Quản trị Marketing là gì? Khái niệm - Chức năng - Công việc

Quản trị Marketing là gì? Khái niệm - Chức năng - Công việc

Quản trị Marketing là gì? Phân tích vai trò của người quản trị Marketing. Liệc kê các công tác, công việc của quản trị Marketing. Tổng quan quy trình quản trị Marketing.

Marketing là một hoạt động phức tạp, tốn nhiều thời gian và công sức. Đặc biệt là ở những doanh nghiệp, hoạt động Marketing được diễn ra với số lượng công việc khổng lồ, nguồn ngân sách và nhân lực dồi dào. Chính vì thế, công tác quản trị Marketing trong những trường hợp này là vô cùng cần thiết để hoạt động Marketing có thể diễn ra một cách có hệ thống, bài bản và mang lại hiệu quả cao. Vậy, thế nào là quản trị Marketing? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu khái niệm ấy qua nội dung dưới đây.

Quản trị Marketing là gì?

Quản trị Marketing (Marketing Management) là tập hợp các công việc liên quan đến xây dựng kế hoạch, chiến lược, phân bổ nguồn lực, triển khai thực hiện, đánh giá, hiệu chỉnh, ra quyết định trong hoạt động marketing của doanh nghiệp sao cho đạt được hiệu quả và năng suất tốt nhất.

Quy trình quản trị Marketing

Quá trình quản trị Marketing gồm nhiều công đoạn nối tiếp và xoay vòng như một chu kỳ bao gồm:

  1. Đánh giá tình hình Marketing (Marketing Auditing)
  2. Xây dựng chiến lược Marketing
  3. Xây dựng kế hoạch Marketing
  4. Triển khai chương trình Marketing
  5. Đánh giá hiệu quả Marketing
  6. Tối ưu hóa hoạt động marketing

Vai trò của quản trị Marketing

Mắc xích chung trong tất cả hoạt động Marketing của doanh nghiệp

Giống như Marketing, mục tiêu cuối cùng của quản trị Marketing vẫn là giúp doanh nghiệp thu về các giá trị lợi ích thông qua việc xây dựng và mang đến những giá trị cho khách hàng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, doanh nghiệp cần một quy trình chuẩn hóa với các bước rõ ràng, những bản kế hoạch, chiến lược phù hợp, sự phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, những quyết định mang tính kịp thời, từ đó giúp các mắc xích trong doanh nghiệp hoạt động, hợp tác một cách trơn tru và hiệu quả hơn. Đây chính là mục tiêu ban đầu của quản trị Marketing.

Là cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng và người tiêu dùng

Nhà quản trị Marketing là những người có con mắt tinh tường để quan sát thị trường, hành vi của khách hàng và người tiêu dùng. Do không bị chi phối bởi các nghiệp vụ Marketing nhỏ lẻ, nhà quản trị Marketing có đủ thời gian để theo dõi và hiểu rõ những gì đang diễn ra trong tâm lý của người tiêu dùng, từ đó đóng vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Giúp doanh nghiệp cân đối ngân sách Marketing

Không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn ngân sách Marketing dồi dào để có thể thoải mái chi trả cho các chiến dịch quảng cáo, PR hay công trình nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm. Bất kỳ việc "vung tay quá trán" nào trong Marketing cũng có thể khiến cho doanh nghiệp lãng phí đi một nguồn tài chính quý giá. Sự có mặt của nhà quản trị Marketing sẽ giúp doanh nghiệp cân đối nguồn ngân sách hoạt động Marketing, giúp bộ máy của doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và đúng theo các chiến lược, kế hoạch đã đề ra.

Giúp doanh nghiệp có những hướng phát triển sản phẩm đúng đắn

Phát triển sản phẩm không chỉ đơn giản là những cuộc chạy đua về giá, tính năng hay công nghệ. Yếu tố cốt lõi chính trong phát triển sản phẩm là đáp ứng tốt nhu cầu, mong muốn của người tiêu dùng, cũng như mang đến cho họ trải nghiệm sử dụng tốt nhất mà chỉ doanh nghiệp bạn mới có thể mang lại. Do đó, doanh nghiệp luôn cần sự dẫn dắt của những nhà quản trị Marketing trong hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Kiểm soát truyền thông

Các hiệu ứng về truyền thông luôn có những tác động nhất định đến doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh như hiệu quả sản xuất, bán hàng, uy tín... Những tác động đó đôi khi đủ lớn để khiến một doanh nghiệp tụt giảm doanh thu đáng kể trong 1 khoảng thời gian dài. Chính vì thế, kiểm soát truyền thông là một trong những vai trò to lớn của công tác quản trị Marketing nhằm đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định trước những cơn bão thông tin.

Kiểm soát môi trường Marketing

Những yếu tố có trong môi trường vi mômôi trường vĩ mô của doanh nghiệp, cùng những sự thay đổi của nó luôn có những ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì thế việc theo dõi, quan sát thường xuyên sẽ giúp doanh nghiệp tránh những tác động tiêu cực từ những thay đổi trong những môi trường ấy, cũng như tận dụng được những lợi thế giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn trong hoạt động marketing.

