Định giá sản phẩm là công đoạn mang tính chất quan trọng và phức tạp - quan trọng bởi giá của sản phẩm ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh của doanh nghiệp như doanh thu, lợi nhuận, chiến lược marketing, chiến lược kinh doanh... - phức tạp bởi việc định gia sản phẩm cần căn cứ vào nhiều yếu tố. Chính vì thế, hocmarketing.org sẽ trình bày chi tiết các yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm.
Các yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm
Nhìn chung, có tổng cộng 9 yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm và các yếu tố đó có thể phân thành 2 nhóm, gồm các yếu tố nội tại/bên trong doanh nghiệp (Chi phí sản xuất, Nguồn lực tài chính, Chiến lược định vị, Chiến lược giá) và các yếu tố ngoại tại/bên ngoài doanh nghiệp (Nền kinh tế, Cầu thị trường, Cạnh tranh, Tài chính của khách hàng mục tiêu, Mùa vụ). Để có thể có một cái nhìn rõ hơn, chúng ta cùng xem qua biểu đồ dưới đây.
Sơ đồ thể hiện các yếu tố ảnh hưởng đến công việc định giá sản phẩm
A. Các yếu tố nội tại (bên trong doanh nghiệp) ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm
1. Chi phí sản xuất
Chi phí sản xuất là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến việc định giá của bất kỳ một sản phẩm. Bằng một phép tính đơn giản, chúng ta có thể hình dung được rằng, để doanh nghiệp có thể có lợi nhuận thì giá sản phẩm bán ra phải lớn hơn tổng chi phí để sản xuất ra sản phẩm đó. Chính vì thế, chi phí sản xuất trên mỗi sản phẩm càng lớn thì giá sản phẩm sẽ càng cao và ngược lại.
=> Tham khảo Phân tích Yếu tố Chi phí sản xuất & Kinh doanh ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm |
2. Nguồn lực tài chính của doanh nghiệp
Một số doanh nghiệp có thể bán sản phẩm với mức giá bằng hoặc thấp hơn chi phí sản xuất trong một khoảng thời gian nhất định với mục tiêu cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần. Để làm được điều đó, buộc doanh nghiệp phải có nguồn tài chính dồi dào. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có nguồn tài chính eo hẹp sẽ không thể áp dụng phương thức này.
Tài chính của doanh nghiệp có được thông qua các nguồn: Vốn từ các thành viên sáng lập công ty, vốn đầu tư từ các cổ đông, chênh lệch giá trị của cổ phiếu, lợi nhuận thu được thông qua hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp có nguồn tài chính càng dồi dào thì sẽ có nhiều sự lựa chọn trong công tác định giá sản phẩm.
3. Chiến lược định vị sản phẩm
Chiến lược định vị sản phẩm là một trong các yếu tố chiến lược của doanh nghiệp ảnh hưởng đến việc định giá. Bản chất của định vị sản phẩm là công việc xác định mức giá và chất lượng của sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh. Chính vì thế, chiến lược định vị sản phẩm đã phần nào quy định giá sản phẩm/dịch vụ nằm ở một khoảng nào đó trên bản đồ định vị sản phẩm.
=> Tham khảo Phân tích Yếu tố Chiến lược định vị sản phẩm ảnh hưởng như thế nào đến việc định giá sản phẩm |
4. Chiến lược giá
Chiến lược giá là yếu tố mang tính chiến lược tiếp theo, ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm trên thị trường. Có nhiều chiến lược giá mà doanh nghiệp có thể áp dụng, mỗi chiến lược giá sẽ tác động đến mức giá của sản phẩm theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, doanh nghiệp áp dụng chiến lược giá hớt ván sữa sẽ định một mức giá cao nhất có thể vào thời điểm sản phẩm vừa được tung ra thị trường. Hay khi áp dụng chiến lược giá phân khúc, doanh nghiệp sẽ phải xác định nhiều mức giá khác nhau cho từng đối tượng khách hàng khác nhau đối với cùng 1 sản phẩm.
B. Các yếu tố ngoại tại (bên ngoài doanh nghiệp) ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm
5. Nền kinh tế
Nền kinh tế của một quốc gia, hay một địa phương tác động đến nhiều mặt trong đời sống vật chất của những cá thể sống trong xã hội đó, trong đó bao gồm giá cả của sản phẩm/dịch vụ trên thị trường. Khi nền kinh tế đi xuống, khả năng chi tiêu của khách hàng cũng bị kéo theo, khiến doanh nghiệp cần có những điều chỉnh về giá sao cho phù hợp với khả năng tài chính của đối tượng khách hàng mục tiêu.
