Affiliate Marketing là gì? Những điều bạn cần biết về Tiếp thị liên kết

Affiliate Marketing là gì? Những điều bạn cần biết về Tiếp thị liên kết

Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết) đang là một trong những xu hướng Marketing mới của năm 2020 - 2021. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết) là gì, phương thức hoạt động, ưu và nhược điểm của Affiliate Marketing, các bước để bắt đầu với Affiliate Marketing.

Affiliate Marketing: Introduction to Avertisers & Affiliates

Thế giới kinh doanh và Marketing đang thay đổi theo từng ngày, và nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đang bắt đầu thích ứng với những xu hướng mới. Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết) đang là một trong những xu hướng Marketing mới của năm 2020 - 2021. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết) là gì, ưu và nhược điểm của Affiliate Marketing, các bước để bắt đầu với Affiliate Marketing.

Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết) là gì?

Affiliate Marketing (tạm dịch là tiếp thị liên kết hoặc Marketing liên kết) là một mô hình Marketing mà trong đó doanh nghiệp sẽ trả một phần doanh số bán hàng cho các cá nhân, tổ chức giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp đến khách hàng, người tiêu dùng mà có tạo ra được doanh thu. Những cá nhân, tổ chức này được gọi là các Affiliate.

Nói một cách nôm na, Affiliate Marketing là hình thức mà bạn sẽ được một doanh nghiệp trả hoa hồng nếu giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của họ đến người khác và được chốt sale thành công.

Để dễ hình dung về Affiliate Marketing, ta có thể xem qua hình minh họa dưới đây:

Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết) là gì? Mô hình hoạt động của Affiliate Marketing

Vì sao Affliliate Marketing đang khá hot hiện nay?

Trước hết Affilate Marketing có thể xem là một công cụ truyền thông Marketing với chi phí được chi trả sau khi đã bán được hàng. Điều này giúp các doanh nghiệp có ngân sách quảng cáo thấp vẫn có thể truyền tải được thông điệp quảng cáo đến khách hàng, người tiêu dùng. Ngoài ra, Affiliate Marketing còn hạn chế được tính lãng phí trong quảng cáo khi doanh nghiệp chỉ chi trả theo phần trăm doanh thu đã tạo ra.

Một trong những ưu điểm tiếp theo của Affiliate Marketing chính là hình thức này giúp các đối tác (Affiliate) có thêm nguồn thu nhập, từ đó tạo ra nguồn động lực mạnh mẽ để các đối tác giúp doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá sản phẩm/dịch vụ. Một số các đối tác (Affiliate) thậm chí còn chi ngân sách để chạy các chương trình quảng cáo nhằm tăng quy mô tiếp cận và khả năng chốt sale.

Bên cạnh đó, Affiliate Marketing không tốn quá nhiều chi phí ban đầu. Doanh nghiệp chỉ cần xây dựng được mô hình hoặc trang bị các công nghệ quản lý các Affiliate một cách chính xác, cũng như các chính sách về hoa hồng hợp lý là có thể bắt đầu hoạt động này.

Cuối cùng, Affiliate Marketing giúp tăng lượng truy cập (traffic) website của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, mô hình này còn giúp doanh nghiệp tạo ra các liên kết (backlink), từ đó tác động tích cực đến hoạt động SEO của doanh nghiệp đó.

So sánh giữa Affiliate Marketing và mô hình Kinh doanh Đa cấp

Có thể nhiều bạn sẽ cảm thấy có nét tương đồng giữa Affiliate Marketing và mô hình kinh doanh đa cấp. Sự tương đồng này thể hiện khá rõ ở việc doanh nghiệp đều chi trả một mức hoa hồng cho người giới thiệu sản phẩm/dịch vụ ở cả 2 mô hình. Điều này tạo ra không ít sự nhầm lẫn trong việc nhận định bản chất của Affiliate Marketing. Dưới đây là những sự khác biệt cơ bản giữa 2 mô hình này:

Affiliate Marketing Kinh doanh đa cấp
- Không có sự phân cấp trong mô hình Affiliate Marketing. Doanh nghiệp chỉ trả duy nhất 1 lần hoa hồng cho mỗi đơn hàng chốt sale thành công. - Có sự phân cấp trong việc chi trả hoa hồng trong kinh doanh đa cấp. Ngoài việc F0 được hưởng hoa hồng khi chốt sale thành công với F1, F0 vẫn được hưởng thêm hoa hồng khi người F1 đó giới thiệu và chốt sale thành công với những người F2.
- Các Affiliate chỉ được xem là đối tác hoặc người giới thiệu Referral. - Những người tham gia trong mô hình kinh doanh đa cấp được xem là các trung gian tiêu dùng hoặc đại lý.
- Affiliate Marketing thường được triển khai dưới dạng hệ thống Online. Hệ thống của doanh nghiệp (advertiser) sẽ ghi nhận traffic từ website của các Affiliate (publisher) và sử dụng các Cookies để theo dõi quá trình chốt sale của đơn hàng. - Mô hình kinh doanh đa cấp thường được triển khai theo mô hình Offline, trong đó hoạt động hội thảo, hội nghị thường xuyên được sử dụng.

Lịch sử phát triển của Affiliate Marketing

Affiliate Marketing được cho là xuất hiện lần đầu vào năm 1994, khi Amazon.com ra mắt một chương trình liên kết (tên là Amazon Associates) cho phép các bên thứ ba (cá nhân & tổ chức) gián tiếp bán các sản phẩm trên Amazon thông qua công nghệ tracking ID. Công nghệ này giúp Amazon ghi nhận traffic (lượng truy cập) đổ về từ các bên thứ ba và theo dõi quá trình chuyển đổi (chốt sale) của các traffic này. Các bên thứ ba sẽ nhận được phần trăm doanh thu cho mỗi đơn hàng chốt sale thành công. Doanh thu ghi nhận sẽ được hiển thị trên tài khoản Amazon Associates.

Amazon Associates

Không lâu sau đó, WalMart, cũng bắt đầu triển khai mô hình này. Chương trình của Walmart cho phép các bên thứ 3 tạo tài khoản và giới thiệu sản phẩm trên Walmart với các banner đã được thiết kế sẵn.

Sự thành công trong việc sử dụng Affiliate Marketing của những thương hiệu lớn đã khiến Affiliate Marketing trở nên phổ biến. Mô hình này được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng, đặc biệt là những doanh nghiệp bán lẻ, thương mại điện tử. Ngoài ra, sự thành công của những Affiliate cũng khiến nhiều cá nhân (chủ yếu là các publisher) tham gia mô hình kiếm tiền đầy tiềm năng này.

Amazon, Sendo, Shopee là một trong những đơn vị áp dụng mô hình Affiliate Marketing khá thành công trong những năm gần đây. Những doanh nghiệp này đều có hệ thống ghi nhận traffic, doanh thu, các chính sách về hoa hồng rõ ràng và minh bạch. Affiliate Marketing cũng thu hút nhiều cá nhân tham gia hơn khi trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều người mất việc và phải ở nhà trong một thời gian dài.

Phương thức hoạt động của Affiliate Marketing

Affiliate Marketing hoạt động theo nguyên tắc sau:

  • Doanh nghiệp, cá nhân xây dựng mô hình & chương trình liên kết được xem là nhà quảng cáo (advertiser). Nhà quảng cáo công khai các chính sách hoa hồng, bán hàng cũng như niêm yết giá bán của các sản phẩm/dịch vụ cần được quảng bá.
  • Những cá nhân, tổ chức tham gia mô hình được xem là các Affiliate hoặc nhà xuất bản (publisher).
  • Nhà quảng cáo trả hoa hồng theo cam kết cho 1 Affiliate trong trường hợp khách hàng được Affiliate này giới thiệu đồng ý mua hàng của nhà quảng cáo.

Phương thức hoạt động của Affiliate Marketing

Mô hình Affiliate Marketing có thể được áp dụng theo hình thức Online lẫn Offline. Tuy nhiên, trên thực tế, Affiliate Marketing hầu hết đều theo hình thức Online.