Gia tăng thị phần

Thị phần là nền tảng cơ bản để một doanh nghiệp có thể tạo ra doanh thu và lợi nhuận. Ngoài ra, thị phần còn phản ánh quy mô của một doanh nghiệp trong một thị trường. Chính vì thế, các doanh nghiệp luôn nổ lực để gia tăng thị để có được chỗ đứng tốt nhất trên thị trường. Tuy nhiên, việc gia tăng thị phần không hề dễ dàng, càng không phải câu chuyện của ngày 1, ngày 2. Đó là cả một quá trình nỗ lực của một doanh nghiệp, với chiến lược, kế hoạch Marketing được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng. Dĩ nhiên, để có thể làm được điều đó, doanh nghiệp cần sự góp sức của nhà quản trị Marketing tài ba.

Gia tăng lợi nhuận

Trong Marketing, đôi khi các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận không chỉ bao gồm chi phí và doanh thu mang về. Lợi nhuận còn chịu sự tác động của những yếu tố khác như giá trị vòng đời khách hàng (CLV), thị phần (market share), mức độ trung thành của khách hàng (customer loyalty)... Dựa trên cơ sở đó, sự có mặt của nhà quản trị Marketing sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận thu về trong suốt quá trình hoạt động, kinh doanh.

Các việc thuộc về quản trị Marketing

Thật khó có thể liệt kê chính xác tất cả các công việc quản trị Marketing bởi chúng có rất nhiều và tùy thuộc vào từng thị trường, ngành nghề, doanh nghiệp. Tuy nhiên, các công việc quản trị Marketing phổ biến có thể kể đến ở hầu hết các doanh nghiệp bao gồm:

Hoạch định chiến lược Marketing cho doanh nghiệp

Để đạt được các mục tiêu Marketing dài hạn của doanh nghiệp, một cách hiệu quả nhất, trong thời gian sớm nhất, doanh nghiệp cần có những chiến lược và kế hoạch phù hợp.

Xây dựng kế hoạch Marketing cho phòng ban

Dựa trên chiến lược Marketing đã đề ra, nhà quản trị Marketing xây dựng kế hoạch Marketing cho các năm, tháng, quý, áp dụng cho các phòng ban và đội nhóm. Kế hoạch Marketing bao gồm các mục tiêu chính cần đạt, ngân sách cần chi, các công cụ thiết bị cần mua sắm, các chiến dịch Marketing cần triển khai...

Xây dựng & đào tạo đội ngũ nhân sự Marketing

Quản trị nhân sự là một trong các công tác quan trọng của quản trị Marketing. Bất kỳ bộ phận, phòng ban nào cũng cần người đứng đầu để có thể lãnh đạo, soi sáng và dẫn lối cho tập thể. Nhà quản trị Marketing giữa nguồn lực doanh nghiệp với chiến lược, kế hoạch Marketing để hoạch các vị trí cần tuyền dụng, đào tạo và dẫn dắt họ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Phân bổ ngân sách hoạt động Marketing

Từ nguồn ngân sách chung cho hoạt động Marketing, nhà quản trị Marketing sẽ phân bổ nó thành các nguồn ngân sách nhỏ cho từng hoạt động Marketing cụ thể như nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, bán hàng, chăm sóc khách hàng, quảng bá & truyền thông, xây dựng thương hiệu...

Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp

Càng về lâu dài, thương hiệu càng là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ trên thị trường. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần xác định rõ đâu là đối tượng mà doanh nghiệp hướng đến để phục vụ. Ngoài ra, việc nắm được những cảm nhận, trải nghiệm của khách hàng trong suốt quá trình mua hàng, sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các phương hướng hiệu quả trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ.

Câu hỏi thường gặp (FAQ)

Quản trị Marketing là tập hợp các công việc liên quan đến xây dựng kế hoạch, chiến lược, phân bổ nguồn lực, triển khai thực hiện, đánh giá, hiệu chỉnh, ra quyết định trong hoạt động marketing của doanh nghiệp sao cho đạt được hiệu quả và năng suất tốt nhất.

Giống như Marketing, mục tiêu cuối cùng của quản trị Marketing vẫn là giúp doanh nghiệp thu về các giá trị lợi ích thông qua việc xây dựng và mang đến những giá trị cho khách hàng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, doanh nghiệp cần một quy trình chuẩn hóa với các bước rõ ràng, những bản kế hoạch, chiến lược phù hợp, sự phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, những quyết định mang tính kịp thời, từ đó giúp các mắc xích trong doanh nghiệp hoạt động, hợp tác một cách trơn tru và hiệu quả hơn. Đây chính là mục tiêu ban đầu của quản trị Marketing.
Có vô số công việc thuộc về phạm trù quản trị Marketing, nhưng chúng có thể được quy thành các loại hình: Xây dựng các chiến lược và kế hoạch Marketing, phân bổ nguồn lực cho các hoạt động Marketing, Theo dõi và kiểm soát những thay đổi trong môi trường Marketing, Xây dựng thương hiệu.