Khái niệm Brainstorm
Brainstorm là gì?
Brainstorm hay brainstorming là một thuật ngữ trong tiếng Anh ám chỉ các hoạt động nâng cao của não bộ như tư duy, phân tích, sáng tạo, so sánh, lập luận...
Brainstormer là gì?
Brainstormer là người tham gia, thực hiện quá trình brainstorm hay brainstorming.
Theo y học, não bộ được chia làm 3 lớp: não bò sát (lớp trong cùng) chi phối sự sợ hãi và phòng thủ, não thú (lớp giữa) chi phối cảm xúc, và não người (lớp ngoài cùng) điều khiển hầu hết các hoạt động brainstorming.
Thuật ngữ "BRAINSTORM" được sử dụng lần đầu bởi một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của giới Marketing, Alex Faickney Osborn, trong một quyển sách về quảng cáo do ông viết xuất bản vào năm 1948. Cụ thể, Osborn đã phải đối mặt với sự cạn kiệt về ý tưởng cho một chiến dịch quảng cáo. Và sau đó, ông đã huy động tất cả nhân viên vào phòng họp để tập trung "sản xuất" ra những ý tưởng. Cuộc họp đó diễn ra như một cơn bão (storm), và đó là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của cụm từ "brainstorm".
Vai trò của Brainstorm
Brainstorm có vai trò như thế nào trong đời sống con người?
Brainstorm đóng vai trò như một "đầu tàu" cho sự phát triển của xã hội con người. Sự phát triển này hiện diện trong hầu hết các khía cạnh của xã hội, từ y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, tài chính, kinh doanh... đến chính trị, pháp luật, thể chế...
Lịch sử loài người đã chứng kiến nhiều phát minh góp phần thay đổi thế giới con người, như sự ra đời của bóng đèn điện (Edison), Điện thoại (Alexander Graham Bell), Internet (Tim Berners-Lee), Máy vi tính (Charles Babbage), Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới, chủ nghĩa Cộng Sản... Những phát minh này đều bắt nguồn từ hoạt động brainstorm của con người.
Ngày nay, hoạt động brainstorm được vận dụng nhiều trong các hoạt động liên quan đến sáng tạo như:
- Marketing: Xây dựng các ý tưởng, chủ đề cho các chương trình quảng bá, truyền thông...
- Content: Xây dựng ý tưởng, kịch bản cho các sản phẩm nội dung (bài viết, video...)
- Công nghệ: Ý tưởng mới cho các công cụ, thiết bị, máy móc, phần mềm...
- Quản trị: Giải pháp quản lý nhân sự, tài chính, rủi ro...
Các hình thức brainstorm
Brainstorm cá nhân: Chỉ duy nhất một cá nhân tham gia từ đầu đến cuối quá trình brainstorm.
Brainstorm theo nhóm: Nhiều cá nhân (trong một team, nhóm, phòng ban, công ty...) tham gia vào quá trình brainstorm.
Quá trình brainstorm
Nhìn chung, quá trình brainstorm sẽ trải qua 4 bước (giai đoạn)
Bước 1. Xác định vấn đề
Chắc chắn rằng, bạn không thể brainstorm nếu không có bất kỳ mục tiêu hay định hướng nào. Bước đầu tiên luôn có trong một quá trình brainstorm chính là xác định vấn đề mà bạn đang muốn giải quyết. Chẳng hạn như:
- Bạn đang cần tìm một ý tưởng mới video quảng cáo của doanh nghiệp.
- Bạn đang muốn xây dựng một concept thiết kế cho sản phẩm mới.
- Bạn đang muốn xây dựng kịch bản cho một bộ phim mới.
- Bạn đang muốn tìm một ý tưởng cho một tựa game mới.
- Bạn đang cần tìm ra một giải pháp quản lý đội ngũ nhân viên sao cho mang lại hiệu quả hơn so với năm trước đó.
- Bạn đang cần tìm ra một giải pháp để cải thiện thu nhập của mình trong năm mới.
- Bạn đang xây dựng một format cho buổi thuyết trình sắp tới của nhóm...
Nhìn chung, các vấn đề khi được đặt ra (xác định) một cách cụ thể sẽ giúp quá trình brainstorm trở nên hiệu quả và nhanh chóng. Ngược lại, nếu vấn đề được đặt ra một cách mông lung, mơ hồ, không rõ ràng... quá trình brainstorm sẽ trở nên kém hiệu quả, kéo dài lê thê hay thậm chí không hồi kết.
Bước 2. Phân tích vấn đề
Dựa trên vấn đề đã xác định, người tham gia vào quá trình brainstorm (brainstomer) sẽ bắt đầu phân tích các khía cạnh liên quan mật thiết đến vấn đề. Tuỳ theo lĩnh vực, thời gian, hoàn cảnh mà brainstormer có thể phân tích theo những khía cạnh khác nhau.
