CMO (Chief Marketing Officer) là gì? Vai trò & công việc của CMO

(1 Đánh giá)
CMO (Chief Marketing Officer) là gì? Vai trò & công việc của CMO

CMO (Chief Marketing Officer) là gì? Mô tả công việc của vị trí CMO. Phân tích vai trò của CMO trong một doanh nghiệp. Các tố chất cần có của 1 CMO giỏi.

CMO là gì?

CMO là viết tắt của cụm từ Chief Executive Officer (tạm dịch là Giám đốc Marketing), là tên gọi của mộ trong những chức vụ quản lý cấp cao nhất của một công ty, chịu trách nhiệm về tất cả các công việc liên quan đến Marketing. Trong hầu hết các trường hợp, CMO có trách nhiệm báo cáo cho CEO trong cùng một công ty. Tuy nhiên trong một số trường hợp khác (ví dụ: Công ty chỉ có CMO hoặc CEO đã giao phó toàn bộ quyền hạn cho CMO), CMO có quyền hạn tương tự như một CEO.

CMO trong sơ đồ tổ chức doanh nghiệp

Ví dụ về vị trí CMO trong sơ đồ tổ chức của một doanh nghiệp

Mô tả công việc của 1 CMO

Người đảm nhiệm chức vụ CMO trong một công ty sẽ chịu trách nhiệm cho những nội dung công việc sau:

  • Xây dựng chiến lược, kế hoạch Marketing tổng thể của công ty.
  • Lập kế hoạch chi tiêu và phân bổ ngân sách hoạt động Marketing của công ty.
  • Định hướng phát triển thương hiệu cho công ty
  • Định hướng và xây dựng các cơ chế, chính sách tuyển dụng và đạo tạo nhân sự Marketing
  • Chỉ đạo truyền thông trong nội bộ doanh nghiệp lẫn ngoài doanh nghiệp
  • Thiết lập và duy trì các mối quan hệ giữa các tổ chức và cá nhân truyền thông bên ngoài doanh nghiệp
  • Chỉ đạo các công việc Marketing mang tính phức tạp như nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm mới, định giá...

Vai trò của CMO trong một doanh nghiệp

CMO là người xây dựng và tổ chức hoạt động Marketing của doanh nghiệp từ con số 0

Trong nhiều trường hợp, thời điểm mới đảm nhận công việc là thời điểm mà CMO sẽ xây dựng và tổ chức lại hoạt động Marketing của doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp đã có sẵn đội ngũ nhân viên nhưng trong hầu hết các trường hợp đều phải quy hoạch và tái cơ cấu lại sao cho phù hợp với đường hướng phát triển của CMO.

CMO là người đại diện kết nối giữa khách hàng và doanh nghiệp

Đôi khi doanh nghiệp cần đứng trên cương vị của khách hàng để xử lý vấn đề. Nhưng đôi khi, các yêu cầu của khách hàng là quá sức vô lý để doanh nghiệp có thể đáp ứng. Chính vì thế, một CMO sẽ đảm nhận vai trò dung hoà giữa khách hàng và doanh nghiệp trong suốt chặn đường phát triển. 

CMO là linh hồn thương hiệu của doanh nghiệp

CMO là thành viên có ảnh hưởng lớn nhất đến thương hiệu cũng như gắn bó lâu dài nhất với thương hiệu đó trong một doanh nghiệp. Hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng phản ánh chính xác nhất thái độ và năng lực làm việc của CMO trong doanh nghiệp đó. 

CMO là đầu tàu thúc đẩy doanh nghiệp tiến lên phía trước

Trong tất cả các nhánh bộ phận hay phòng ban của doanh nghiệp, chỉ có Marketing là nhánh luôn đưa ra các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tiến xa hơn trong chặn đường phát triển, trong khi những nhánh khác đảm nhận các chức năng duy trì hoạt động kinh doanh một cách ổn định. Và tất nhiên, người đứng đầu nhánh Marketing không ai khác chính là CMO.

Các tố chất cần có của một CMO

Có đam mê với Marketing và ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp

Khoan bàn đến năng lực, tố chất đầu tiên cần có của 1 CMO là người này phải có đam mê với Marketing cũng như ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp. Vì sao ư? Mình sẽ giải thích dưới đây.

Bạn nghĩ điều gì khiến một thành viên trong công ty có thể gắn bó lâu dài với một doanh nghiệp và cống hiến hết mình cho doanh nghiệp đó? Có nhiều yếu tố như môi trường làm việc, mức lương... nhưng quan trọng nhất là niềm đam mê. Một CMO phải đam mê với ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp mới có thể dành hết công sức để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp đó. Một CMO phải đam mê với Marketing mới có thể dành thời gian nghiên cứu, học tập hay cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực này.

Một thực tế rõ ràng có thể thấy được rằng nhiều người đã từ bỏ những vị trí công việc với mức lương hấp dẫn để bắt đầu một công việc mới bởi những lý do liên quan đến niềm đam mê. Con người thường có xu hướng cảm thấy chán nản về công việc mà họ không yêu thích sau một thời gian tiếp xúc. Trong khi đó, vị trí CMO phải là người có thể đi cùng doanh nghiệp một đoạn đường rất dài.

