Trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe, như chất xơ, kali và chất chống oxy hóa. Bác sĩ tim mạch David Sabgir cho biết ăn đa dạng trái cây và rau củ có thể giúp kiểm soát huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao. Ngoài ra, có 4 loại trái cây đặc biệt có thể giúp hạ hoặc ổn định huyết áp.
1. Chuối
Chuối giàu kali (Ảnh minh họa)
Khi nói đến trái cây giúp hạ huyết áp, không thể không nhắc đến chuối. Bác sĩ Sabgir giải thích: "Chuối rất giàu kali. Đây là khoáng chất đã được chứng minh giúp kiểm soát huyết áp và được công nhận về khả năng làm giảm tác dụng của natri với cơ thể, thư giãn thành mạch máu".
2. Quả bơ
Để hạ huyết áp, bạn nên ăn bơ thường xuyên (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Sabgir, quả bơ chứa đựng một lượng lớn chất xơ và chất béo không bão hòa, cả hai đều có lợi cho sức khỏe tim mạch.
"Chỉ ⅓ quả bơ cỡ trung bình có thể cung cấp tới 250mg kali. Một chế độ ăn giàu kali sẽ giúp giảm tác hại của natri đối với huyết áp”, bác sĩ Sabgir cho hay.
3. Quả mọng
Quả mọng giúp hạ huyết áp nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Sabgir, việc ăn các loại quả mọng như việt quất, mâm xôi, dâu tây có thể giúp hạ huyết áp.
"Bởi vì quả mọng chứa nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm anthocyanin. Hoạt chất này đã được các nghiên cứu chứng minh là có thể hạ huyết áp," bác sĩ Sabgir nhấn mạnh. Ông dẫn chứng từ một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Molecular Nutrition & Food Research năm 2021. Nghiên cứu này chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa anthocyanin có thể giúp hạ huyết áp, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
4. Kiwi
Kiwi - nguồn cung cấp vitamin C và kali (Ảnh minh họa)
Quả kiwi được xem là một trong những loại trái cây tốt cho tim bởi nó chứa rất nhiều vitamin tốt cho sức khỏe tim mạch.
Theo bác sĩ Sabgir, Kiwi chứa nhiều vitamin C, do đó có thể giúp giảm huyết áp ở những bệnh nhân mắc tăng huyết áp nguyên phát. Một nghiên cứu trên Tạp chí Nutrients năm 2022 cũng chỉ ra rằng ăn kiwi hàng ngày có thể giảm được huyết áp tâm thu, và các nhà nghiên cứu tin rằng điều này là do kiwi chứa nhiều kali.
Nguồn: Eating Well