Những doanh nghiệp có hoạt động Marketing hiệu quả luôn phân bổ nguồn lực lớn để hiểu rõ về nhu cầu, mong muốn của khách hàng, cũng như cầu thị trường mà doanh nghiệp đang hướng đến. Vậy ý nghĩa của các thuật ngữ này là gì, hãy cùng hocmarketing.org tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Khái niệm nhu cầu trong Marketing
Nhu cầu là gì?
Nhu cầu là trạng thái tâm lý khi bản thân cảm thấy thiếu thốn về vật chất hay tinh thần. Ví dụ như nhu cầu về thực phẩm (thức ăn, nước uống), nơi trú ngụ (nhà ở, chung cư), niềm vui (các chương trình giải trí), thư giãn (dịch vụ massage), làm đẹp (spa)... Mỗi người sẽ có những nhu cầu khác nhau, tùy vào môi trường sống, điều kiện tài chính, tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe. v.v... Nhu cầu của con người thay đổi theo thời gian và địa điểm sinh sống. Để hiểu rõ hơn, các bạn nên tham khảo tháp nhu cầu Maslow dưới đây.
Nhìn vào tháp nhu cầu trên, ta thấy có 5 bậc nhu cầu được sắp xếp từ thấp đến cao, điều ấy có ý nghĩa rằng nhu cầu con người không phát sinh một cách ngẫu nhiên mà hoàn toàn có trình tự, từ thấp đến cao. Khi nhu cầu ở bậc thấp hơn được thõa mãn, con người mới có xu hướng nảy sinh nhu cầu ở bậc cao hơn.
Bậc 1 - Physiological - Nhu cầu thể lý: Những người sống ở những môi trường khắc nghiệt, điều kiện kinh tế & đời sống khó khăn sẽ có nhu cầu cao chủ yếu về - thể lý/sinh lý (có đủ thức ăn, nước uống, có nhà cửa để có thể trú ngụ...);
Bậc 2 - Safety - Nhu cầu an toàn: Khi nhu cầu thể lý được thỏa mãn, con người sẽ nảy sinh nhu cầu về an toàn như được bảo đảm an toàn về thân thể, có được việc làm ổn định, có một sức khỏe tốt để làm việc...
Bậc 3 - Love/Belonging - Nhu cầu tình cảm: Khi cả nhu cầu thể lý và an toan được đáp ứng, nhu cầu giao lưu tình cảm như được yêu thương, quý mến, quan tâm... tất yếu sẽ nảy sinh.
Bậc 4 - Esteem - Nhu cầu được quý trọng: Nhu cầu cần sự tôn trọng, kính cẩn từ những người khác trong xã hội
Bậc 5 - Self Actualization - Nhu cầu thể hiện bản thân: Khi các nhu cầu ở những bậc thấp hơn đã được thỏa mãn, con người sẽ tiến đến nhu cầu cao nhất trong tháp, khi họ cần được thể hiện bản thân, được mọi người công nhận là tài giỏi trong một lĩnh vực nào đó như nghệ thuật, nghiên cứu, chính trị gia, kinh doanh...
Tháp nhu cầu của Maslow sẽ giúp những nhà marketer dễ dàng nắm bắt nhu cầu của đối tượng khách hàng.
Khái niệm mong muốn trong Marketing
Mong muốn là gì?
Mong muốn là nhu cầu được khuôn mẫu và định hình bởi bản thân (giới tính, tính cách, nhận thức, tình trạng sức khỏe...) và môi trường xung quanh (chính trị, thể chế, văn hóa...).
Ví dụ cùng là nhu cầu đi lại bằng phương tiện xe máy, nhưng nữ giới có xu hướng tìm đến các mẫu xe có thiết kế nhỏ gọn, tone màu dịu nhẹ... trong khi nam giới thường tìm đến các mẫu xe có thiết kế mang phong cách mạnh mẽ.
Việc nắm rõ nhu cầu, mong muốn của khách hàng thường là yếu tố quyết định cho công việc thiết kế, phát triển sản phẩm sao cho có thể thỏa mãn những nhu cầu đó một cách tốt nhất.
Khái niệm cầu thị trường
Cầu thị trường là gì?
Cầu thị trường (demand) là một khái niệm thuộc kinh tế học, đại diện cho số lượng nhu cầu (có thể tính bằng số người hoặc % dân số) của những người có khả năng thanh toán, chi trả để sở hữu những lợi ích từ những sản phẩm dịch vụ nhằm thõa mãn nhu cầu ấy.
Phân biệt nhu cầu & cầu thị trường
Điểm khác biệt giữa khái niệm nhu cầu và cầu thị trường chính là ở khả năng thanh toán. Giả sử kết quả của một cuộc nghiên cứu thị trường cho biết rằng, có tổng cộng 500 người trong một xã có nhu cầu sử dụng phân bón sinh học, nhưng trong đó chỉ có 400 người có khả năng thanh toán (khả năng chi trả để sở hữu sản phẩm của doanh nghiệp). Như vậy, số lượng cầu thị trường trong trường hợp này là 400.
Vai trò của nhu cầu trong Marketing
Trong các trường phái Marketing hiện đại, nhu cầu đóng vai trò là điểm xuất phát trong hầu hết tất cả hoạt động, chiến lược, kế hoạch Marketing của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để hiểu rõ nhu cầu của các khách hàng mục tiêu, để từ đó có thể phát triển các sản phẩm/dịch vụ có khả năng đáp ứng tốt những nhu cầu ấy. Bên cạnh đó, theo sự thay đổi của các yếu tố trong môi trường vĩ mô, nhu cầu cũng có thể sẽ thay đổi theo thời gian. Chính vì thế, doanh nghiệp cần có những hoạt động quan sát, nghiên cứu thường xuyên để nắm bắt sự thay đổi về nhu cầu của đối tượng khách hàng mục tiêu, từ đó có những bước đi phù hợp trong hoạt động kinh doanh.
Nghiên cứu thị trường (nghiên cứu Marketing) là phương án tối ưu nhất, hiệu quả nhất, chính xác nhất để doanh nghiệp có thể nắm bắt được nhu cầu của các khách hàng mục tiêu. Tùy theo ngành nghề, lĩnh vực mà hoạt động nghiên cứu có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức và với quy mô khác nhau, từ việc quan sát, tổng hợp từ các dữ liệu có sẵn, đến các cuộc khảo sát với quy mô rộng lớn.
Tổng kết
Sau khi tìm hiểu và phân biệt các khái niệm nhu cầu, mong muốn và cầu thị trường trong Marketing, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của thị trường và vai trò của nhu cầu trong đó. Nhu cầu là yếu tố cơ bản để thị trường hoạt động, là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng là mục tiêu chính của các doanh nghiệp, từ đó giúp tạo ra giá trị cho khách hàng và đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trong khi đó, cầu thị trường là sự khác biệt giữa nhu cầu và nguồn cung sản phẩm. Hiểu rõ về nhu cầu, mong muốn và cầu thị trường là điều quan trọng giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.