Tuổi thọ của một người thường phụ thuộc vào quyết định hàng ngày về hành vi sống. Ngoài những thói quen không tốt như hút thuốc và uống rượu có hại cho sức khỏe, còn có những thói quen mà dường như vô hại nhưng thực tế lại ảnh hưởng đến tuổi thọ và không hề ít người bị ảnh hưởng.
Một số thói quen có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe và tuổi thọ. (Ảnh minh họa)
3 thói quen tưởng vô hại nhưng có thể âm thầm 'gọt đẽo' tuổi thọ
1. Không kiểm soát cảm xúc, thường xuyên tức giận
Sự tức giận và khó chịu liên tục có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, một cơn tức giận bất ngờ có thể gây tổn thương cho trái tim. Bác sĩ y khoa Chris Aiken, một chuyên gia tâm lý học lâm sàng tại Trường Y thuộc Đại học Wake Forest ở Bắc Carolina, Mỹ, cho biết: "Trong hai giờ sau một cơn tức giận bất ngờ, nguy cơ đau tim sẽ tăng gấp đôi".
Bác sĩ Aiken cho biết: Theo nghiên cứu, những người có xu hướng tức giận dễ mắc bệnh mạch vành gấp đôi so với những người ít tức giận.
Nghiên cứu khác cho thấy, trong 2 giờ sau khi trải qua cơn tức giận, nguy cơ bị đột quỵ và xuất huyết não có thể tăng gấp 3 lần. Đối với những người có chứng phình động mạch não, nguy cơ vỡ túi phình động mạch còn có thể tăng gấp 6 lần sau cơn tức giận.
Tức giận và tình trạng căng thẳng có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe tổng thể. GS.TS Mary Fristad, một chuyên gia tâm thần học và tâm lý học tại Đại học Ohio, Hoa Kỳ, cho biết căng thẳng và tức giận có thể gây sự hạn chế tuổi thọ của con người, kể cả ảnh hưởng đến sức khỏe của tim mạch.
Ngoài ra, sự lo lắng và căng thẳng cũng có thể làm giảm đáng kể tuổi thọ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ bị căng thẳng hoặc lo lắng có nguy cơ cao hơn gấp đôi tử vong do bệnh tim, đột quỵ hoặc ung thư phổi. Tương tự, nam giới thường xuyên lo lắng hoặc căng thẳng có nguy cơ tử vong sớm cao hơn gấp ba lần.
Các nghiên cứu khác cũng đã chứng minh rằng, những người bi quan có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 42% so với những người lạc quan.
Vì vậy, việc kiểm soát cảm xúc, giảm căng thẳng và lo lắng, hạn chế tức giận, tăng cường trạng thái vui vẻ và có một cái nhìn tích cực về cuộc sống đều là những yếu tố quan trọng để kéo dài tuổi thọ.
Tức giận và căng thẳng có quan hệ mật thiết với sức khỏe tổng thể và tuổi thọ. (Ảnh minh họa)
2. Không chú ý đến đau đớn, triệu chứng lạ và bỏ qua việc đi khám.
Nhiều người thường lơ là các cơn đau và triệu chứng không bình thường trên cơ thể, vì cho rằng chúng chỉ là những đau nhẹ không đáng quan tâm. Tuy nhiên, những cơn đau không bình thường có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm cho nhiều bệnh, và không nên bỏ qua.
Bỏ qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và không đi khám ngay khi có triệu chứng lạ có thể khiến bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm cho những bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường hoặc ung thư, dẫn đến giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị và rút ngắn tuổi thọ.
GS.TS Leana Wen, từ Trường Y tế Công cộng Milken thuộc Đại học George Washington tại Mỹ cho biết rằng, khi bạn đi khám sức khỏe định kỳ và tiến hành các xét nghiệm sàng lọc bệnh tật, bạn sẽ có cơ hội được điều trị kịp thời và ngăn ngừa sự tiến triển thành tiểu đường. Ngoài ra, kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm cũng giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình, giúp các bác sĩ phát hiện bệnh sớm và đề xuất phương án điều trị kịp thời.
Ngoài ra, GS Wen khuyên rằng: "Để có thể nắm bắt tình hình sức khỏe của bạn, bạn nên thường xuyên thăm khám bác sĩ, không chỉ khi bạn có các triệu chứng bất thường".
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp bạn hiểu rõ tình hình sức khỏe, từ đó phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. (Ảnh minh họa)
3. Thiếu hoạt động thể chất
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thiếu hoạt động thể chất đã trở thành nguy cơ thứ 4 gây tử vong toàn cầu, đóng góp 6% tỷ lệ tử vong hàng năm liên quan đến việc thiếu tập thể dục.
Bác sĩ Vương Trường Giang, Phó trưởng khoa Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Quân đội Trung Quốc cho biết, nếu người thiếu vận động trong thời gian dài, các mô và cơ quan trong cơ thể sẽ giảm 30% chức năng, tiềm tàng nguy cơ teo cơ, suy giảm chức năng hô hấp và tuần hoàn, cũng như giảm sức mạnh ở cổ, bụng, lưng dưới và đùi.
Sự kết hợp giữa việc lười vận động và ngồi lâu một chỗ khi làm việc sẽ gây ra tình trạng đau vai, đau thắt lưng, đau khớp gối và các triệu chứng khác. Mất vận động trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tật gây suy giảm sức khỏe tim mạch, thừa cân, béo phì và một số bệnh khác.
GS Wen đã cho biết rằng việc vận động và tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ.
PGS.TS Nieca Goldberg từ Trường Y khoa Grossman thuộc Đại học New York, Hoa Kỳ cho biết: "Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn giúp bảo tồn chức năng nhận thức, từ đó đóng góp vào việc kéo dài tuổi thọ".
WHO khuyến nghị rằng người trưởng thành khỏe mạnh nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần tham gia vào các hoạt động thể chất với cường độ trung bình hoặc cường độ mạnh, còn người mang thai nên tập thể dục với cường độ nhẹ ít nhất 150 phút mỗi tuần.