tuy nhiên, theo thời gian, loại hình này dần biến tướng và thường được gắn với gái làng chơi, tù nhân, trộm cướp, băng đảng yakuza… Vào thế kỷ thứ 7, người Nhật sử dụng hình xăm (irezumi) để “đánh dấu” & trừng phạt những người được nhận diện là ngoài vòng pháp luật. Theo dòng phát triển của lịch sử thế giới, hình xăm tại châu Âu cũng trở thành một nét đặc trưng của thủy thủ, cướp biển... Những định kiến thiếu thiện cảm đeo đuổi hình xăm suốt hơn 10 thế kỷ, thậm chí tại 1 số quốc gia, hình xăm còn bị liệt vào hàng “quốc cấm”. Phải đến khoảng thế kỷ 18 - 19, khi việc thông thương giữa các châu lục trở nên phổ biến, các nền văn hóa dần có sự giao thoa cần thiết để thúc đẩy sự phát triển chung, việc xăm hình mới dần được chấp nhận lại thông qua những salon, tiệm xăm của các nghệ sĩ rải rác khắp nơi. Nhưng nhìn chung, kể cả đến thời điểm đó, nó vẫn là một thứ nghệ thuật không dành cho số đông.
Chuyến viễn du của cái tôi độc bản trong thời trang
Thiết kế có hoạ tiết hình xăm của Issey Miyake
Vào năm 1971, Issey Miyake đã gây ấn tượng mạnh đối với ngành công nghiệp thời trang Nhật Bản và thế giới bằng cách đưa hình xăm lên sàn diễn BST Thu/Đông của mình tại New York. Mặc dù việc xăm hình đã được phép tại Nhật Bản từ năm 1948, nhưng nó vẫn bị coi là liên quan chặt chẽ đến các băng đảng yakuza. Issey Miyake, một nhà thiết kế tiên phong, muốn sử dụng các biểu tượng và hình ảnh phản kháng trong xã hội (và chính trị) của thời điểm đó để mang thời trang cao cấp đến gần hơn với công chúng chứ không chỉ phục vụ tầng lớp thượng lưu.
Hành động của Issey Miyake vào năm 1971 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho việc đưa hình xăm vào ngành công nghiệp thời trang, mở đường cho một cuộc cách mạng trong tương lai với những nhà thiết kế huyền thoại như Jean Paul Gaultier, Martin Margiela, Rei Kawakubo...
Thiết kế trong bộ sưu tập Couture 2014 của Martin Margiela mang tính độc đáo và đậm chất cá nhân.
Sau những thành công đáng kể của Issey Miyake, Martin Margiela và Jean Paul Gaultier cũng đã áp dụng hình xăm vào các thiết kế của mình. Từ năm 1989 và 1994, họ trình diễn những bộ sưu tập độc đáo và đầy sáng tạo. Các thiết kế này đều lấy cảm hứng từ những hình xăm ban đầu và được thể hiện thông qua chất liệu mỏng nhẹ ôm sát vào da thịt của người mặc. Các nhà thiết kế trẻ sau này đã sử dụng các kỹ thuật in hoặc thêu trực tiếp trên vải để tái hiện chân thực những hình xăm này.
Những mẫu thiết kế "áo xăm" đình đám trong hai bộ sưu tập này đã trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ học tập. Cụ thể, trong bộ sưu tập Xuân/Hè 2015 của Comme des Garcons Homme Plus, nhà thiết kế Rei Kawakubo đã đưa ra một số biến thể của áo xăm dưới dạng áo chui đầu và áo cardigan. Trong bộ sưu tập thời trang nam Xuân/Hè 2017 của Junya Watanabe, một số người mẫu đã xuất hiện trên sàn diễn với những hình xăm giả rõ ràng trên các bộ phận có thể nhìn thấy (như cổ, mặt, ngực, tay...).
Những thiết kế này được tìm thấy trong bộ sưu tập Xuân 1994 của Jean Paul Gaultier.
Kendall Jenner diện một thiết kế với họa tiết hình xăm của Jean Paul Gaultier.
Cần chú ý rằng, đối với nhà thiết kế Junya Watanabe, hình xăm mang ý nghĩa của một loại đồng phục, giúp truyền tải thông điệp mạnh mẽ và thể hiện tính chất punk & gangster của bộ sưu tập. Trong bộ sưu tập Xuân/Hè 2019 của Vetements (thời kỳ tương đối yên bình), Demna Gvasalia đã giới thiệu một thiết kế áo phông in hình xăm lấy cảm hứng trực tiếp từ bộ sưu tập năm 1989 của Martin Margiela. Phần hình ảnh trên chiếc áo này được Demna thiết kế dựa trên họa tiết hình xăm đặc trưng của các tù nhân người Nga (tham khảo Russian Criminal Tattoo Encyclopedia).
Khi khách hàng xem mẫu thiết kế này trên ứng dụng của Vetements năm đó, họ sẽ được chuyển hướng trực tiếp đến một trang Wikipedia về lịch sử thanh lọc sắc tộc của người Georgia tại vùng Abkhazia. Demna, một người Georgia, đã sử dụng thời trang để thể hiện quan điểm về các vấn đề xã hội - chính trị trong sự nghiệp của mình.
Trong BST Xuân/Hè 2019 của Vetements, Demna Gvasalia đã giới thiệu một thiết kế tattoo top lấy cảm hứng trực tiếp từ BST năm 1989 của Martin Margiela.
Những ngôi sao và những người nổi tiếng thường xuyên sử dụng hình xăm như một cách để tạo dựng thương hiệu cá nhân và khẳng định bản sắc riêng của họ. Có thể kể đến những ngôi sao như Angelina Jolie, Megan Fox, Cheryl Cole, Rick Genest, và cả những idol Kpop như Jungkook (BTS), Lisa (BLACKPINK), Chaeyong (TWICE) đã dần thoát ra khỏi những rào cản truyền thống để thể hiện cá nhân hóa của mình thông qua hình xăm. Điều này cho thấy hình xăm ngày nay đã trở thành một loại nghệ thuật cá nhân được chấp nhận rộng rãi trong xã hội.
Nhìn kỹ hơn, ta có thể thấy rằng hình xăm đã trở thành một phần của thời trang và đã được các nhà thiết kế thời trang và các thương hiệu "sinh ra ở địa phương" Việt Nam sử dụng và phát triển trong những năm qua. Có thể kể đến những thiết kế nổi bật như áo Born this Way của DATT được ưa chuộng bởi các ngôi sao, hay bộ sưu tập "Cận Thị" Thu/Đông 2023 mới nhất của Duc Studio. Nhờ việc không ngừng tìm kiếm các chất liệu phù hợp (như lưới, polyster, thun lạnh...) và sử dụng các hình xăm truyền thống của văn hóa Á Đông (như cá chép, rồng cuốn, hổ chầu...), các nhà thiết kế thời trang Việt đã và đang đưa ngành công nghiệp thời trang trong nước tiến gần hơn tới thị trường quốc tế, đồng thời vẫn giữ được bản sắc riêng. Tất cả đều bắt nguồn từ nghệ thuật xăm hình.
Bộ sưu tập S/S 2023 của Duc Studio