Chương trình Amazon Associates là một ví dụ điển hình. Các nhà xuất bản (publisher) - cá nhân/tổ chức có website, trang mạng xã hội thu hút nhiều đọc giả, lượt xem có thể đăng ký tạo tài khoản Amazon Associate. Sau khi đăng ký thành công, các publisher được cấp các đường link hoặc mã nhúng quảng cáo trỏ đến các trang sản phẩm trên website của Amazon. Các publisher sử dụng các liên kết này để tạo ra những nội dung giới thiệu sản phẩm mà họ muốn quảng bá và chèn các đường link, mã nhúng quảng cáo này vào những nội dung đó. Bất cứ khi nào người đọc nhấp vào đường link quảng cáo của 1 publisher để mua sản phẩm nào đó từ Amazon trong vòng 24 giờ, publisher đó sẽ được ghi nhận hoa hồng trên tài khoản. Giả sử sản phẩm chốt sale là một quyển sách với giá 60 USD và mức hoa hồng cam kết là 10%, publisher đó sẽ được ghi nhận 6 USD. Số tiền ghi nhận sẽ được Amazon tổng kết và chuyển về tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử của publisher định kỳ.

Phương thức hoạt động của Affiliate Marketing - Customers - Publishers - Advertiser

Mục tiêu của các publisher trong Affiliate Marketing không đơn thuần chỉ là gia tăng traffic, lượt view. Các publisher cần có kỹ năng copywriting tốt, chiến lược tiếp cận khách hàng mục tiêu đúng đắn mới có được tỷ lệ chuyển đổi cao. Các publisher cần hiểu rõ về sản phẩm mà mình đang giới thiệu, cũng như nhu cầu, đặc điểm của người mua những sản phẩm này để tạo ra các content phù hợp cho hoạt động Affiliate Marketing.

Để gia tăng độ hiệu quả, nhà quảng cáo cũng có thể hỗ trợ các publisher trong việc cung cấp một lượng content có sẵn (nội dung, hình ảnh, video), cũng cung cấp những nội dung hướng dẫn, mẹo vặt giúp publisher gia tăng hiệu quả chuyển đổi.

Ưu điểm và nhược điểm của Affiliate Marketing

Giống như những mô hình Marketing khác, Affiliate Marketing cũng tồn tại những ưu và nhược điểm.

Ưu điểm

Đối với doanh nghiệp (nhà quảng cáo): Tiếp thị liên kết là một công cụ tuyệt vời cho phép các doanh nghiệp mở rộng phạm vi quảng bá các sản phẩm/dịch vụ với mức chi phí thấp.

Đối với affiliate/publisher: Affiliate Marketing mang đến cơ hội kiếm được thu nhập, thậm chí là đáng kể đối với những ai có năng lực, tầm ảnh hưởng rộng! Cá nhân, tổ chức tham gia Affiliate Marketing không tốn quá nhiều chi phí vật chất hay trải qua thủ tục rườm rà, hay các vấn đề liên quan đến vận chuyển, đổi trả, tích trữ hàng hóa. Tất cả điều kiện cần là chiếc máy tính cá nhân được kết nối Internet.

Nhược điểm

Đối với doanh nghiệp (nhà quảng cáo): Chính vì sự tự do trong mô hình Affiliate Marketing, doanh nghiệp khó quản lý được thông tin, thông điệp mà các Affiliate truyền tải đến khách hàng, người tiêu dùng. Trong một số trường hợp, các Affiliate có thể vì thu nhập mà quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín nhà quảng cáo, doanh nghiệp và nhà sản xuất.

Đối với affiliate/publisher: Mặc dù điều kiện cần khá đơn giản để 1 cá nhân có thể tham gia chương trình Affiliate Marketing, cá nhân đó vẫn cần thêm những điều kiện đủ để có thể hoạt động hiệu quả. Trước hết các Affiliate cần xây dựng được một kênh truyền thông có thể tiếp cận được nhiều đối tượng. Kế đến, các Affiliate cần phải có kỹ năng copywriting tốt, khả năng sử dụng ngôn ngữ mang tính thuyết phục cao, khả năng am hiểu về sản phẩm và nhu cầu của khách hàng để có được tỷ lệ chuyển đổi tốt. Ngoài ra, các Affiliate có thể đối mặt với các rủi ro scam (lừa đảo, từ chối trả hoa hồng) từ doanh nghiệp hay nhà quảng cáo.

Làm thế nào để bắt đầu với Affiliate Marketing?

