Game online: Doanh thu Garena VN 2 ngày vượt qua tiền đóng thuế cả năm

Game online: Doanh thu Garena VN 2 ngày vượt qua tiền đóng thuế cả năm

Garena VN - Game online số 1 Việt Nam với hàng triệu người chơi và doanh thu hàng nghìn tỷ Tuy nhiên, số tiền đóng thuế của họ có như không so với quy mô của nhà phát hành này

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp game online tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đem lại doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ cho các công ty tham gia. Việc này được minh họa bằng việc nhiều tựa game nổi tiếng trên thế giới được nhập khẩu và phát hành, thu hút hàng triệu người chơi thường xuyên, mang lại nguồn thu ổn định từ việc bán các vật phẩm, thẻ game... đồng thời tạo nên tên tuổi cho các công ty đứng đằng sau chúng.

Game online: Doanh thu Garena VN 2 ngày vượt qua tiền đóng thuế cả năm

Ví dụ, Garena Việt Nam, một trong những nhà phát hành game online hàng đầu tại Việt Nam, sở hữu loạt trò chơi ăn khách như Liên quân Mobile, Free Fire và FIFA Online, đã thu hút hàng chục triệu người chơi. Thương hiệu Garena Việt Nam cũng liên kết mật thiết với thể thao điện tử, xây dựng hình ảnh thông qua việc tổ chức giải đấu, đầu tư cho các đội tuyển và hỗ trợ từ đời sống đến phát triển kỹ năng cá nhân của các tuyển thủ chuyên nghiệp.

Tuy nhiên xuất hiện một thực tế có phần khá… khó hiểu. Có thể thấy với sự phát triển và quy mô doanh thu của Garena Việt Nam liên tục tăng hàng năm, lên mức kỷ lục hơn 6.900 tỷ đồng vào 2022, nhưng lợi nhuận của họ lại rất mỏng. Theo số liệu thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 26 tỷ đồng trong năm 2022, thì con số này thậm chí còn chưa bằng số tiền họ kiếm được trong… 2 ngày. Tính chung 5 năm qua, số thuế TNDN mà nhà phát hành game này đã nộp còn chưa đến 111 tỷ đồng dù năm nào cũng thu hàng nghìn tỷ.

Game online: Doanh thu Garena VN 2 ngày vượt qua tiền đóng thuế cả năm

Theo "lý giải chung" từ các nhà phát hành game thì mặc dù ngành này có doanh thu lớn, nhưng tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt từ 3% - 5% doanh thu. Các chi phí như bản quyền, thuế, marketing và kho ứng dụng đều tốn kém: Như chi phí bản quyền chiếm khoảng 23%, chi phí thuế và trung gian thanh toán chiếm 24%, chi phí marketing chiếm từ 20%-30%, chi phí kho ứng dụng chiếm từ 15%-30%. Do đó, lợi nhuận thu về chỉ từ 3%-8%.

Từ đó, đã phát sinh ra nhiều ý kiến: Với lợi nhuận "siêu mỏng" so với doanh thu như vậy, có lẽ không bằng một "góc" của các loại hình kinh doanh khác, chưa kể đến hàng loạt rủi ro thì tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố nhảy vào tranh giành chiếc bánh thị phần ngành game? Thậm chí đây còn được coi là ngành công nghiệp thế hệ mới, giàu tiềm năng tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.

Điều này được minh chứng thông qua sự lớn mạnh của các công ty phát hành trò chơi điện tử như Valve, Tencent, hay Ubisoft…, cho thấy việc phát triển và nhu cầu của ngành công nghiệp game nói riêng và thể thao điện tử nói chung đều ngày càng cao. Các công ty này tạo ấn tượng với doanh thu khổng lồ, cũng như cách tối đa hóa lợi nhuận từ việc kinh doanh các vật phẩm trong trò chơi và các hoạt động liên quan từ chính các trò chơi đó.

Chính vì vậy, việc chỉ đóng thuế "tượng trưng" như trường hợp của Garena Việt Nam đã gây tranh cãi trong cộng đồng kinh doanh và chuyên gia: Số tiền hàng nghìn tỷ đồng thu về hàng năm đã đi đâu mà chỉ đóng thuế lãi rất ít. Tình trạng kinh doanh của Garena Việt Nam đã trở thành một hiện tượng khó lý giải trong ngành công nghiệp game đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.