Khái niệm R&D
R&D là viết tắt của cụm từ Research and Development, thường được dùng để ám chỉ hoạt động nghiên cứu và phát triển hoặc bộ phận/phòng ban nghiên cứu và phát triển trong một công ty hay tổ chức, với mục tiêu cho ra đời những sản phẩm mới, công nghệ mới... nhằm nâng cao tính cạnh tranh, năng suất, doanh thu và lợi nhuận của công ty hay tổ chức đó.
Phòng ban R&D đầu tiên xuất hiện vào năm 1980, tại công ty Edison General Electric. Đúng vậy, bạn không nghe nhầm đâu, đây là công ty của nhà phát minh ra bóng đèn điện, Edison.
Ngày nay, R&D có mặt ở hầu hết các công ty sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ (sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, máy tính, điện thoại, phương tiện vận chuyển, phần mềm...)
Vai trò (nhiệm vụ) của R&D trong doanh nghiệp
Nghiên cứu & phát triển sản phẩm mới
Phát triển sản phẩm mới luôn là vai trò phổ biến của R&D tại hầu hết các công ty. Sản phẩm mới được đưa vào nghiên cứu thường sẽ kế thừa những ưu điểm của sản phẩm cũ, khắc phục nhược điểm của sản phẩm cũ, cũng như sỡ hữu những tính năng mới mà sản phẩm cũ không có, dựa trên công nghệ mới tại thời điểm nghiên cứu.
Nghiên cứu quy trình, công nghệ sản xuất mới
Quy trình, công nghệ sản xuất mới cũng là yếu tố luôn có mặt trong các kế hoạch công việc của phòng R&D. Xét về mặt tổng thể, quy trình & công nghệ sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí, nguồn lực và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp đó. Chính vì thế, việc nghiên cứu ra một quy trình mới, công nghệ sản xuất mới có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, nguồn lực, cũng như gia tăng được năng suất sản xuất luôn là cần thiết đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào.
Đo lường chất lượng sản phẩm
Có thể ai cũng biết rằng chất lượng sản phẩm là một trong những vũ khí tối thượng giúp doanh nghiệp cạnh tranh, tồn tại và phát triển lâu dài trên thương trường. Tuy nhiên, việc xác định được chính xác và toàn diện chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp (độ bền, độ ổn định, thiết kế, tính năng, hiệu năng, trải nghiệm, tác dụng phụ...) và so sánh nó với với chất lượng sản phẩm cùng loại đến từ những đối thủ cạnh tranh khác không phải là điều dễ dàng. Và phòng ban đảm nhận nhiệm vụ này chính là R&D.
Nghiên cứu cải thiện chất lượng sản phẩm
Một số doanh nghiệp kinh doanh những sản phẩm có chu kỳ sống dài hạn như thực phẩm, dịch vụ Internet, vận chuyển... sẽ luôn cần đến quá trình cải thiện chất lượng sản phẩm mà mình đang kinh doanh để duy trì khả năng cạnh tranh của chúng trên thị trường, cũng như giúp doanh nghiệp giữ vững được lượng khách hàng ổn định. Chính vì thế, bộ phận R&D của những doanh nghiệp này sẽ cần phải nghiên cứu và xác định những nhược điểm tồn tại trong sản phẩm của doanh nghiệp, và cách để khắc phục những nhược điểm đó, cũng như bổ sung thêm những tính năng khác cho sản phẩm đó.
Tầm quan trọng của R&D trong kinh doanh và Marketing
- R&D giúp tạo ra sự đột phát trong chất lượng sản phẩm, tạo ra lợi thế cạnh tranh khó có thể bắt kịp bởi những đối thủ
- R&D giúp nâng cao năng lực, tiết giảm chi phí sản xuất
- R&D hỗ trợ thực hiện các cuộc nghiên cứu Marketing, cung cấp những thông tin vô cùng quý giá cho Marketing thông quá trình phân tích và xử lý dữ liệu
- R&D góp phần định hình chiến lược, kế hoạch Marketing trong dài hạn thông qua các dự báo về sản phẩm, công nghệ mới.
Các công việc phổ biến (mô tả công việc) của bộ phận R&D
Tham mưu về ý tưởng sản phẩm mới
Ý tưởng về sản phẩm mới không nhất thiết phải luôn đến từ bộ phận R&D, mà nó có thể đến từ bất kỳ bộ phận, thành viên nào trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, vai trò tham mưu của R&D rất quan trọng bởi R&D sẽ giúp doanh nghiệp biết được ý tưởng đó liệu có khả thi hay không, chi phí bỏ ra khoảng bao nhiêu, tốn khoảng bao lâu để có kết quả đầu tiên.
Tiến hành phát triển sản phẩm mới theo ý tưởng đã đề ra
Sau khi doanh nghiệp đã thống nhất về ý tưởng sản phẩm mới, R&D sẽ đưa ý tưởng này vào quá trình nghiên cứu và phát triển. Tuỳ đặc điểm sản phẩm, môi trường và nguồn lực mà quá trình phát triển có thể dài hoặc ngắn. Bộ phận R&D sẽ đề xuất chi phí (ngân sách) cho cuộc nghiên cứu và đưa ra các mốc thời gian đánh dấu các giai đoạn của cuộc nghiên cứu này.
Tìm hiểu về công nghệ sản xuất mới
Những công nghệ, thiết bị, công cụ, phần mềm hỗ trợ cho việc sản xuất luôn có xu hướng đổi mới theo thời gian. Chính vì thế, việc tìm hiểu về những công nghệ mới là công việc thường thấy ở những bộ phận R&D. Sau quá trình tìm hiểu, R&D sẽ lọc ra những công nghệ mới nào phù hợp, có triển vọng để xuất áp dụng vào doanh nghiệp.
Thu thập thông tin
Thu thập thông tin là một công việc hết sức cơ bản và phổ biến trong các cuộc nghiên cứu. Ở một số doanh nghiệp, các cuộc nghiên cứu có thể sẽ diễn ra với tần suất dày đặc và quy mô lớn đến nổi có những nhân viên R&D chỉ đảm nhận duy nhất một nhiệm vụ là: thu thập thông tin, thông qua nhiều phương pháp khác nhau như tìm kiếm, khảo sát, quan sát, phỏng vấn, mua dữ liệu...
Xử lý thông tin
Xử lý thông tin được xem là một trong những công việc cốt lõi của bộ phận R&D. Các thông tin thu thập về sẽ được tổng hợp, xử lý theo nhiều phương pháp khác nhau như phân nhóm, chiết tách, đối chiếu, lập biểu đồ... để tìm ra lời giải đáp cho những vấn đề đang nghiên cứu.
Thí nghiệm, thử nghiệm & đo lường
Những sản phẩm mới trước khi được thương mại hoá rộng rãi thường sẽ trải qua các cuộc thử nghiệm và đo lường chất lượng sản phẩm. Bộ phận R&D sẽ đảm nhiệm thực hiện các cuộc thử nghiệm theo nhiều phương pháp khác nhau, từ thử nghiệm nội bộ, bằng các dụng cụ chuyên dụng, đến thử nghiệm thực tế thông qua một số khách hàng được chọn...
Bên cạnh đó, trước khi áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất mới để thay thế cho quy trình, công nghệ cũ, chúng cũng có thể được trải qua các cuộc thử nghiệm được tiến hành bởi bộ phận R&D.