Mặc dù hầu như các quốc gia đều áp dụng mô hình kinh tế thị trường, nhưng đâu đó vẫn còn trường hợp giá của sản phẩm/dịch vụ bị kiểm soát và quy định bởi chính phủ. Hầu hết các trường hợp này rơi và các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu...
=> Tham khảo Phân tích Yếu tố Nền kinh tế ảnh hưởng như thế nào đến việc định giá sản phẩm |
6. Cầu thị trường
Trong một nền kinh tế thị trường, cầu thị trường là yếu tố vĩ mô tác động đến giá của sản phẩm/dịch vụ lưu hành trên thị trường. Khi lượng cầu tăng so với cung, giá sản phẩm sẽ có xu hướng tăng và ngược lại, khi lượng cầu giảm so với cung, giá sản phẩm cũng sẽ có xu hướng giảm tất yếu.
Trong marketing, cầu thị trường đại diện cho số lượng khách hàng có nhu cầu mà sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp có thể đáp ứng, có khả năng thanh toán và có thể tiếp cận được bởi doanh nghiệp. Khi lượng cầu thị trường có xu hướng tăng cao, doanh nghiệp có thể định giá sản phẩm ở một mức cao hơn so để có thể thu về nhiều lợi nhuận hơn và ngược lại.
7. Cạnh tranh
Các đối thủ cạnh tranh luôn có những tác động nhất định đối với quá trình định giá sản phẩm của một doanh nghiệp. Hầu hết giá của sản phẩm cùng loại từ đối thủ cạnh tranh luôn được đưa ra để so sánh trong các buổi họp bàn định giá.
Nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể nhìn thấy được những cuộc chiến về giá của các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đôi khi, sự thay đổi về giá của một sản phẩm trên thị trường sẽ kéo theo sự thay đổi về giá của những sản phẩm cùng loại cung cấp bởi những doanh nghiệp khác.
=> Tham khảo Phân tích Yếu tố Cạnh tranh ảnh hưởng như thế nào đến việc định giá sản phẩm |
8. Đặc điểm tài chính của khách hàng mục tiêu
Tùy theo đặc điểm tài chính của khách hàng mục tiêu, như thu nhập, nghề nghiệp, gia cảnh... mà doanh nghiệp sẽ xác định mức giá khác nhau cho sản phẩm/dịch vụ. Đối với những sản phẩm/dịch vụ hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu là những người có điều kiện kinh tế khá giả, doanh nghiệp thường định ở mức cao, vì theo đặc điểm tâm lý của nhóm khách hàng này, giá cao chứng tỏ giá trị và chất lượng tố. Ngược lại, các sản phẩm hướng đến những người có điều kiện kinh tế eo hẹp luôn có mức giá thấp để phù hợp với khả năng chi tiêu của họ.
9. Mùa vụ, lễ, tết, sự kiện
Số lượng và giá của các sản phẩm nông nghiệp đôi khi sẽ bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ như măng cụt, bơ, chôm chôm... Thông thường giá của sản phẩm sẽ tăng cao vào những thời điểm trái mùa và giảm mạnh vào thời điểm vào mùa.
Các dịch vụ như du lịch, nghĩ dưỡng, giải trí luôn có xu hướng tăng giá vào những dịp lễ, tết, sự kiện vì tại thời điểm đó lượng nhu cầu tăng cao.
Ví dụ:
Giá hoa mai tăng cao vào dịp tết |
Giá dịch vụ khách sạn, du lịch, nghỉ dưỡng tăng mạnh vào dịp lễ, tế |
Giá thịt heo tăng cao vào thời điểm cận tết |
Câu hỏi thường gặp (FAQ)
Nhìn chung, có tổng cộng 9 yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm và các yếu tố đó có thể phân thành 2 nhóm, gồm các yếu tố nội tại/bên trong doanh nghiệp (Chi phí sản xuất, Nguồn lực tài chính, Chiến lược định vị, Chiến lược giá) và các yếu tố ngoại tại/bên ngoài doanh nghiệp (Nền kinh tế, Cầu thị trường, Cạnh tranh, Tài chính của khách hàng mục tiêu, Mùa vụ). Để có thể có một cái nhìn rõ hơn, chúng ta cùng xem qua biểu đồ dưới đây.