Đối với doanh nghiệp (nhà quảng cáo)

Doanh nghiệp khi bắt đầu triển khai chương trình Affiliate Marketing cần thực hiện các bước chuẩn bị sau đây:

  1. Xây dựng chính sách, quy định cụ thể, chặt chẽ về mức hoa hồng lẫn các vấn đề liên quan giữa doanh nghiệp và các Affiliate.
  2. Xây dựng hệ thống phần mềm vận hành chương trình Affiliate Marketing đảm bảo tối thiểu các chức năng cơ bản: Cho phép các Affiliate tạo tài khoản, cung cấp các liên kết hoặc phương pháp cho phép các Affiliate liên kết content của mình với các sản phẩm của doanh nghiệp, ghi nhận doanh thu, hoa hồng theo thời gian thực.
  3. Xây dựng bộ cẩm nang định hướng hoạt động cho các Affiliate.
  4. Xây dựng các content hỗ trợ cho các Affiliate: Thông tin, hình ảnh, banner liên quan đến sản phẩm
  5. Xây dựng các tiêu chí lựa chọn, sàn lọc các Affiliate đăng ký tham gia chương trình.

Đối với các Affiliate/Publisher (người tham gia)

Để tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động, các Affiliate cần thực hiện các bước chuẩn bị sau trước khi tiến hành đăng ký tham gia một chương trình Affiliate Marketing:

  1. Nắm vững kiến thức cơ bản về Marketing (khách hàng, người tiêu dùng, thị trường, thương hiệu, giá cả, cạnh tranh...): Lượng kiến thức này giúp các Affiliate định hình các bước cần làm khi xây dựng nội dung, kế hoạch quảng bá một sản phẩm liên kết.
  2. Có khả năng copywriting tốt: Copywriting là kỹ năng cần thiết để các Affiliate có thể tạo ra những content có tỷ lệ chuyển đổi cao.
  3. Xây dựng được kênh truyền thông có khả năng tiếp cận được khách hàng tiềm năng: Kênh truyền thông ở đây có thể là các blog có traffic tốt, kênh youtube có lượt view cao, hay mạng xã hội có tương tác tốt.
  4.  Tìm hiểu rõ về chương trình Affiliate Marketing trước khi đăng ký: Việc tìm hiểu sẽ giúp các Affiliate nắm rõ các chính sách, nguyên tắc mà nhà quảng cáo đưa ra cũng như tránh được các vụ scam (lừa đảo, quỵt tiền).

Tổng kết

Affiliate Marketing là một trong những phát minh về mô hình Marketing tuyệt vời của thế kỷ 21. Mô hình này có khả năng mang đến những giá trị tuyệt vời cho doanh nghiệp (nhà quảng cáo) cũng như các affiliate (những người tham gia mô hình). Tuy nhiên, Affiliate Marketing cũng tồn tại những nhược điểm, bất cập mà cả doanh nghiệp lẫn các Affiliate cần quan tâm. Bên cạnh đó, người bắt đầu với Affiliate Marketing cũng cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo khả năng mang về hiệu quả cao.

Câu hỏi thường gặp (FAQ)

Affiliate Marketing là hình thức tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ của một công ty thông qua các đối tác liên kết. Các đối tác này nhận được tiền hoa hồng khi họ giới thiệu khách hàng mới đến cho công ty.
Affiliate Marketing giúp các công ty tăng doanh số bằng cách tiếp cận khách hàng mới thông qua các đối tác liên kết. Đối tác liên kết cũng có lợi vì họ có thể kiếm được tiền hoa hồng từ việc giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ cho người khác.
Để trở thành đối tác liên kết, bạn cần đăng ký với các công ty chương trình Affiliate Marketing. Sau khi đăng ký, bạn sẽ nhận được một đường liên kết đặc biệt để giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty đó.
Bạn có thể kiếm tiền từ Affiliate Marketing bằng cách giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty đến cho người khác. Nếu người đó mua sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua đường liên kết của bạn, bạn sẽ nhận được tiền hoa hồng từ công ty.
Có nhiều loại chương trình Affiliate Marketing, bao gồm chương trình trả tiền cho mỗi lần click, chương trình trả tiền cho mỗi lần giới thiệu sản phẩm, chương trình trả tiền cho mỗi lần bán hàng, và chương trình trả tiền cho mỗi lần đăng ký hoặc đăng nhập.
Mới nhất