Giả sử, trong một cuộc họp của một công ty truyền thông, có một vấn đề đặt ra cần được giải quyết bởi những người tham gia cuộc họp: "một ý tưởng cho một clip quảng cáo mới của công ty". Trong trường hợp này, brainstormer có thể suy xét các khía cạnh bao gồm: Đặc điểm của đối tượng (khách hàng) mục tiêu mà clip quảng cáo đó đang muốn hướng đến, đặc điểm của sản phẩm/dịch vụ trong clip quảng cáo, thời lượng, ngân sách, xu hướng thị trường...
Bước 3. Giải quyết vấn đề
Khi giả thuyết ban đầu được đưa ra chính là mốc đánh dấu bắt đầu của quá trình giải quyết vấn đề. Trong quá trình này, có thể có một hoặc nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra, và brainstormer cần thực hiện nhiều công đoạn như so sánh, đối chiếu, đánh giá... để có thể lựa chọn ra giả thuyết phù hợp nhất. Quá trình này có thể gọi là đấu tranh, bởi trong suốt quá trình sẽ sinh ra rất nhiều mâu thuẩn, thể hiện ở nhiều dạng, từ mâu thuẫn tư duy (so sánh ưu và nhược điểm của các giả thuyết), mâu thuẩn cảm xúc (lý trí mách bảo rằng bạn nên lựa chọn giả thuyết A, nhưng cảm xúc lại khiến bạn muốn lựa chọn giả thuyết B), mâu thuẩn nội bộ khi làm việc nhóm (các thành viên tham gia bảo vệ cho giả thuyết của mình và phủ định giả thuyết của người khác)... Thông thường, kết quả của quá trình đấu tranh (giải quyết mâu thuẫn) này sẽ là một giả thuyết có thể giải quyết được vấn đề một cách tốt nhất trong bối cảnh cụ thể.
Quay trở lại ví dụ ở bước 2, các brainstormer lần lược đưa ra những ý tưởng khác nhau và bắt đầu phản biện nhau nhằm lựa chọn chọn ra ý tưởng phù hợp nhất cho clip quảng cáo sắp tới.
Bước 4. Kết luận vấn đề
Giả thuyết có thể giải quyết được vấn đề một cách tốt nhất sẽ được đúc kết thành kết luận để áp dụng để giải quyết thành một vấn đề khác.
Tiếp nối ví dụ bước 3, ý tưởng được lựa chọn sẽ được công ty đưa sang công đoạn xây dựng kịch bản.
Những điều cần lưu ý trong quá trình brainstorm
1. Luôn giữ tâm lý trong trạng thái bình tĩnh, minh mẫn và sáng suốt
Khi lớp não bò sát và lớp não thú của con người hoạt động mạnh (hay có thể nói rằng khi tâm lý của bạn đang bị bao trùm bởi sự sợ hãi, hoặc cảm xúc mãnh liệt), lớp não người sẽ có xu hướng hoạt động yếu đi (giải quyết vấn đề chậm chạp, dễ đưa ra quyết định sai lầm...). Chính vì thế, việc giữ tâm lý trong trạng thái bình tĩnh, minh mẫn và sáng suốt luôn là yếu tố quan trọng để giúp quá trình brainstorm đạt được hiệu quả cao.
2. Đừng ngại tranh cãi
Như đã phân tích ở bước 3 của quá trình brainstorm, việc brainstorm theo nhóm luôn tồn tại những cuộc tranh cãi, bởi nó xuất phát từ sự đấu tranh. Có đấu tranh thì mới có kết quả, chính vì thế, thay vì tránh né, hãy chấp nhận nó như một vấn đề tất yếu.
3. Luôn phân tích vấn đề theo 2 chiều đối lập
Việc nhìn một vấn đề chỉ theo một chiều sẽ dẫn đến tình trạng vỏ đoán, bảo thủ, phiến diện, từ đó làm giảm hiệu quả của cả quá trình brainstorm. Chính vì thế, khi đề cập, phân tích vấn đề nào đó, ngoài chiều ý kiến mà bạn cho là đúng, hãy thử suy nghĩ theo chiều ngược lại để có được sự thấu đáo trong giả thuyết mà bạn sắp sửa đưa ra.
4. Chú ý ngôn ngữ giao tiếp
Dù biết rằng ngôn giao tiếp là công cụ để ta thể hiện quan điểm, nhưng đôi khi ta có thể sẽ không kiểm soát được những từ ngữ phát ra từ miệng của mình, và không may thay, một trong số từ ngữ đó khiến một hoặc nhiều người tham gia vào quá trình brainstorm cảm thấy tuyệt vọng, chán nản hay thậm chí tổn thương.