Thông thạo về lĩnh vực Marketing

Chắc chắn rồi, một CMO phải là một nhân vật cực kỳ giỏi trong bất kỳ ngóc ngách nào liên quan đến Marketing. Từ kiến thức chuyên môn cho đến kinh nghiệm, từ việc lập các chiến lược, kế hoạch Marketing, đến quá trình xây dựng thương hiệu, hay các cuộc nghiên cứu Marketing, chiến dịch quảng cáo, truyền thông, bán hàng... tất cả đều phải đảm bảo tính bài bản và logic.

Một CMO không thể nào thúc đẩy thương hiệu của doanh nghiệp đi lên nếu anh/chị ta chẳng thể phân biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu. Hay ở một bối cảnh khác, một CMO sẽ phá vỡ hình ảnh của doanh nghiệp nếu anh/chị ta không thể nhận thức được rằng trải nghiệm khách hàng chính là yếu tố cốt lõi xây dựng nên hình ảnh đó.

Có năng lực lãnh đạo tốt

CMO là một trong những vị trí quản lý cấp cao, chính vì thế, nó đòi hỏi người đảm nhiệm phải có năng lực lãnh đạo con người (phòng, ban, đội, nhóm). Khả năng lãnh đạo của CMO thể hiện trong cách mà anh/chị ta đối xử, giao tiếp với những nhân viên cấp dưới, cũng như cách mà những người cấp dưới xử sự ngược lại với CMO. Một CMO có khả năng lãnh đạo tốt sẽ luôn khiến nhân sự cấp dưới cảm thấy an tâm và luôn làm việc với một tinh thần tập trung, cố gắng vì mục tiêu đã đề ra. Trái lại, một CMO có khả năng lãnh đạo kém sẽ khiến nhân sự cấp dưới luôn ở trong trạng thái hoang mang, lo sợ, áp lực về những điều đang và sẽ diễn ra.

Có năng lực quản lý tốt

Bên cạnh năng lực lãnh đạo, một CMO cần phải có một năng lực quản lý tốt. Năng lực quản lý của CMO thể hiện trong cách xây dựng các kế hoạch, chiến lược marketing, cách xây dựng và tổ chức nhân sự cấp dưới, cách phân bổ ngân sách, cách tổ chức triển khai bất kỳ một chương trình hoạt động Marketing nào. Một CMO có năng lực quản lý tốt sẽ khiến bộ máy phía dưới hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Ngược lại, một CMO có năng lực quản lý kém sẽ khiến bộ máy hoạt động một cách ỳ ạch, chậm chạp và lãng phí ngân sách.

Có tầm nhìn chiến lược tốt

Tầm nhìn chiến lược là một trong những yếu tố cần có của một CMO để giúp doanh nghiệp đi đến vị trí mong muốn trong một thị trường mang tính cạnh tranh. Tầm nhìn chiến lược thể hiện qua nhận thức về sự thay đổi của các yếu tố và nguồn lực trong môi trường vi mô (khách hàng, nhà cung cấp, trung gian marketing...) và mô trường vĩ mô (môi trường nhân khẩu học, kinh tế, công nghệ, tự nhiên...) để từ đó có những bước chuẩn bị để doanh nghiệp có thể thích nghi tốt hơn những doanh nghiệp khác và tạo nên những lợi thế cạnh tranh mà đối thủ không thể nào theo kịp.

Có khả năng xử lý khủng hoảng tốt

Khủng hoảng là một hiện tượng thường hay xảy ra trong Marketing, đặc biệt là truyền thông. Xử lý khủng hoảng không bao giờ là đơn giản. Để xử lý tốt, một CMO cần phải có một cái đầu luôn ở trong trạng thái bình tĩnh, nhạy bén về thông tin, nhanh nhẹn về ý tưởng để tìm ra được hướng giải quyết tốt nhất, tránh trường hợp đi vào vết xe đổ của nhiều doanh nghiệp (kể cả những doanh nghiệp lớn) với những pha xử lý cồng kềnh và để lại nhiều hậu quả sau này.

Câu hỏi thường gặp (FAQ)

CMO là viết tắt của cụm từ Chief Executive Officer (tạm dịch là Giám đốc Marketing), là tên gọi của mộ trong những chức vụ quản lý cấp cao nhất của một công ty, chịu trách nhiệm về tất cả các công việc liên quan đến Marketing. Trong hầu hết các trường hợp, CMO có trách nhiệm báo cáo cho CEO trong cùng một công ty. Tuy nhiên trong một số trường hợp khác (ví dụ: Công ty chỉ có CMO hoặc CEO đã giao phó toàn bộ quyền hạn cho CMO), CMO có quyền hạn tương tự như một CEO.
  1. CMO là người xây dựng và tổ chức hoạt động Marketing của doanh nghiệp từ con số 0
  2. CMO là người đại diện kết nối giữa khách hàng và doanh nghiệp
  3. CMO là linh hồn thương hiệu của doanh nghiệp
  4. CMO là đầu tàu thúc đẩy doanh nghiệp tiến lên phía trước
  1. Có đam mê với Marketing và ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp
  2. Thông thạo về lĩnh vực Marketing
  3. Có năng lực lãnh đạo tốt
  4. Có năng lực quản lý tốt
  5. Có tầm nhìn chiến lược tốt
  6. Có khả năng xử lý khủng hoảng tốt